Chủ Nhật, 19/06/2016 06:43

Hàn Quốc với “cuộc chiến” tăng tỷ lệ sinh đầy khó khăn

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc (số trẻ em mà một phụ nữ dự kiến ​​sẽ có trong đời) đã giảm xuống 0,95 trong quý III/2018, lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 và thấp hơn mức 2,1 cần thiết để duy trì sự ổn định. Với xu hướng này, dân số của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, hiện đang là 51 triệu dân, dự kiến ​​sẽ bắt đầu giảm vào năm 2028.

Lo ngại gánh nặng tài chính, ngày càng nhiều người Hàn Quốc “sợ” kết hônHàn Quốc: Làm việc tăng ca làm giảm cơ hội mang thai của nhân viên nữHàn Quốc: Dân số lao động giảm lần đầu tiênHàn Quốc vào nhóm quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giớiChính phủ Hàn Quốc nỗ lực giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc lần đầu tiên giảm xuống 0,95 trong quý III/2018. Ảnh: AFP

Khi Ashley Park bắt đầu công việc marketing tại một nhà sản xuất thuốc ở Seoul, cô mang theo mình một hồ sơ đại học gần như hoàn hảo, khả năng tiếng Anh lưu loát và hòa đồng với các đồng nghiệp – không có điều gì khiến chủ của cô phàn nàn cho đến khi cô mang bầu.

“Chín tháng sau khi vào làm việc, họ nói với tôi rằng công ty không có chỗ dành cho một phụ nữ có con, vì vậy tôi cần phải nghỉ việc", cô Park kể lại, và đột nhiên nhận ra rằng, tất cả mọi phụ nữ làm việc tại công ty đều độc thân hoặc không có con, và chủ yếu dưới 40 tuổi.

Trường hợp của cô Park cho thấy lý do tại sao rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc lãng tránh việc kết hôn và sinh con, đẩy tỷ lệ sinh của đất nước - một trong những quốc gia có tỷ suất sinh hiện ở mức thấp nhất thế giới - ngày càng đi xuống.

Đầu tháng này, Seoul đã công bố một loạt các biện pháp mới nhất nhằm ngăn chặn sự suy giảm tỷ lệ sinh nói trên, nhưng các nhà phê bình cho rằng chúng sẽ không có tác dụng gì khi đối mặt với những nguyên nhân sâu xa tiềm ẩn.

Thực tế, nhiều công ty Hàn Quốc không muốn tuyển dụng các bà mẹ, hồ nghi những cam kết của họ đối với công ty và lo ngại rằng họ sẽ không làm việc nhiều giờ (vốn được xem như “tiêu chuẩn” ở nước này), cũng như để tránh phải trả tiền cho kỳ nghỉ thai sản hợp pháp của họ.

Quay trở lại câu chuyện của cô Park, khi cô không đồng ý nghỉ việc, cô phải đối mặt với nhiều khó khăn như phía công ty phớt lờ cô, hay không tạo điều kiện cho cô làm việc…

Sau khi chiến đấu được khoảng 6 tháng, cuối cùng cô cũng nản lòng và từ chức, một tháng sau đó cô sinh một bé gái. Sau đó ccô có một thời gian ngắn làm việc tại một công ty khởi nghiệp CNTT nhưng công ty này đã không giữ lời hứa về giờ làm việc linh hoạt, từ đó cô trở thành một bà mẹ thất nghiệp ở nhà.

"Tôi đã học và làm việc rất chăm chỉ trong nhiều năm để có được một công việc khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên rất cao, tôi cũng rất thích công việc của mình... nhưng hãy xem điều gì đã xảy ra với tôi?", cô Park chia sẻ với AFP.

Năm nay 27 tuổi, cô đã bị từ chối trong nhiều cuộc phỏng vấn xin việc khi cô tiết lộ đã có một đứa con. Giờ đây, cô đã từ bỏ việc tìm kiếm việc làm và cố gắng thành lập một doanh nghiệp thương mại của riêng mình.

"Chính phủ cứ bảo phụ nữ sinh thêm con ... nhưng phải làm thế nào đây?", cô cảm thán.

