Thứ Ba, 05/09/2017 06:45

Đảm bảo nguồn cung đất san lấp cho các công trình trọng điểm

Cân đối nhu cầu về đất làm vật liệu san lấp (ĐSL) của các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, khả năng cung cấp ĐSL hiện nay cơ bản đảm bảo với công suất khai thác khoảng 1 triệu m3/năm trong tổng trữ lượng dự báo 55,5 triệu m3.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép ở Nam ĐôngBàn giao đất thực địa cho người dân thuộc diện di dân khu vực I Kinh thành Huế

Nhu cầu về đất san lấp tại các dự án xây dựng khu định cư, mở rộng đô thị là rất lớn

Nhu cầu lớn về đất san lấp

Trong quá trình triển khai dự án, ngoài các bước thủ tục liên quan, việc đảm bảo chứng minh có hợp đồng cung cấp ĐSL phục vụ thi công là điều mà chủ đầu tư quan tâm khi lựa chọn nhà thầu, vì đây là một trong những yếu tố tác động đến tiến độ công trình dự án. Nhất là trong thời điểm hiện nay, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh đang và sắp triển khai thi công, nên nhu cầu về ĐSL rất lớn.

Chẳng hạn nhu cầu ĐSL xây dựng Khu hành chính tập trung tỉnh (tại khu đô thị mới An Vân Dương) cần khoảng 300 nghìn m3 đất. Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với diện tích xây dựng khoảng 10.118m2 có nhu cầu ĐSL khoảng 1 triệu m3. Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 2,5 triệu m3 ĐSL. Nhu cầu đất san nền phục vụ xây dựng hạ tầng 6 khu định cư còn lại trong tổng số 8 khu định cư ở phía Bắc Hương Sơ thuộc đề án di dời dân cư khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế rộng khoảng 10ha cũng cần thêm vài triệu m3 ĐSL.

Tận dụng đất dôi dư từ thi công công trình để phục vụ đất san lấp cho các công trình mới

Ngoài ra còn có các dự án mở rộng đô thị, dự án chương trình phát triển các đô thị loại 2 (các đô thị xanh) có tổng mức đầu tư hơn 1.617 tỷ đồng, gồm nhiều gói xây lắp, như: chỉnh trang và xây dựng kè dọc các bờ sông trên địa bàn TP. Huế, khu hành chính tập trung của tỉnh, các khu đô thị mới...

Theo các văn bản đăng ký của các cơ quan cung cấp thông tin về nhu cầu ĐSL khoảng 11,7 triệu m3. Còn theo dự báo và số liệu về nhu cầu ĐSL hiện nay của các công trình dự kiến khoảng 10 triệu m3 đất.

Qua trao đổi với đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), hiện nay, đang có 14 giấy phép khai thác ĐSL (tương đương 14 mỏ) với diện tích 83,37ha, tổng trữ lượng khai thác hơn 6,69 triệu m3, công suất khai thác 710 nghìn m3/năm và 10 giấy phép khai thác ĐSL từ đất tầng phủ mỏ đá, khoáng sản phát sinh dôi dư từ dự án thi công công trình với tổng khối lượng gần 349,4 nghìn m3 đất. Như vậy, khả năng cung cấp ĐSL hiện nay trên địa bàn khoảng 1 triệu m3/năm.

Ngoài ra, theo quy hoạch thăm dò, khai thác ĐSL, trên địa bàn tỉnh có 38 vị trí với tổng diện tích 783,5ha, với trữ lượng dự báo là 55,5 triệu m3.

Tăng mỏ mới, nâng công suất khai thác

Theo ý kiến của Sở TN&MT, nếu tính tổng trữ lượng quy hoạch, đồng thời so với nhu cầu và hiện trạng về đất làm vật liệu san lấp thì cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, do các dự án báo cáo nhu cầu tổng mà không chia theo từng lộ trình thực hiện công trình nên rất khó trong việc phân bổ trong giai đoạn ngắn.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tập trung tại các công trình như dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đô thị mở rộng mới lân cận TP. Huế..., việc cấp phép mới một số mỏ ĐSL đang là yêu cầu cấp thiết. Ngay cả đối với những mỏ ĐSL còn hiệu lực khai thác cũng cần đề xuất tăng công suất khai thác, nhằm phục vụ nhu cầu và đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh.

Đối với địa điểm cấp phép mới ĐSL, Sở TN&MT đề xuất cần phân bố tại địa bàn TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà, huyện Phong Điền và Phú Lộc nhằm đáp ứng kịp thời ĐSL tại các công trình.

Thời gian tới, căn cứ các vị trí nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng ĐSL, Sở TN&MT tiếp tục tiến hành cấp mỏ theo yêu cầu theo hình thức đấu giá hoặc không đấu giá. Để thực hiện tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó có ĐSL, Sở TN&MT hiện đã hoàn chỉnh bước xây dựng giá khởi điểm, thông qua tiến hành điều tra, khảo sát tài nguyên dự báo tại khu vực đấu giá, đồng thời thu thập thông tin liên qua về hiện trạng sử dụng đất, điều kiện tự nhiên, hạ tầng, dân cư... để cung cấp thông tin trước khi đấu giá.

Đối với việc cấp phép thăm dò khai thác ĐSL tại khu vực không đấu giá, hình thức đang được tỉnh ưu tiên cấp mới, trong 6 khu vực mỏ không đấu giá tại Quyết định 1455 của UBND tỉnh có tổng diện tích 168,2ha, nhằm phục vụ dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Sở TN&MT đang rà soát, lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò ĐSL tại khu vực thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn (Phong Điền) với diện tích 10ha nhằm phục vụ thi công đường cao tốc Cam Lộ - Tuý Loan đoạn qua địa bàn tỉnh.

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư cấp phép được căn cứ trên cơ sở quy định "Bộ tiêu chí, cách thức lựa chọn tổ chức để cấp phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh" đã được Sở TN&MT trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Bài, ảnh: Hoài Thương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo chế độ báo cáo khi vay vốn nước ngoài
Đảm bảo chế độ báo cáo khi vay vốn nước ngoài

Ngoài nguồn vốn tín dụng trong nước, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong nước có thể thực hiện vay vốn nước ngoài và các khoản vay nước ngoài để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là nguồn vốn không nhỏ góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Nâng cấp Quốc lộ 49 đảm bảo an toàn giao thông
Nâng cấp Quốc lộ 49 đảm bảo an toàn giao thông

Thời gian gần đây, trên tuyến Quốc lộ 49 luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) do nhiều phương tiện trọng tải lớn lưu thông. Việc cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ này đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết hiện nay.

TP Huế triển khai giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
TP. Huế triển khai giải pháp đảm bảo an toàn giao thông

Trước tình trạng giao thông trên địa bàn thường xuyên ùn tắc, kẹt xe giờ cao điểm, UBND TP. Huế đã ban hành công văn về việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn.