Thứ Sáu, 18/08/2017 19:23

Nan giải bài toán bảo vệ cổ vật

Sau khi lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ vào ngày 14/2, tiếp tục mở rộng điều tra, 2 đối tượng khai nhận, ngoài TX. Hương Thủy, còn đột nhập vào 4 nhà thờ tại huyện Phong Điền, 4 nhà thờ ở huyện Phú Vang và 2 nhà thờ ở huyện Quảng Điền để trộm cắp đồ thờ tự.

Bắt nhóm đối tượng thực hiện hàng loạt vụ trộm xe đạp điệnKhởi tố, bắt giam đối tượng liên tục trộm cắp tài sảnNhóm trộm cáp viễn thông “sa lưới”

Đối tượng Trần Hữu Chí (giữa) và tang vật trộm cắp ở đình làng Thanh Thủy Chánh

Dễ dàng trộm cắp

Đầu năm nay, chỉ chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn TX. Hương Thủy liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ mất tài sản, đồ thờ tự có giá trị tại các đình làng, phủ thờ, nhà thờ họ… khiến dư luận bất an.

Vào cuộc điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TX. Hương Thủy xác định Trần Hữu Chí và Lê Viết Tửu (cùng trú tại Phong Sơn – Phong Điền) là 2 đối tượng gây ra hàng loạt vụ trộm cắp nói trên.

Riêng ở địa bàn TX. Hương Thủy, từ ngày 17/1- 11/2, ngoài vụ đột nhập vào Niệm phật đường Lang Xá Bàu trộm hơn 51 triệu đồng, Chí cùng Tửu đã đột nhập vào đình làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh), đình làng Dạ Lê Thượng (phường Thủy Phương) và Phủ thờ Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần (xã Thủy Thanh) – nơi có thờ cụ Tôn Thất Thuyết – được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia để trộm lư đồng, bình gốm sứ và chuông đồng.

Quá trình điều tra, Trần Hữu Chí khai nhận, trước khi ra tay vài ngày, Chí đi đến các nhà thờ họ, đình làng, phủ thờ… để dò la thời điểm nào những nơi này vắng người trông coi, sau đó đột nhập, cạy cửa, phá khóa lấy trộm tài sản.

Để thực hiện hành vi trộm cắp, chỉ với chiếc bẫy thú cấu tạo khá đơn giản gồm những thanh thép nhỏ và dây ni lông cùng chiếc kềm, Chí và đồng phạm đã dễ dàng cạy tung những cánh cửa, ổ khóa sau đó đột nhập và cuỗm đi tài sản cùng những đồ thờ tự có giá trị cả về vật chất lẫn lịch sử, văn hóa, tâm linh.

Theo dõi quá trình dựng lại hiện trường, dễ dàng nhận thấy, tường rào những nơi bị mất trộm khá thấp, an ninh lỏng lẻo, không có người thường xuyên lui tới cùng tâm lý chủ quan “ai lại trộm đồ ở những nơi tâm linh” nên chỉ cần quan sát sơ qua, đợi đến đêm tối, những đối tượng này dễ dàng đột nhập và không tốn nhiều công sức để ra tay trộm cắp.

Biện pháp trước mắt

Ông Nguyễn Đình Tám, Trưởng làng Dạ Lê Thượng cho biết, đình làng Dạ Lê Thượng (phường Thủy Phương) bị mất trộm 2 bộ lư đồng, ngoài bộ đặt trên bàn thờ thì bộ lư còn lại được cất trong tủ thờ và khóa lại nhưng cũng bị cạy khóa để lấy trộm. Tuy nhiên, ông Tám cũng nhìn nhận, do người thủ từ chỉ có nhiệm vụ nhang khói và thỉnh thoảng đến dọn dẹp quét tước nên chuyện canh giữ, bảo quản đồ thờ tự khó chu đáo.

Sau khi trình báo lên UBND xã Thủy Thanh chiếc chuông đồng có niên đại cả trăm năm bị lấy cắp, ông Tôn Thất Cừ, người cai quản và ở trong khuôn viên Phủ thờ Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần (xã Thủy Thanh), nơi có thờ cụ Tôn Thất Thuyết cho hay, trước đó tôi vẫn mở cửa nhang khói, dọn dẹp sau đó đóng cửa Phủ như mọi khi. Nhưng hôm 9/2 (ngày bị mất trộm), do nhà có đám hỏi, tôi ít chú ý ở Phủ cùng với việc những đối tượng này chắc đã theo dõi từ trước nên lợi dụng sơ hở để ra tay.

Hiện, bên cạnh khởi tố bị can đối với Trần Hữu Chí và Lê Viết Tửu và thu hồi được một số lư đồng, bình gốm sứ, lực lượng chức năng Công an TX. Hương Thủy cũng đã thu hồi chiếc chuông đồng ở Phủ thờ Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần (bị 2 đối tượng này đem ra Quảng Trị bán, sau đó tiếp tục “lưu lạc” ra Hà Nội, Nam Định)

Sau những vụ mất trộm nói trên, vấn đề an ninh tại những nơi này tiếp tục được đặt ra, bởi hiện trên địa bàn TX. Hương Thủy có 15 di tích được công nhận, trong đó 6 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh cùng rất nhiều nhà thờ, đình, chùa…, những nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TX. Hương Thủy, đa số những đình làng, phủ thờ, di tích… cùng hiện vật trong đó đều do họ tộc quản lý, Phòng Văn hóa thông tin chỉ có chức năng kiểm kê hiện vật hằng năm. Tuy nhiên, việc tăng cường các biện pháp an ninh quả thật rất khó khi coi sóc những nơi này đều là người cao tuổi, khó có thể quán xuyến 24/24h, trong khi, kinh phí cho công tác đảm bảo an ninh ở những di tích được công nhận lại chỉ dựa vào đóng góp hạn chế của người dân trong làng.

Trước những bất cập trên, bên cạnh huy động người dân đóng góp để lắp đặt camera an ninh như lời ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, theo ông Toàn, việc học theo cách của người dân Thủy Phù khi đem những đồ thờ tự ở đình làng Thủy Phù cất giữ trong gia đình, chỉ đem ra mỗi dịp cúng bái, lễ lạt là phương án khả dĩ trước mắt.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.

Phần thưởng quý giá
Phần thưởng quý giá

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển năm 2022 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng bằng khen trong thực hiện chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Đó là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân.

Đưa xã Thủy Thanh lên phường
Đưa xã Thủy Thanh lên phường

Thủy Thanh (Hương Thủy) đang tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhằm sớm đưa địa phương trở thành phường trực thuộc thị xã vào cuối năm nay.