Thứ Bảy, 25/11/2017 11:21

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần đưa “thẩm phán” vào đối tượng bảo mật thông tin

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài đề xuất Ban soạn thảo cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, tạm đình chỉ tư cách hòa giải viên trong một số trường hợp, đưa thẩm phán vào đối tượng cần bảo mật thông tin…

Từ 25 - 28/5: Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luậtNhiều ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Xây dựng4 vấn đề cần làm rõ khi bỏ Sổ hộ khẩuĐoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luậtSiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luậtLuật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải tạo ra những bước đột phá cho sự phát triển của doanh nghiệpKỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Có nên xây dựng riêng một luật cho hộ kinh doanhQuốc hội họp trực tuyến là linh hoạt, không cản trở quyền của đại biểu

Đại biểu Nguyễn Chí Tài phát biểu thảo luận sáng 25/5

Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm

Qua nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Chí Tài đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm vào trong dự thảo luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Vì thông thường bố cục của các luật đều có phần quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nhằm ngăn chặn, răn đe và làm cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi vi phạm các điều khoản đã quy định trong luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật này không có điều khoản nào quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong thực tế, quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại sẽ xuất hiện nhiều hành vi, vi phạm mang đặc trưng riêng của vấn đề này.

Do đó, theo đại biểu cần có những quy định nghiêm cấm mang tính đặc trưng riêng của việc hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ngoài ra, các hòa giải viên cũng có các quy định nguyên tắc, quy chế riêng về nghề nghiệp mà trong quá trình tổ chức hòa giải bản thân các hòa giải viên không được phép vi phạm; nếu dự thảo luật không quy định các hành vi bị nghiêm cấm thì khi hòa giải viên hoặc những tổ chức, cá nhân có liên quan lợi dụng luật này để trục lợi thì không có căn cứ để xử lý các vi phạm.

Từ lý do trên, đại biểu Nguyễn Chí Tài đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm để luật được chặt chẽ và thuận lợi khi áp dụng vào thực tế.

Tạm đình chỉ tư cách hòa giải viên trong một số trường hợp

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu nhận thấy đã có nhiều quy định rất chặt chẽ liên quan đến hòa giải viên như: tiêu chuẩn, bổ nhiệm hòa giải viên, bổ nhiệm lại hòa giải viên, miễn nhiệm hòa giải viên... Tuy nhiên, trong thực tế sẽ phát sinh nhiều tình huống nếu dự thảo luật không quy định sẽ dẫn đến lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu nêu ví dụ: Trường hợp một hòa giải viên được phân công hòa giải vụ việc, tuy nhiên đang trong quá trình hòa giải thì hòa giải viên bị cơ quan điều tra, khởi tố về một vụ án không liên quan đến vấn đề đang hòa giải, nhưng chưa đưa ra xét xử. Trong trường hợp này hòa giải viên không thể tiếp tục tiến hành hòa giải vụ việc theo yêu cầu. Vì vậy, Tòa án, thẩm phán cần phải tiến hành tạm đình chỉ tư cách và chuyển các vụ việc đang được hòa giải viên đó thụ lý cho hòa giải viên khác theo quy định. Nếu sau khi xét xử và được công nhận vô tội thì Tòa án nhân dân tỉnh có trách nhiệm khôi phục lại tư cách hòa giải viên theo đúng quy định.

Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ và bao quát được các tình huống có thể phát sinh trong quá trình áp dụng luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc tạm đình chỉ tư cách hòa giải viên trong một số trường hợp cụ thể.

Đưa “thẩm phán” vào đối tượng bảo mật thông tin

Về bảo mật thông tin, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng cần phải bảo mật thông tin đó là “thẩm phán” để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong luật. Vì thẩm phán được phân công hòa giải là một trong các thành phần tham dự phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 28 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, thẩm phán là người tiếp nhận hồ sơ để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định tại Điều 30 và là người được phép tiếp cận toàn bộ hồ sơ của quá trình hòa giải, đối thoại các vụ việc. Ngoài ra, tại Điều 8, khoản 1, điểm e có quy định “Yêu cầu hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại khác, thẩm phán giữ bí mật thông tin do mình cung cấp”.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ sự thống nhất cao với những quy định về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên như trong quy định của dự thảo luật. Đề nghị bổ sung thêm chức danh “trợ giúp viên pháp lý” vào trong quy định tại khoản 1 điều này. Vì trợ giúp viên pháp lý là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, ngoài ra với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác như dự thảo luật đã quy định, thì trợ giúp viên pháp lý hoàn toàn có đủ điều kiện và kinh nghiệm để làm tốt công tác hòa giải. Việc bổ sung thêm “trợ giúp viên pháp lý” sẽ góp phần làm phong phú nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác hòa giải tại tòa trong thời gian tới.

Clip Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài phát biểu sáng 25/5

Thái Bình (lược ghi)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM