Thứ Sáu, 30/09/2016 16:51

Thay đổi nhận thức về học nghề

Gần 2.500 học sinh tham gia ngày hội tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 diễn ra tại Trường trung cấp Âu Lạc vào sáng 31/3, điều đó cho thấy, các em học sinh bắt đầu có cách nhìn khác về giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới toàn diện hoạt động giáo dục nghề nghiệpNhiều bất cập trong sự gắn kết doanh nghiệp với trường nghềSức nóng việc làmTái cấu trúc cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối

Thao diễn nghề tại ngày hội  tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề 

Học nghề thua kém đại học: Quan niệm lỗi thời

Mở đầu buổi tư vấn, TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay, đa số các bạn trẻ ở Việt Nam đều chọn học đại học để tạo dựng tương lai. Nhưng, thực tế khá buồn là rất nhiều bạn sau khi vào đại học lại thấy không phù hợp với ngành nghề đã lựa chọn, kết quả là sau khi ra trường không xin được công việc phù hợp với đam mê, sở thích và năng lực. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ khác đã tìm con đường khác phù hợp và vừa sức hơn, đó là học nghề.

“Quan niệm học nghề thua kém hơn so với học đại học đã là quan niệm rất lỗi thời, bởi thực tế công việc cho thấy những người có tay nghề tốt khi lập nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi và dễ thành công hơn. Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, chúng tôi cho rằng học gì cũng tốt, nghề nào cũng hay, điều quan trọng là nghề đó phải phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình và nhất là phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động”, TS. Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng phân tích cho các em học sinh thấy xu thế, cơ cấu lao động của Việt Nam và thế giới; GDNN là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Ông cũng thông tin về những ưu thế của học nghề, như: chính sách miễn giảm học phí, chính sách hỗ trợ; thời gian học ngắn; nội dung đào tạo gắn với thực hành; nghề nghiệp đa dạng, phong phú với khoảng 825 nghề trình độ trung cấp, 559 nghề trình độ cao đẳng ở 90 nhóm ngành nghề đào tạo, bao phủ mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Quan trọng nhất là cơ hội việc làm dễ dàng, thu nhập cao…

Học sinh tìm hiểu thông tin về các ngành nghề đào tạo

Trong không gian ngày hội, các trường cao đẳng, trung cấp không chỉ giới thiệu đến các em học sinh thông tin về các ngành nghề đào tạo, mà còn cho các em được trực tiếp trải nghiệm, tận mắt thấy nghề y, bartender, lữ hành, đầu bếp, lễ tân, mầm non… sau này sẽ làm gì. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hoạt náo để thu hút học sinh. Một số trường cao đẳng nghề còn trực tiếp mời học sinh về trường tham quan, trải nghiệm để tìm hiểu sâu hơn về các ngành nghề đào tạo. Thế nên, học sinh rất hào hứng tham gia.

Đến từ Trường THPT Thuận An, huyện Phú Vang, Dương Thị Liền, học sinh lớp 12 chia sẻ, lần đầu tiên được tham gia ngày hội tư vấn, em mới hiểu rõ về giáo dục nghề, khác hẳn với thông tin “mù mờ” trước đây. Liền kể: “Trước đây, em chưa định hình rõ học nghề là như thế nào, nhiều ngành em chưa từng biết tới, cứ nghĩ nó vất vả, thiếu hấp dẫn nhưng hôm nay chứng kiến các bạn sinh viên thao diễn nghề, em thấy thật thú vị. Có lẽ em sẽ suy nghĩ lại về việc sẽ thi vào đại học vì học nghề mang đến cho tụi em cơ hội việc làm nhiều hơn. Em sẽ chọn học nghề du lịch”.

Định hướng phân luồng

Lần đầu tiên được Sở LĐTBXH phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhưng ngày hội tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 thu hút sự tham gia của gần 2.500 học sinh đến từ 34 trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ở Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà và TP. Huế. Điều đó cho thấy, các em học sinh bắt đầu có cách nhìn khác về GDNN.

Những trải nghiệm thực tế tại ngày hội thu hút học sinh tham gia

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH cho hay, việc tổ chức ngày hội là hoạt động cao điểm của công tác truyền thông về GDNN, nhất là vào lúc mùa tuyển sinh năm học mới đang bắt đầu. Ngày hội là dịp để các em học sinh và các bậc phụ huynh được tư vấn, thông tin một cách đầy đủ về thị trường lao động việc làm, cũng như ngành nghề, phương pháp, quy mô đào tạo và hình thức tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp; về việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp các khóa học, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về công tác GDNN, để có cơ sở cho việc định hướng chọn nghề, chọn trường. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở GDNN giới thiệu trực tiếp đến các bậc phụ huynh và các em học sinh phổ thông tiềm năng, thế mạnh, ngành nghề, quy mô đào tạo, phương thức tuyển sinh của trường, nhằm thu hút học sinh.  

Đưa học sinh đến tham gia ngày hội, cô giáo Nguyễn Thị Ngàn Thương, giáo viên Trường THPT Hương Trà cho rằng, ngày hội giúp các em được trải nghiệm thực tế về những điều giáo viên đã tư vấn trong quá trình học, giúp các em biết những thông tin cần thiết để có định hướng tốt về nghề nghiệp trong tương lai. Học sinh thường có tâm lý chung muốn vào đại học, nhưng những trải nghiệm nghề nghiệp, định hướng việc làm hôm nay khiến nhiều em thấy, không nhất thiết phải vào đại học mà có thể chọn học những nghề thời gian ngắn hơn, chi phí ít hơn, thích hợp với mức sống của người dân ở vùng quê.

Năm 2019 là năm thứ ba hệ thống GDNN trong cả nước thực hiện tuyển sinh và tổ chức đào tạo theo quy định của Luật GDNN. Thời gian qua, kết quả tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh đều vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cơ cấu trình độ đào tạo vẫn còn bất cập, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia học nghề trình độ trung cấp và cao đẳng còn thấp, phần lớn người tham gia học nghề học ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Thực tế đó cho thấy, công tác tuyển sinh học nghề của nhiều cơ sở GDNN hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốn kém nhiều chi phí. Vì thế, những hoạt động thiết thực như ngày hội tư vấn, định hướng, tuyển sinh học nghề cần được tổ chức thường xuyên hơn, nhằm truyền tải một cách đầy đủ vị trí, vai trò của hoạt động GDNN, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào học các trình độ GDNN, giúp xã hội có nhận thức rõ ràng, tích cực hơn về học nghề, lập nghiệp thay vì học đại học.

Bài, ảnh: Minh Hiền

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạn chế rạn nứt lớp cấp phối vữa tô tường
Hạn chế rạn nứt lớp cấp phối vữa tô tường

Lớp cấp phối vữa tô tường là quá trình “dung hòa” hợp lý tỷ lệ cát, xi măng, nước, phụ gia (nếu có), tạo nên ngoại quan ngôi nhà. Để có một lớp vữa chất lượng, người thợ xây phải nắm được những kiến thức cơ bản trong quá trình xây tô.

VNPT tổ chức Ngày hội không dùng tiền mặt
VNPT tổ chức Ngày hội không dùng tiền mặt

Hưởng ứng kế hoạch 222/KH-UBND ngày 21/10/2020 về việc Triển khai chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, ngày 18/2, VNPT Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình Ngày hội Không dùng tiền mặt, chương trình diễn ra đến 21h cùng ngày.