Thứ Tư, 20/04/2016 12:11

Gia cố, chống đỡ cho di tích Khâm Thiên Giám

Mái ngói đổ xuống vương vãi khắp nơi, chất thành đống. Hệ thống cột kèo rã rượi do mối mọt… có thể đổ sập bất cứ khi nào. Đó là tình cảnh của di tích Khâm Thiên Giám – một trong những cơ quan quan trọng của triều Nguyễn trên đường Hàn Thuyên (phường Thuận Thành, TP. Huế).

Khắc phục đường cụm điểm di tích lăng Minh Mạng - Gia LongKiểm tra một số tượng nghệ thuật hư, hỏng tại khu du lịch Tam Giang

Bên ngoài di tích Khâm Thiên Giám

Việc xuống cấp không chỉ là chuyện báo động trong việc bảo tồn mà còn đe dọa tính mạng của những người sống ở đây. Trước thực trạng này, những ngày qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho người vào gia cố tạm thời.

Hư hỏng gần như toàn bộ

Vừa bước qua cánh cổng cố kính, rêu phong ở số 82 Hàn Thuyên, TP. Huế nếu không để tìm hiểu tài liệu trước đó, ít ai tin rằng trước mắt mình là di tích Khâm Thiêm Giám - cơ quan được thành lập dưới thời vua Gia Long. Cơ quan này được lập ra với nhiệm vụ là chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời biết, làm lịch, báo giờ để định mùa vụ. Quan trọng hơn, Khâm Thiên Giám còn xem ngày lành tháng tốt để triều đình tổ chức những việc đại sự. Và đến năm 1918, vua Khải Định cho dời Khâm Thiên Giám từ góc Nam của Kinh Thành Huế về vị trí hiện tại, đến nay đã tròn 100 năm.

Ngay từ mái hiên bên ngoài, từng mảng lớn đổ sập xuống nằm chỏng chơ cạnh những cột kèo bằng gỗ yếu ớt bị mối mọt ăn sâu vào bên trong. Để đi vào bên trong, chúng tôi được các hộ dân sống quanh đó khuyến cáo phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn, tránh các viên ngói có thể rơi xuống bất cứ khi nào. Ở các gian bên trong di tích này gần như hư hỏng hoàn toàn, với hệ thống mái ngói đổ sập gần hết, chỉ còn một vài thanh gỗ bắc qua. Hệ thống tường ẩm mốc, rêu phủ kín.

Trước thực trạng xuống cấp của di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho khoanh vùng, bảo vệ.

“Chụp ảnh xong rồi ra nhanh chú nghe chứ đừng đứng lâu trong đó, nguy hiểm lắm”, bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi) – người có 52 năm sống trong di tích này nói vọng lớn từ bên ngoài vào. Hiện nay, hai căn gần như hư hỏng hoàn toàn, có thể sập bất cứ khi nào, riêng căn còn lại nơi gia đình bà Duyệt sống còn tạm ổn. Bà Duyệt kể rằng, có lần ra mái hiên phơi áo quần xong vừa bước ra sân nghe tiếng “ầm”, quay lại xem thì thấy một thanh gỗ và đống ngói đổ xuống ngay trước mắt.

Trước tình cảnh đó, bà Nguyễn Thị Duyệt đã xin chính quyền địa phương sửa lại nhà ở vì sợ bị sập nhưng không được cấp phép bởi đây là di tích. “Người ta nói đây là di tích không thể thay mái ngói thành mái tôn nên tôi phải kêu con mua bạt ni lông phủ lên mái ngói cũ để tránh mưa nắng”, bà Duyệt kể lại.

Gia cố tạm thời

Từ các nguồn sử liệu lịch sử, kết hợp công tác khảo sát thực địa và tìm hiểu cho thấy đã từng có 7  hạng mục công trình chính: Khâm Thiên Giám nha (nhà chính), cổng chính (nha môn), giếng nước, tường bao quanh, hai nhà tả hữu, bình phong, sân lát gạch vồ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các công trình trong khuôn viên Khâm Thiên Giám đều bị xuống cấp nghiêm trọng, biến dạng và bị sử dụng sai mục đích. Nhiều công trình của di tích nay không còn như nhà tả, hữu, bình phong, sân lát gạch Bát Tràng, lư đốt giấy. Di tích trở thành khu dân cư với gần 100 nhân khẩu, và hàng chục ngôi nhà lớn nhỏ từ nhà tạm, nhà cấp 4 đến nhà hai tầng kiên cố.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã lập Dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích trình và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thỏa thuận đồng ý với các hạng mục tu bổ công sảnh Khâm Thiên Giám, Khâm Thiên Giám Nha môn; Phục hồi bình phong.

Trước tình trạng xuống cấp của Khâm Thiên Giám, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho người vào gia cố tạm thời

Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lưu ý một số điểm như chủ động khai quật khảo cổ để bổ sung tư liệu cho việc lập thiết kế trong quá trình phê duyệt dự án; làm rõ hơn giải pháp bảo tồn các thành phần kiến trúc nguyên gốc bị chìm dưới nền đất; phương án tu bổ, tôn tạo nền cổng; không dùng sơn công nghiệp để quét tường di tích, không dùng đèn neon, bổ sung các mẫu đèn chùm, gạch hoa lát nền trong nội thất công sảnh Khâm Thiên Giám; bổ sung phương án tu bổ đoạn la thành, bể cảnh, giải pháp đối với cột điện và cây bàng phía trước công sảnh, phương án chiếu sáng sân vườn, các căn cứ khoa học để phục hồi bình phong. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được chưa thể thực hiện được do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trước thông tin xuống cấp nghiêm trọng của di tích Khâm Thiên Giám những ngày qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho gia cố, lắp khung chống đỡ. Theo ghi nhận, các công nhân đã đưa mái tôn để che đậy thay vào phần mái ngói bị đổ sập, cùng với đó dùng hệ thống sắt, gỗ gia cố, chống đỡ hệ khung tạm thời. Các công nhân cho biết, nếu không gia cố thì khả năng di tích này không trụ được qua mùa mưa năm nay.

Tại buổi thực địa vào sáng 20/10 ở khu vực di tích Khâm Thiên Giám, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết hiện quanh di tích này có 27 hộ dân đang sinh sống. Theo ông Tuấn, việc tu bổ không gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn có thể đáp ứng được, tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là quỹ đất để giải tỏa các hộ dân ra khỏi đây. “Trong kế hoạch tu bổ, di tích này nằm trong giai đoạn 2016-2020. Muốn tu bổ phải dời hết các hộ đi. Do vậy, nằm trong kế hoạch di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế sẽ triển khai trong thời gian tới, di tích này ưu tiên hàng đầu”, ông Tuấn nói.

Clip di tích Khâm Thiên Giám

Bài, ảnh, clip: PHAN THÀNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng
Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, Ban Tuyên giáo Thị ủy Hương Thủy và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp bàn kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học về địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

TP Huế khảo sát, điều chỉnh hồ sơ di tích
TP. Huế khảo sát, điều chỉnh hồ sơ di tích

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, đồng thời đảm bảo tính pháp lý và khoa học của hồ sơ di tích, UBND TP. Huế sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh và UBND các phường, xã khảo sát, thống nhất phương án điều chỉnh hồ sơ một số di tích đã được xếp hạng.

Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng
Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng

Thời gian qua, bên cạnh gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh nhân… thị xã Hương Trà còn quan tâm trùng tu, sửa chữa những di tích đình làng đã xuống cấp, cần cấp thiết bảo tồn.