Thứ Tư, 01/06/2016 13:47

Tuyển sinh đại học 2019: Giữ ổn định phương án xét tuyển

Năm 2019, Bộ GD-ĐT vẫn chủ trương cho các trường được phép tuyển nhiều đợt trong năm. Nhưng theo đánh giá chung, các trường ở top trên và top giữa chỉ cần tuyển 1 lần là đủ số lượng và tuyển bổ sung thường rất ít, do đó học sinh cần nắm chắc các thông tin và có định hướng phù hợp.

Các trường mong Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi THPT quốc gia 2019.

Xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi THPT quốc gia từ 2019 sẽ được cải tiến theo hướng không phục vụ 2 mục đích, mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. Do đó nội dung, mức độ, yêu cầu đạt được phải gắn với THPT quốc gia. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi là việc của các trường.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là tới đây các trường ĐH sẽ tuyển sinh như thế nào? Liệu có nên tiếp tục dùng kết quả thi THPT để xét tuyển như các năm gần đây hay mỗi trường tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho trường mình?

Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT), nhìn nhận kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một trong các căn cứ được sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục ĐH, vì thế mức độ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phụ thuộc nhu cầu của từng trường.

Là trường đầu tiên công bố kế hoạch tuyển sinh 2019, lãnh đạo Trường ĐH Nha Trang cho biết, năm nay, trường có 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GDĐT, dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 và dựa vào kết quả học tập lớp 12. Thông tin chi tiết về ngành đào tạo, tổ hợp xét tuyển, chỉ tiêu và phương thức xét tuyển sẽ được công bố trong đề án tuyển sinh năm 2019, sau khi Bộ GDĐT ra quy chế tuyển sinh.

Tại Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đang đứng đầu nhóm xét tuyển miền Bắc. Lãnh đạo nhà trường cho biết vẫn nghiêng về phương án dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Trong tương lai lâu dài, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ bàn đến phương án tuyển sinh riêng còn hiện tại, nếu trường đứng riêng trong việc tuyển sinh sẽ khiến nhóm tan vỡ, bài toán lọc ảo cũng trở nên khó khăn với các trường. Bên cạnh đó, việc các trường tuyển sinh riêng có thể dẫn đến hiện tượng luyện thi như trước đây. Tương tự, lãnh đạo các trường ĐH lớn của Hà Nội như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Giao thông vận tải cũng thừa nhận rất khó để đứng ra tuyển sinh riêng trên toàn quốc, cơ bản vẫn dựa chủ yếu vào điểm thi THPT quốc gia.

Phương án tuyển sinh riêng

Thông tin từ ĐHQG TPHCM cho biết, trường vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển cùng với 3 phương thức khác gồm: ưu tiên xét tuyển theo quy định của trường, xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi cơ bản trong mùa tuyển sinh năm tới của nhà trường là sẽ xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi đánh giá năng lực, từ 10-20% lên 40-60%. Đồng thời có khả năng sẽ sử dụng các bằng cấp quốc tế, ví dụ như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới.

Ngoài ra, các trường thành viên còn tự tổ chức phương thức xét tuyển sinh. Tuy nhiên, các phương thức này không phá vỡ tính hệ thống của ĐHQG TPHCM. Lãnh đạo trường này cũng lưu ý, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 sẽ được tổ chức thành hai đợt, một đợt trước kỳ thi THPT quốc gia và một đợt diễn ra sau kỳ thi THPT quốc gia 2019. Kỳ thi sẽ được tổ chức tại các cụm thi TP HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn và dự kiến mở rộng thêm một số cụm thi tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong tháng 12/2018, ĐHQG TP HCM sẽ công bố thông tin chi tiết cho thí sinh.

Hiện Bộ GDĐT vẫn chưa có văn bản chính thức.về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019. Vì vậy, một số trường cho biết vẫn chưa có quyết định chính thức nào về tuyển sinh năm tới. Tuy nhiên, vì thời gian không còn nhiều nên nhìn chung, sẽ không có thay đổi nhiều để phụ huynh và học sinh yên tâm ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Nhìn nhận các phương thức tuyển sinh năm nay, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ Phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng nhiều người lo ngại mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là để xét tốt nghiệp, đề thi có phần dễ hơn sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, nguyên tắc tuyển sinh là “thuyền lên nước lên”, đề thi dễ, điểm thi cao thì điểm chuẩn cũng sẽ cao. Chưa kể hiện nay, tuyển sinh đầu vào chỉ là một thang đo, quan trọng là quá trình đào tạo ĐH phải chặt chẽ, sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra và đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng.

* Đề thi THPT quốc gia 2019 bao gồm kiến thức từ lớp 10 đến 12: Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2019, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) vừa cho biết, phạm vi kiến thức trong đề thi sẽ bao gồm cả lớp 10, 11 và 12. Trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng đề thi năm quá khó, năm lại quá dễ, Vụ Giáo dục ĐH sẽ cho học sinh làm thử và giáo viên phản biện đề với số lượng lớn hơn, phạm vi rộng hơn, đảm bảo cho đề chính thức đạt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa đủ phân hóa để các trường căn cứ vào đó xét tuyển ĐH. Ngoài ra, việc chấm thi cũng sẽ có một vài thay đổi. Cụ thể, bài trắc nghiệm sẽ không giao cho các địa phương chủ trì như trước đây mà chuyển cho các trường ĐH. Việc coi thi cũng sẽ thay đổi theo hướng trường ĐH, CĐ địa phương sẽ không tham gia coi thi tại địa phương đó mà sẽ phải làm công tác coi thi tại địa phương khác.

Theo Đại đoàn kết

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh đại học 2023 có gì mới
Tuyển sinh đại học 2023 có gì mới?

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm 2023, Bộ sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Về cơ bản, công tác tuyển sinh sẽ giữ ổn định như năm 2022.