Các giá trị gia trưởng vẫn ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc: gần 85% đàn ông Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng phụ nữ đi làm, nhưng tỷ lệ ủng hộ lại giảm mạnh xuống 47% khi được hỏi liệu họ có ủng hộ vợ mình đi làm không. Ảnh: AFP / Ed JONES

Phụ nữ đi làm

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc (số trẻ em mà một phụ nữ dự kiến ​​sẽ có trong đời) đã giảm xuống 0,95 trong quý III/2018, lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 và thấp hơn mức 2,1 cần thiết để duy trì sự ổn định. Với xu hướng này, dân số của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, hiện đang là 51 triệu dân, dự kiến ​​sẽ bắt đầu giảm vào năm 2028.

Nhiều lý do được kể đến, từ chi phí nuôi con, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, thời gian làm việc kéo dài và sự chăm sóc hạn chế đã dẫn đến thất bại trong sự nghiệp của các bà mẹ đi làm. Ngay cả khi phụ nữ giữ công việc của mình, họ cũng phải chịu một gánh nặng gấp đôi khi đảm nhận thêm các công việc gia đình.

Theo một cuộc khảo sát của nhà nước, các giá trị gia trưởng vẫn ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc: gần 85% đàn ông Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng phụ nữ đi làm, nhưng tỷ lệ ủng hộ lại giảm mạnh xuống 47% khi được hỏi liệu họ có ủng hộ vợ mình đi làm không.

Tỷ lệ việc làm đối với nam và nữ đã kết hôn ở nước này khác nhau khá lớn - lần lượt là 82% và 53%. Giờ đây, gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20-40 coi hôn nhân là không cần thiết, một cuộc thăm dò ý kiến ​​của một tạp chí tài chính và một trang web tuyển dụng cho thấy.

Nhiều trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ và nhà trẻ sẽ được xây dựng ở Hàn Quốc và nam giới sẽ được phép - nhưng không bắt buộc - nghỉ 10 ngày khi vợ sinh, tăng từ 3 ngày như hiện tại. Ảnh: AFP / Jung Yeon-je

Nỗ lực của chính phủ

Trong bối cảnh đó, chính phủ Hàn Quốc đã chi 136.000 tỷ won (121 tỷ USD) kể từ năm 2005 để cố gắng tăng tỷ lệ sinh, chủ yếu thông qua các chiến dịch nhằm khuyến khích nhiều người trẻ hơn kết hôn và sinh con, nhưng không thành công.

Đầu tháng này, chính quyền đã công bố một loạt các biện pháp khác, bao gồm tăng trợ cấp cho trẻ nhỏ lên tới 300.000 won (270 USD) mỗi tháng và cho phép cha mẹ có con dưới 8 tuổi làm việc ít hơn 1 giờ mỗi ngày để chăm sóc con cái. Nhiều trung tâm giữ trẻ và nhà trẻ sẽ được xây dựng, và nam giới sẽ được phép - nhưng không bắt buộc - nghỉ 10 ngày có lương khi vợ sinh, tăng từ 3 ngày như hiện tại.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và không có hình phạt nào đối với các công ty chối bỏ những lợi ích đã hứa với công nhân của họ.

Hiệp hội Lao động Phụ nữ Hàn Quốc cho rằng, trước hết, chính phủ nên giải quyết "sự phân biệt đối xử trong công việc và gánh nặng gấp đôi từ việc đi làm và ở nhà cho phụ nữ".

Tờ Korea Times cũng đặt nghi vấn rằng liệu các chính sách nhà nước "mờ nhạt" như vậy có mang lại sự thay đổi thực sự hay không, trừ khi chính phủ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ khiến phụ nữ trốn tránh hôn nhân và sinh con. "Trừ khi những điều kiện khắc nghiệt này đối với phụ nữ được thay đổi, nếu không, sẽ không có khoản trợ cấp nào của chính phủ đủ sức thuyết phục phụ nữ rằng có con là một lựa chọn hạnh phúc", tờ báo này nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP & CNA)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Gắn với thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp hội phụ nữ ở TP. Huế đã và đang nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bằng những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội phụ nữ Thừa Thiên Huế hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.