Thứ Tư, 04/10/2017 06:30

Gỗ rừng trồng xuất ngoại

Có 8 doanh nghiệp (DN) tham gia chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt doanh thu (năm 2019) ước trên 100 triệu USD, khẳng định bước đi tích cực trước xu thế hội nhập.

Hơn 7.700 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSCTrồng rừng gỗ lớn: Giá trị tăng cao, đầu ra đảm bảoGiống trồng rừng thân thiện với môi trường

Sản xuất các mặt hàng gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến gỗ tỉnh

Hướng đi tất yếu

Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế (Công ty Hào Hưng Huế) được thành lập cách đây chừng 10 năm, khi phong trào trồng rừng kinh tế bắt đầu vào “độ chín”.

Tranh thủ nguồn nguyên liệu dồi dào và nâng cao giá trị gỗ rừng trồng (GRT) cho người dân, lãnh đạo Công ty Hào Hưng Huế quyết định chuyển hướng sang chế biến, xuất khẩu GRT.

Kế toán trưởng Công ty Hào Hưng Huế, ông Trần Tuấn Hiệp cho rằng, nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chất lượng song người dân thu nhập chưa cao do sản phẩm chủ yếu sơ chế, tiêu thụ trong nước.

Chế biến, xuất khẩu GRT không chỉ phù hợp trước xu thế hội nhập, tăng doanh thu cho công ty mà còn góp phần khẳng định vị thế, chất lượng rừng trồng của người dân. Đến thời điểm này, sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và một số nước.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Công ty Hào Hưng Huế như kỳ vọng, doanh thu hằng năm đều tăng. Tính riêng năm 2019, sản lượng xuất khẩu của công ty khoảng trên 100 ngàn tấn dăm gỗ, doanh thu trên 14 triệu USD, tăng 20% so với năm trước. Hướng đến đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô cũng như thị trường tiêu thụ, năm 2019, lãnh đạo công ty mạnh dạn đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động thêm nhà máy sản xuất ván ghép thanh, công suất 24 ngàn m2/năm, với tổng vốn đầu tư gần 140 tỷ đồng.

Ông Lê Dương Huy, Giám đốc Công ty CP chế biến gỗ thông tin, đơn vị có bề dày hàng chục năm trong lĩnh vực chế biến gỗ, có uy tín, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Thành công của công ty kể từ khi chuyển hướng sang lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, mới đây là GRT. Các sản phẩm chính của công ty như bàn ghế sân vườn, đồ nội thất… xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu. Doanh thu bình quân mỗi năm 2,2-2,3 triệu USD, mang lại hiệu quả hoạt động SXKD cho doanh nghiệp (DN), tạo việc làm cho hơn 200 lao động.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn khẳng định, các DN chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm trên 100 triệu USD, chủ yếu từ nguyên liệu GRT, đảm bảo chất lượng đã thật sự thay thế hiệu quả, tích cực cho gỗ rừng tự nhiên đang khan hiếm, trong bối cảnh “đóng cửa rừng”.

Khảo sát mới đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 60 tổ chức, 180 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SXKD, chế biến gỗ (quy mô nhỏ lẻ, phục vụ trên địa bàn tỉnh) đã có 36 cơ sở ngừng hoạt động do không có nguyên liệu gỗ tự nhiên. Điều này cho thấy một chỉ báo quan trọng, đánh giá hiệu quả của việc quản lý rừng hiệu quả, tận gốc.

Tăng giá trị xuất khẩu

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Phan Hùng Sơn thông tin, trước yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, đặc biệt thị trường khó tính, sở đã có nhiều cuộc họp bàn các giải pháp hỗ trợ DN đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các DN, các dự án sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ được hỗ trợ nguồn lực, vận động chuyển mô hình sản xuất dăm gỗ sang các mặt hàng đồ gỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Các cấp, ngành đang tập trung phổ biến, hướng dẫn các DN về những quy định, tạo điều kiện tiếp cận thêm các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng, trồng rừng gỗ lớn (RGL) là hướng đi đúng, nhằm nâng cao giá trị rừng trồng, phù hợp yêu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trước xu hướng hội nhập.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10,5 ngàn ha RGL, trong đó có khoảng 4.000 ha có chứng chỉ FSC; tuy nhiên diện tích RGL, có chứng chỉ FSC đã cho khai thác vẫn còn hạn chế so với nhu cầu sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu của các DN.

Trước yêu cầu thực tiễn hiện nay, Sở NN&PTNT tiếp tục quy hoạch vùng nguyên liệu RGL, phấn đấu có khoảng 16 ngàn ha theo kế hoạch của tỉnh. Riêng đến năm 2020, Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia, nâng diện tích RGL toàn tỉnh lên khoảng 13 ngàn ha; trong đó có khoảng 40% diện tích RGL có chứng chỉ FSC; ngoài ra sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường trong quá trình trồng RGL, có chứng chỉ FSC.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ người dân trồng RGL, có chứng chủ FSC phục vụ nhu cầu chế biến, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, đáp ứng thị trường trong thời kỳ hội nhập. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng khá là kết quả của quá trình hợp tác với các nhà đầu tư, kết nối thị trường quốc tế. Các DN đã tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho một lượng lao động lớn trên địa bàn tỉnh nhờ xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ.

Các giống được ưu tiên phát triển RGL là keo lai, các loài cây bản địa có chu kỳ sinh trưởng ngắn, vừa phục vụ lấy gỗ chế biến xuất khẩu vừa góp phần tạo đa dạng sinh học. Thông qua Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh, Công ty Sacanasia Pacific đã cam kết và hợp đồng, hỗ trợ vay vốn và tiêu thụ sản phẩm RGL; đặc biệt khi gặp rủi ro thiên tai, bão lũ gây đỗ ngã, công ty cam kết vẫn thu mua sản phẩm với giá theo hợp đồng.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ rừng trồng
Tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ rừng trồng

Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 của tỉnh khoảng 80 triệu USD được đánh giá tương đối khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng chậm so với sản xuất lâm nghiệp liên tục tăng trưởng, nhất là khâu trồng rừng nguyên liệu.

Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp
Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp

Chiều 18/11, sau khi khảo sát thực tế, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến xây dựng vùng nguyên liệu trồng rừng gỗ lớn (FSC), mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mô hình “Xã thông minh”.

Rừng trồng gỗ lớn ứng phó biến đổi khí hậu
Rừng trồng gỗ lớn ứng phó biến đổi khí hậu

Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh (FOSDA), ông Võ Văn Dự khẳng định, trồng rừng gỗ lớn (RGL), quản lý rừng bền vững FSC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt, sạt lở đất.