Thứ Sáu, 10/06/2016 06:38 (GMT+7)
Moody’s: Lĩnh vực ngân hàng, fintech của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh
Mặc dù các ngân hàng của Việt Nam chậm chân trong việc triển khai chuyển đổi kỹ thuật số nhưng lại có tiềm năng lớn cho công nghệ tài chính (fintech) phát triển, cơ quan xếp hạng Moody’s cho biết trong một báo cáo tháng 11/2018. Tổ chức này cũng thay đổi đánh giá về hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “tích cực” trước đó thành mức “ổn định” hiện nay.
Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh. Ảnh: Getty
Moody’s cho rằng, tốc độ chuyển đổi của các ngân hàng ở Việt Nam đã tụt hậu hơn so với các nước khác trong khu vực. Đến nay, các ngân hàng vẫn tập trung vào việc tăng cường các nền tảng ngân hàng trực tuyến và trên di động để cho phép các khách hàng hiện tại xử lý nhiều giao dịch trực tuyến hơn. Tuy nhiên, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển mạnh ngành fintech và các công ty khởi nghiệp công nghệ chuyên về dịch vụ tài chính đang nổi lên, dẫn đầu là những công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số.
Một trong số các động lực cho sự phát triển của fintech mà Moody’s đề cập đến là sự thâm nhập của lĩnh vực ngân hàng vẫn còn thấp – chỉ khoảng 1/3 người trưởng thành có tài khoản, nhưng fintech có thể thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ tài chính và ngân hàng, đặc biệt là cho những người sống ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, dân số Việt Nam trẻ và ngày càng giàu có cũng có thể là những “khách hàng tiềm năng” cho các dịch vụ tư vấn của các ngân hàng và công ty fintech, chẳng hạn như quản lý tài sản.
Moody’s cũng đánh giá rằng Chính phủ Việt Nam đang rất tạo điều kiện cho sự đổi mới của fintech như một phần trong các nỗ lực nhằm cải thiện tài chính toàn diện và hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt vào năm 2025. Thêm vào đó, trong năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thành lập một ban chỉ đạo với nhiệm vụ xây dựng chiến lược thúc đẩy phát triển fintech và khung pháp lý cho các công ty fintech.
Đánh giá triển vọng của Moody’s cho lĩnh vực này (dựa trên dự báo trong 12-18 tháng tới) xếp rủi ro, lợi nhuận và hiệu quả tài sản của các ngân hàng Việt Nam ở mức “đang cải thiện”, trong khi môi trường hoạt động, vốn, tài trợ, thanh khoản và hỗ trợ của chính phủ được đánh giá là “ổn định”.
Theo Moody’s, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam sẽ ở mức vừa phải 16% trong năm 2018 từ 20% trong năm 2017, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang cố gắng để giữ lạm phát dưới mức mục tiêu 4%, báo cáo cho biết thêm. Tổ chức này dự báo rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy bởi các khoản vay cho người bán lẻ và doanh nghiệp tư nhân.
Tố Quyên (Lược dịch từ Business Times)