Thứ Hai, 11/09/2017 10:19

Bác bỏ 15 hiểu lầm về virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid-19

Dịch Covid-19 do SARS-CoV-2 có lây qua đường muỗi đốt, qua hàng xuất khẩu từ nước khác hay không? Và clo, cồn có diệt được virus đó trong cơ thể?...

Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, tinh thần, kinh nghiệm kiểm soát COVID-19COVID-19: Kinh tế toàn cầu có nguy cơ tổn thất 1 nghìn tỷ USD trong năm 2020Hoãn toàn bộ giải Serie A vì Covid-19Công bố ca thứ 34 mắc COVID-19: Một phụ nữ Việt Nam 51 tuổiThêm một du khách được đưa về cách ly tại Khách sạn Sun&SeaCuộc sống phố Tây ngày thứ 3 sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19Ca nhiễm corona thứ 33 là khách trên chuyến bay VN0054

Dưới đây là một số thông tin chính thức từ trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về virus SARS-CoV-2 và căn bệnh Covid-19 do virus này gây nên:

1. Thời tiết lạnh và tuyết tiêu diệt được virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19?

- Không có cơ sở nào để khẳng định thời tiết lạnh có thể làm chết virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (trước đây còn được gọi là 2019-nCoV) cũng như các loại virus khác. Nhiệt độ cơ thể con người bình thường dao động trong khoảng 36,5-37 độ C bất chấp nhiệt độ và thời tiết bên ngoài. Cách tốt nhất để diệt virus bên ngoài cơ thể là thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay khô có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.

Hình ảnh minh họa về việc đối phó với dịch Covid-19. Ảnh: Sky News.

2. Tắm nóng ngăn được SARS-CoV-2?

- Như đã nói ở trên, nhiệt độ cơ thể con người bình thường chỉ trong khoảng 36,5-37 độ C bất chấp nhiệt độ môi trường. Việc tắm bằng nước cực nóng có thể gây hại cho cơ thể bạn, thậm chí có thể gây bỏng.

3. Virus SARS-CoV-2 lây qua các hàng hóa sản xuất tại các nước có dịch Covid-19?

- Mặc dù virus corona chủng mới này có thể ở lại trên các bề mặt trong vài tiếng đồng hồ hoặc thậm chí trong vài ngày (tùy thuộc loại bề mặt), rất ít khả năng virus có thể bám lâu trên bề mặt sau khi bị dịch chuyển hay tiếp xúc với các điều kiện và nhiệt độ khác. Nếu bạn cho rằng một bề mặt bị nhiễm khuẩn, hãy dùng chất tẩy rửa để làm sạch. Còn sau khi chạm vào đó, làm sạch tay mình bằng chất rửa tay khô hoặc rửa tay với xà phòng và nước.

4. Virus SARS-CoV-2 lây qua đường muỗi đốt?

- Hiện nay chưa có bằng chứng khẳng định SARS-CoV-2 có thể lây qua đường muỗi. Đây là loại virus đường hô hấp, lan truyền chủ yếu qua các giọt li ti bắn ra khi một người nhiễm bệnh bị ho hoặc hắt hơi.

5. Máy sấy tay có hiệu quả trong việc giết SARS-CoV-19 hay không?

- Câu trả lời là không. Muốn đạt được điều đó, phải dùng xà phòng hoặc cồn rửa tay khô, sau đó làm khô tay bằng giấy vệ sinh hoặc thiết bị làm khô tay bằng hơi ấm.

6. Đèn diệt khuẩn bằng tia cực tím có tiêu diệt được virus SARS-CoV-18 hay không?

- Không nên dùng đèn cực tím để diệt khuẩn trên tay vì tia cực tím có thể gây kích ứng da.

7. Máy quét thân nhiệt hiệu quả đến đâu trong việc phát hiện những người nhiễm SARS-CoV-2?

- Những thiết bị này hiệu quả trong việc phát hiện những người đã và đang bị sốt (tức là có thân nhiệt cao hơn ngưỡng nhiệt độ thông thường) do nhiễm virus corona mới.

