Thứ Sáu, 08/07/2016 06:15

Chuẩn bị ra mắt Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập đáp ứng mong mỏi nhiều năm nay của các nghệ sĩ và công chúng. Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan đang khẩn trương sưu tầm tác phẩm, cải tạo không gian trưng bày chuẩn bị cho ngày ra mắt bảo tàng.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế phải xứng tầm với vị thế của một trung tâm văn hóaThành lập Bảo tàng Mỹ thuật HuếTìm địa điểm thành lập bảo tàng mỹ thuật HuếTrưng bày tác phẩm, chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật

Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang khẩn trương sưu tầm các tác phẩm có giá trị (Trong ảnh là triển lãm "Hồi cố" năm 2016 trưng bày tác phẩm của các họa sĩ Huế danh tiếng).

Đặt tại số 10 Lý Thường Kiệt

Theo quyết định thành lập của UBND tỉnh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế có 3 không gian trưng bày, gồm: Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật, không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng và không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Bảo tàng Mỹ thuật Huế là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, là nơi lưu giữ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, trao đổi, hợp tác…

Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật trước mắt được đặt tại số 10 Lý Thường Kiệt và có thể mở rộng cả cơ sở số 8 Lý Thường Kiệt (trụ sở của Sở Văn hóa và Thể thao hiện nay, khi tỉnh bố trí làm việc tại khu hành chính tập trung). Tương lai, tỉnh sẽ bố trí không gian trưng bày mỹ thuật Huế tại một vị trí phù hợp, khang trang hơn trên tuyến đường Lê Lợi, nằm trong trục không gian văn hóa nghệ thuật theo đề án đã được tỉnh phê duyệt.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, trước mắt, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ cải tạo không gian trưng bày và kho lưu giữ tác phẩm ở số 10 Lý Thường Kiệt đáp ứng các yêu cầu của bảo tàng. Dự kiến, trong tháng 1/2019 sẽ công bố thành lập bảo tàng, đồng thời tổ chức tiếp nhận hơn 30 tác phẩm do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng.

Tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa sen" của họa sĩ Tôn Thất Đào được Sở Văn hóa và Thể thao sưu tập trong năm 2018

Theo đề cương trưng bày, Bảo tàng Mỹ thuật Huế là nơi lưu giữ, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu mỹ thuật Huế, trong đó chú trọng những tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng, có giá trị nghệ thuật tiêu biểu, đánh dấu sự phát triển của mỹ thuật Huế qua các thời kỳ đã được giới nghiên cứu, phê bình mỹ thuật đánh giá cao; tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật của họa sĩ, nghệ sĩ đã thành danh, nổi tiếng trong nước và quốc tế…

Ngoài 26 tác phẩm do Sở Văn hóa và Thể thao sưu tập và các nghệ sĩ hiến tặng, cùng trên 30 tác phẩm từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tham mưu UBND tỉnh tuyển chọn một số tác phẩm điêu khắc qua 5 trại sáng tác điêu khắc quốc tế của các kỳ Festival Huế, điều động một số hiện vật Chăm có giá trị mỹ thuật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Sau khi bảo tàng đi vào hoạt động, sẽ tiếp tục sưu tầm các loại hình mỹ thuật đặc trưng của Thừa Thiên Huế, như: tranh dân gian làng Sình, tranh gương, mỹ thuật pháp lam, điêu khắc dân gian của đồng bào dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế…

Khẩn trương sưu tầm tác phẩm

Trong công văn gửi Hội Mỹ thuật Việt Nam về việc đề nghị quan tâm tặng một số tác phẩm cho Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu của đông đảo nghệ sĩ, trí thức và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị về mỹ thuật Huế, góp phần phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh, mở rộng giao lưu, hội nhập với các hoạt động mỹ thuật trong cả nước.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu nói: “Bảo tàng Mỹ thuật Huế phải bề thế, trang trọng, đại diện cho mỹ thuật của Huế nói riêng và miền Trung nói chung, có thể sánh vai cùng các bảo tàng khác trong nước và trên thế giới, là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị của mỹ thuật Huế từ xưa đến nay. Việc sưu tầm tác phẩm của chúng ta đã chậm, cần mua ngay những tác phẩm giá trị”.

Để trở thành một bảo tàng bề thế, cần có rất nhiều thời gian, trong đó, việc sưu tầm tác phẩm trở thành vấn đề “xương sống”. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Hội đồng thẩm định để mua tác phẩm mỹ thuật, khẩn trương sưu tầm, vận động các tổ chức, các tác giả hiến tặng tác phẩm mỹ thuật có giá trị cho bảo tàng. Ông Phan Tiến Dũng cho hay: “Năm 2019, UBND tỉnh bố trí 3 tỷ đồng dành cho việc sưu tập tác phẩm. Sở Văn hóa và Thể thao đã đưa ra hội đồng thẩm định 11 tác phẩm dự kiến mua đầu năm 2019, gồm tác phẩm của các tác giả: Mai Trung Thứ, Hoàng Đăng Nhuận, Phan Xuân Sanh, Dương Đình Sang, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Hà Văn Chước, Phan Thanh Bình, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Hiền. Tuy vậy, với nguồn kinh phí chưa nhiều, việc mua những tác phẩm quý cũng là khó khăn trong bước đầu thành lập bảo tàng”.

PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế cho rằng, văn nghệ sĩ và công chúng Thừa Thiên Huế đều mong muốn Huế có Bảo tàng Mỹ thuật xứng đáng với những giá trị mỹ thuật mà vùng đất này tạo nên trong quá trình lịch sử và đương đại. Mỹ thuật Huế vô cùng “mênh mông, rộng lớn”, có lịch sử lâu dài nên trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là mỹ thuật đương đại mà phải thể hiện được quá trình lịch sử của vùng đất. 

Bài, ảnh: Nguyệt Tú

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.