Thứ Sáu, 29/09/2017 06:18

Quy hoạch du lịch trên nền tảng di sản

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên thế mạnh và đặc trưng riêng có, là văn hóa - di sản.

Tham quan di tích thời 4.0

Huế chú trọng phát triển du lịch trên nền tản di sản

Chi tiết để dễ thu hút đầu tư

Tại hội thảo tham vấn xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản được UBND tỉnh tổ chức cuối năm 2019, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự đều cho rằng, để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo định hướng đô thị di sản, cảnh quan, thân thiện với môi trường phải có quy hoạch tổng thể, dựa trên những quy hoạch thật chi tiết, mang đậm tính chất riêng về di sản, tạo tiền đề phát triển du lịch.

Tại các nội dung của Nghị quyết 54 cũng đã có yêu cầu, Huế cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Khôi phục toàn bộ các công trình di tích chính trong khu vực Đại Nội và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích.

Định hướng đã được chỉ rõ. Điều cần làm của Huế là phát huy thế mạnh đô thị di sản, xây dựng, hình thành được sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách, nâng mức chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú… là vấn đề mà các chuyên gia du lịch cho rằng, Huế chưa thật sự làm tốt trong nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề là khi phát triển kinh tế đô thị, thu nhập bình quân đầu người trong lòng đô thị di sản sẽ tăng. Cho nên, khi xác định phát triển du lịch, phải làm thế nào để các lợi ích được hài hòa và có sự chung sức của cộng đồng.

Điển hình như các tuyến đường quanh Đại Nội (Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân) cần hình thành được chuỗi dịch vụ mới chuyên về du lịch. Việc biến các tuyến phố này thành điểm đến của khách du lịch đã được đề cập nhiều, nhưng chưa thể thực hiện. Dù chưa có một kế hoạch cụ thể nào, song ý tưởng và những đề xuất giải pháp không phải ít. Theo các chuyên gia, chỉ khi TP. Huế có một quy hoạch, một kế hoạch tốt, cụ thể mới định hình được chuỗi dịch vụ, giải quyết được việc chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp với ngành du lịch, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, như khu vực Thượng thành, sau khi giải tỏa, muốn phát huy giá trị cần quy hoạch cụ thể. Xã hội hóa là cần thiết để phát triển du lịch, nhưng nếu không cụ thể được các quy định, nhà đầu tư sẽ gặp khó. Ở khía cạnh khác, Nhà nước cũng có thể tính toán để xây dựng các cơ sở, sau đó thu hút các doanh nghiệp khai thác, tránh ảnh hưởng di sản.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cũng cho hay, trên thực tế, du lịch Huế vẫn đang phát triển dựa trên nền tảng văn hóa – di sản. Quan trọng hiện nay là có sản phẩm mới, hay làm mới dựa trên nền tảng cũ. Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể là có, nhưng quy hoạch cụ thể về phát triển du lịch di sản lại chưa có. Vì vậy, khi thu hút nhà đầu tư, rất dễ bị vướng vào nhưng quy định dù nhỏ, nhưng khó gỡ được vì liên quan đến di sản. Khó hơn, theo quy định hiện nay, không còn quy hoạch riêng lẻ mỗi ngành mà phải chung vào một quy hoạch. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là yêu cầu bắt buộc khi Huế triển khai phát triển du lịch theo định hướng của Nghị quyết 54.

Đẳng cấp và duy nhất

Cố đô Huế hiện có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, đủ cả 3 loại hình: vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu. Huế cũng là vùng đất có nhiều di sản tự nhiên độc đáo, có giá trị tiêu biểu nổi bật không chỉ trong phạm vi đất nước và khu vực. Huế đã tạo được các thương hiệu ấn tượng như “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố Xanh ASEAN”... Đó là những điều kiện cần và giờ thêm Nghị quyết 54 như điều kiện đủ để Huế sớm xây dựng, phát triển thành đô thị du lịch di sản kiểu mẫu, độc đáo, khác biệt và đẳng cấp.

Tại hội thảo tham vấn xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản tổ chức cuối năm 2019, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đã đề xuất Huế cần nhấn mạnh hơn những giá trị di sản riêng có, như Nhã nhạc, ca Huế… Đồng thời, cần soát xét lại toàn bộ số liệu liên quan đến đô thị, như dân số và hạ tầng để hình thành đô thị du lịch.

Ở một góc độ phát triển khác, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ, Huế nổi tiếng nhờ cốt cách, văn hóa và lịch sử. Ai ở Huế, từng đến Huế mới yêu và trân quý các giá trị đó. Trong đô thị di sản, để phát triển du lịch nên có những mô hình kiểu mẫu, từng kiệt, ngõ xóm, cây cối, con người... và cần thiết có thể hình thành những phân khu đô thị di sản kiểu mẫu. Đôi khi, chỉ cần hình thành được mô hình chuẩn mực như thế, đã có thể trở thành sản phẩm đặc trưng và khác biệt.

Tại cuộc làm việc với ngành du lịch định hướng phát triển du lịch Huế năm 2020 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, trong phát triển du lịch, để thu hút khách và tăng mức chi tiêu phải có sự khác biệt, duy nhất, điều mà Huế sẽ tập trung thực hiện. Mục tiêu của Huế là hiện thực và làm rõ quan điểm của Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trên nền tảng văn hóa, di sản, cảnh quan thiên nhiên... và phát triển du lịch thông minh, bền vững. Do đó, phát triển du lịch Huế bắt buộc phải có những sản phẩm đẳng cấp, khác biệt, riêng có dựa trên thế mạnh về văn hóa, di sản mà Huế đang sở hữu.

Bài: ĐỨC QUANG - Ảnh: HOÀNG HẢI

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.