Tuy nhiên, chúng không có khả năng phát hiện những người nhiễm chưa bị ốm sốt, do những người bị nhiễm phải sau từ 2-10 ngày thì mới bị ốm và bắt đầu sốt.

8. Liệu cồn và clo rải lên khắp cơ thể có diệt được SARS-CoV-2 trong cơ thể?

- Không. Xịt cồn hay clo lên khắp cơ thể sẽ không giết được các virus đã xâm nhập cơ thể. Ngược lại, xịt các chất này có thể có hại cho quần áo và các niêm mạc (đặc biệt là của mắt và miệng). Cả cồn và clo đều có thể hữu ích trong việc diệt khuẩn ở trên các bề mặt nhưng ngay cả khi đó cũng phải dùng với liều lượng thích hợp.

9. Thú cưng trong nhà có làm lây lan SARS-CoV-2?

- Hiện tại chưa có bằng chứng về sự lây nhiễm từ các vật nuôi như chó hay mèo. Tuy nhiên sau khi tiếp xúc với những động vật này, bạn nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước, vì điều đó giúp bạn tránh được các loại virus khác như E.coli và Salmonella là loại lây được giữa người và thú cưng.

10. Vaccine chống viêm phổi có bảo vệ được bạn trước virus corona mới?

- Câu trả lời là không vì SARS-CoV-2 là loại virus rất mới và khác lạ, đòi hỏi phải có một vaccine (vắc-xin) riêng. Tuy nhiên, các vaccine đối với các bệnh hô hấp khác có thể vẫn được dùng để bảo vệ sức khỏe của bạn dù chúng không hiệu quả trước SARS-CoV-2.

11. Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối có ngăn được lây nhiễm SARS-CoV-2?

- Không có bằng chứng cho điều này dù rằng việc này có thể giúp người ta hồi phục nhanh hơn khi bị cảm lạnh thông thường.

12. Ăn tỏi có ngăn bị nhiễm SARS-CoV-2?

- Tỏi chắc chắn là một thực phẩm giúp cơ thể kháng lại được một số loại vi sinh vật nhưng chưa có bằng chứng nào từ đợt bùng phát Covid-19 hiện nay cho thấy ăn tỏi giúp bảo vệ con người trước virus gây bệnh Covid-19.

13. Virus SARS-CoV-2 miễn trừ một số nhóm tuổi?

- Người dân thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, dù rằng người già và người có bệnh lý nền (như hen suyễn, tiểu đường, tim mạch...) sẽ có nguy cơ cao hơn bị mắc bệnh này và khó phục hồi hơn.

WHO khuyến cáo mọi người thực hiện các biện pháp phòng vệ trước virus này, chẳng hạn bằng cách tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh tay và vệ sinh đường hô hấp.

14. Các loại kháng sinh có hữu hiệu trước virus corona mới?

- Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, chứ không có tác dụng với virus. Mà SARS-CoV-2 là một loại virus.

Tuy nhiên nếu bạn phải nhập viện do bệnh Covid-19 gây ra bởi SARS-CoV-2 thì bạn vẫn có thể phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị các tình huống nhiễm trùng do vi khuẩn.

15. Thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị SARS-CoV-2 đã có chưa?

- Cho tới nay chưa có loại thuốc cụ thể nào để phòng ngừa hay đặc trị SARS-CoV-2.

Những người nhiễm virus này cần được chăm sóc phù hợp để làm giảm nhẹ và điều trị các triệu chứng. Những người bị bệnh nặng sẽ được nhận phác đồ điều trị tối ưu hóa.

WHO đang hỗ trợ đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển vaccine và thuốc trị SARS-CoV-2 cùng với một loạt đối tác.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại dịch COVID-19 Hai năm nhìn lại
Đại dịch COVID-19: Hai năm nhìn lại

Giao thừa sắp tới sẽ đánh dấu 2 năm từ khi ca nhiễm COVID-19 được báo cáo lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Kể từ đó, hơn 272 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận trên toàn thế giới và hơn 5,6 triệu người đã chết vì COVID-19, theo thống kê của Reuters.