Thứ Hai, 28/08/2017 16:54

Lo nguồn giống sắn kháng bệnh

Tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh khảm lá đang khiến nhiều địa phương có diện tích trồng sắn đứng ngồi không yên. Ngành nông nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm các giống kháng bệnh để ngăn chặn dịch bệnh trong những vụ tiếp theo.

Công bố dịch khảm lá sắnKiểm soát chặt nguồn giống sắnPhòng bệnh từ gốc

Đẩy nhanh tiến độ tiêu hủy

 Tiêu hủy sắn nhiễm bệnh khảm lá sắn

Theo kế hoạch năm 2020, huyện Phong Điền sẽ đưa vào trồng 1.200 ha sắn, đến nay đã triển khai trồng được 1.114,1ha. Tuy nhiên từ ngày 3/2, trên diện tích sắn của xã Phong An đã phát hiện bệnh khảm lá sắn với diện tích 22 ha. Đến nay, toàn huyện Phong Điền có gần 980ha diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, tỷ lệ bệnh gây hại trên 70% là gần 455,7ha. Nhiều xã tỷ lệ nhiễm bệnh 100% như Phong Mỹ, Phong Hiền, Phong Hòa và chỉ có 11 ha ở xã Điền Hương chưa bị nhiễm bệnh.

Tại cánh đồng thuộc thôn Phò Ninh, xã Phong An, người dân đang tập trung ra đồng nhổ bỏ những diện tích sắn nhiễm bệnh. “Gia đình tôi năm nay trồng được hơn 3ha sắn, trung bình mỗi ha sắn cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Giờ tất cả diện tích đều phải nhổ bỏ, tiêu hủy nên ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, chưa kể chi phí đầu tư từ đầu vụ đến nay” ông Phan Văn Thiện ở thôn Phò Ninh, xã Phong An chia sẻ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản và đề nghị người dân nhổ bỏ, tiêu hủy tại chỗ số diện tích nhiễm bệnh nặng hơn 70%; không trồng lại cây sắn ở vùng đã nhiễm bệnh mà phải luân canh cây trồng ít nhất 1 vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay người dân xử lý diện tích sắn bị bệnh nặng theo khuyến cáo vẫn còn đang hạn chế, mới chỉ có gần 180 ha được xử lý dẫn đến nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lan rộng.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền Nguyễn Văn Quang, nhiều người dân đang chần chừ vì tâm lý tiếc của khi phải nhổ bỏ số sắn nhiễm bệnh, khiến diện tích sắn nhiễm bệnh ngày càng gia tăng. Do vậy, huyện Phong Điền đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương quyết liệt xử lý theo hình thức tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn nhiễm bệnh trên 70% và tổ chức tiêu hủy cục bộ đối với diện tích sắn nhiễm bệnh dưới 70%. Những hộ không thực hiện để dịch lây lan sẽ có giải pháp xử lý.

 Cây sắn bị nhiễm vi rút khảm lá sắn

“Ngành nông nghiệp huyện Phong Điền cũng đã ấn định thời gian tiêu hủy bệnh khảm lá sắn hoàn thành trước ngày 10/3. Sau thời gian này, bọ phấn trắng sẽ phát sinh gây hại, nếu không xử lý tiêu hủy cây bị bệnh kịp thời sẽ lây lan nhanh sang cây sắn chưa bị bệnh và tăng nhanh tỷ lệ nhiễm bệnh”, ông Quang cho biết.

Để hỗ trợ cho người nông dân bị thiệt hại, UBND huyện Phong Điền đã thống nhất mức hỗ trợ tiêu hủy trên diện tích sắn bị nhiễm bệnh là 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh trên 70% và 1 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh dưới 70%..

Số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh đến này 28/2, toàn tỉnh có tổng số 1.459 ha nhiễm bệnh, các địa phương đã tiêu hủy 268 ha, trong đó Quảng Điền tiêu hủy 48,7ha/ 155ha nhiễm; Hương Trà tiêu hủy 40,7ha/323ha nhiễm, Phong Điền tiêu hủy 180/980ha nhiễm.

Tìm nguồn giống thay thế

Giống sắn KM49 là giống được người dân dùng khá phổ biến hiện nay. Giống này từng được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo là ít nhiễm bệnh với tỷ lệ sử dụng khoảng 90% diện tích. Tuy nhiên, sau thời gian trồng, giống này đã và đang thoái hóa, xuất hiện bệnh khảm lá sắn nên việc tìm kiếm nguồn giống kháng bệnh thay thế không dễ.

 Thu gom sắn nhiễm bệnh

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Tìm được nguồn giống kháng bệnh là giải pháp chính đẩy lùi bệnh khảm lá. Tuy nhiên muốn đáp ứng được giống sạch bệnh phải có thời gian, kinh phí và cả vùng trồng sạch.”

Theo ông Nguyễn Văn Quang, hiện trung tâm đã khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn giống trên địa bàn cho các vụ tiếp theo. Đồng thời, yêu cầu người dân không tiếp tục trồng sắn trên những diện tích đã nhiễm bệnh.

Ông Lê Quý Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng, trên diện đất trồng sắn đã nhiễm bệnh vẫn có tàn dư bệnh, nên việc trồng tiếp tục sẽ không hiệu quả mà còn khiến mầm bệnh phát tán, lây lan nhanh. Trước đó từ đầu vụ đông xuân, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng sắn và kết thúc vào đầu tháng 2, nên thời điểm này lịch thời vụ đã quá muộn, người dân không nên tiếp tục trồng để tránh gây thiệt hại vào cuối vụ.

“Hiện ngành nông nghiệp đã tiến hành khảo sát một số vùng trồng tại một số địa phương chưa xuất hiện bệnh. Chi cục đã gửi 3 mẫu giống của vùng sắn Lộc Hòa, Phú Lộc kiểm tra và kết quả âm tính với virus khảm lá sắn. Ngành sẽ làm việc với địa phương tăng cường các giải pháp dự phòng bệnh ở những vùng này để làm nguồn dự phòng giống sắn tại chỗ cho các địa phương trong những vụ tiếp. Đồng thời làm việc với một số viện, đơn vị nghiên cứu giống tìm hiểu những loại giống có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn, nếu được sẽ đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng trong thời gian tới”, ông Thảo thông tin.

Bài, ảnh: Anh - Dũng

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng
Giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng

Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan, Luật Bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan trong việc tiêu hủy, giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng.

“Điều trị”, quản lý bệnh hại sắn
“Điều trị”, quản lý bệnh hại sắn

Một đề tài nghiên cứu KH&CN từ ngân sách tỉnh giao nhóm chuyên gia Trường ĐHNL Huế nhằm quản lý bệnh hại tổng hợp, hạn chế gây hại của khảm lá sắn.

Giảm thiểu bệnh khảm lá sắn
Giảm thiểu bệnh khảm lá sắn

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, diện tích cây sắn nhiễm bệnh khảm lá ở các địa phương cơ bản được khống chế.