Thứ Sáu, 24/11/2017 12:35

Đi bộ bên bờ sông Hương

Huế có thêm những tuyến đường đi bộ mới, nhất là hai bên bờ sông Hương đã và sẽ tiếp tục được hình thành. Các tour du lịch đi bộ để cảm nhận sự bình yên, cổ kính được đánh giá là mang lại sự khác biệt cho Huế.

Đến Huế, du khách sẽ được đi bộ ở những con đường đầy hoa

Riêng biệt

“Dám chắc rằng, sẽ không có nơi nào quý khách có thể dạo bước trên những con đường xuyên rừng, mà những cánh rừng này lại nằm trong lòng thành phố cổ kính, thơ mộng như ở Huế”. Đó là những lời mời chào thật thú vị với du khách của các doanh nghiệp lữ hành, từ khi con đường đi bộ dọc sông Hương từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên chính thức được đưa vào khai thác.

Đã có khách đến và khách chưa kịp đến Huế để khám phá “con đường xuyên rừng giữa thành phố” vì dịch bệnh COVID-19. Dù thế, trên các diễn đàn của cộng đồng mạng, chia sẻ của một số ít du khách cũng cho thấy sự khác biệt của Huế.

Trong chuyến ra Huế khảo sát điểm đến để chuẩn bị chương trình kích cầu chung cho ba địa phương Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, được đồng nghiệp giới thiệu, anh Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Vietda Travel đã có một chuyến đi bộ thể dục vào buổi sáng sớm qua các tuyến đường đi bộ mới hình thành ở Huế. Theo anh Lộc, đây không chỉ là đi bộ thể dục mà đó là hành trình khám phá nhịp sống của Huế buổi bình minh.

Vị giám đốc du lịch này cho rằng, Huế thật sang trọng, cái kiểu sang của sự cổ kính, tinh khiết của sớm mai. Sang trọng như trong những câu chuyện cổ tích, của lịch sử mà cứ ngỡ chỉ có trong sách, báo.

Huế, đô thị khác biệt không trùng lắp với bất kỳ đô thị nào. Thời tiết không quá ưu đãi, hay nói đúng hơn là khắc nghiệt, song các bậc tiền nhân đã biết cách biến điều đó thành nét riêng biệt, thậm chí là lợi thế riêng khi thiết kế những công trình với lối kiến trúc độc đáo. Đó là vườn trong phố, xanh mát, hiền hòa-điểm nhấn để hút khách.

Trước đó, Huế đã hình thành được khá nhiều tour đi bộ. Có tour đi bộ độc lập, như hành trình qua những điểm gắn với lịch sử Huế trong 700 năm, từ thời phong kiến, đến thời chống Pháp, chống Mỹ và đến thời hiện đại; “free walking tour” (tour đi bộ miễn phí) của Vietravel. Ngoài ra, còn có những tour kết hợp đi bộ và xe đạp, xích lô.

Một du khách đến từ Hà Lan từng tham gia tour đi bộ khi đến Huế đánh giá trên trang Tripadvisor rằng, chúng tôi đi qua thành cổ, những cung điện cổ kính và đến một nhà hàng địa phương để ăn trưa và uống nước mát bên bờ sông. Thật là một khám phá vùng đất giàu văn hóa, độc đáo, là trải nghiệm tuyệt vời.

Thêm điểm nhấn cho Huế

Các doanh nghiệp du lịch lưu ý với du khách khi tham gia tour đi bộ mà không phải do các lữ hành tổ chức, trước hết cần lên kế hoạch chi tiết, gồm hành trình di chuyển, những điểm du lịch sẽ đi qua, các điểm dừng chân (mua sắm, ăn uống)…; có thể chọn giày thể thao, sandal mềm, ăn mặc đơn giản, thoải mái. Mang theo nón, áo mưa hoặc áo khoác phòng trường hợp thời tiết thay đổi. Hành lý gọn nhẹ, cùng vật dụng cá nhân như khăn, nước, bản đồ, máy ảnh, sách hướng dẫn du lịch, thực phẩm...

Thời gian tới, ở phía Nam sông Hương sẽ tiếp tục xây dựng tuyến đi bộ tiếp nối từ cầu Dã Viên đến giáp đường Huyền Trân Công Chúa, còn phía Bắc tuyến đường từ cầu Dã Viên được kéo dài lên đến chùa Thiên Mụ. Khi hoàn chỉnh thêm hệ thống chiếu sáng sẽ đảm bảo sự hài hòa, đồng bộ cho đôi bờ sông Hương.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế, đối với các tuyến đi bộ này, hiện đang phục vụ dân sinh là chủ yếu. Nếu xây dựng thành tour, có thể hình thành một vòng tròn khép kín và một số điểm nhấn về điểm tham quan, dịch vụ thể hiện được nét riêng của Huế. Điều thuận lợi là trên tuyến đã có một số điểm tham quan, di tích… Chẳng hạn như tuyến lên chùa Thiên Mụ, dọc tuyến du khách có thể khám phá Phú Mộng, đình Kim Long, các nhà vườn, cổ tự và chùa Thiên Mụ… Khi trở về, du khách có thể đạp xe hoặc đi thuyền rồng sẽ thêm trải nghiệm mới.

Bà Dương Thị Công Lý cũng đề xuất hai tour đi bộ khác là, tour tìm hiểu Huế xuất phát từ Ga Huế, đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Bảo tàng thêu XQ, Khách sạn Saigon Morin, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, Thương Bạc và Đại Nội; tour thứ hai là khám phá Thành nội, qua các con đường quanh Đại Nội, ngắm kiến trúc, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người Huế, trải nghiệm cà phê, ẩm thực…

Trong chuyến famtrip đến Huế trước dịch COVID-19, Hội Lữ hành G7 cũng góp ý, Huế phù hợp với xây dựng mô hình, tour đi bộ và nên sớm có các tour này. Theo đó, chỉ nên xây dựng độ dài phù hợp trong các tour để khách không quá mệt mỏi, nhàm chán và phải có điểm nhấn đặc trưng, cho từng dòng khách và phải bảo đảm an toàn.

Trong du lịch, đã là những người thích xê dịch sẽ rất thích dùng đôi chân để cảm nhận từng nhịp đập, cảm nhận hơi thở của một vùng đất, để được tận tai nghe, tận mắt thấy nhịp sống của người dân bản địa. Tour đi bộ (walking tour) là cách tuyệt vời để khám phá một điểm đến, một vùng đất, một nền văn hóa. Bên cạnh những lợi ích về mặt thể chất, tiết kiệm chi phí, đi bộ còn giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị mà các hình thức đi lại khác không có được. Và Huế đã và sẽ tiếp tục níu giữ những đôi chân muốn “xê dịch” nếu du khách có dịp trải nghiệm các tour đi bộ.

Bài, ảnh: QUANG SANG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.

Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023
Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023

Sáng 21/2, ông Trần Anh Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Trung Chính - đơn vị liên danh thi công dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (giai đoạn 1) thông tin, tất cả hạng mục hạ bộ dưới nước của công trình cầu vượt sông Hương sẽ cố gắng hoàn tất vào cuối năm 2023.