Thứ Sáu, 29/12/2017 10:22

Mục tiêu lớn từ biển, đầm phá

Mới đây (ngày 20/6/2020), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND, thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu.

Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biểnĐẩy mạnh cải cách hành chính phát triển kinh tế biển

Với 120 km bờ biển và hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về vùng đất ngập nước liên quan đến nuôi trồng, khai thác thủy sản; phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường.

Về sự đa dạng sinh học, chỉ riêng khu vực khoảng 25 km bờ biển thuộc vùng biển Sơn Chà - Hải Vân, ngoài các rạn san hô có cấu trúc đẹp, phân bố dày, thuộc nhóm quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam, vùng biển Sơn Chà - Hải Vân còn có 245 loài vi tảo, hơn 70 loài động vật phù du, 135 loài rong biển và diện tích thảm cỏ biển lớn cùng các loài động vật thân mềm, lớp giáp xác, ngành da gai, rùa biển và nhiều loài cá đặc hữu.

Trong khi đó, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem như một bảo tàng nước với nhiều loại chim trời, cá nước quý hiếm, có giá trị thương phẩm cao.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vùng biển và đầm phá từ lâu được xác định có vị trí quan trọng. Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của tỉnh đến năm 2020 xác định, cần tập trung đầu tư phát triển vùng ven biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng đặc thù kinh tế, đồng thời là khu dự trữ môi trường sinh quyển.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế - sinh thái vùng đất ngập nước như thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trồng và phục hồi hàng trăm ha rừng vùng ngập mặn... Hệ thống dịch vụ du lịch từng bước hình thành gắn với các địa danh biển, đầm phá như Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, Đầm Chuồn, Ngư Mỹ Thạnh... Sở Khoa học Công nghệ cũng đang triển khai xây dựng thương hiệu cá vùng đầm phá nhằm bảo tồn, xây dựng các vựa cá đặc sản. Năm 2019, nhóm thủy, hải sản vùng đầm phá trong đó có cá vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được đưa vào danh mục những sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị vùng đất ngập nước của tỉnh cũng vừa mở ra, khi mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai với tổng diện tích vùng lõi trên 2.000 ha, vùng đệm gần 18.000 ha và vùng sinh cảnh liên kết trên 69.500 ha, thuộc 23 xã, thị trấn của 4 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TX. Hương Trà).

Dù có nhiều chuyển biến nhưng đến nay, việc khai thác tiềm năng, giá trị kinh tế biển và đầm phá của tỉnh chưa tương xứng. Các dự án du lịch còn nhỏ, lẻ, chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược; dịch vụ du lịch còn nghèo. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản; vấn nạn khai thác thủy sản hủy diệt dai dẳng; hoạt động khai thác và nuôi trồng thiếu chọn lọc và quy hoạch... đang đặt ra nhiều áp lực về suy thoái đa dạng sinh học, cạn kiệt nguồn lợi.

Để kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh như mục tiêu đặt ra đến năm 2030, đòi hỏi một chiến lược tổng thể, sự đầu tư thích đáng cũng như nâng cao ý thức người dân trong khai thác, tăng giá trị kinh tế bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, giữ môi trường sinh thái.  

Nhật Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Giảm nghèo thực chất  bền vững
Giảm nghèo thực chất & bền vững

Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mục tiêu đặt ra của tỉnh là phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% và phải giảm nghèo bền vững.

Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo
Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo

Kết quả đạt được trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua phải kể đến những mô hình phát triển sinh kế đưa về các địa phương, hộ dân một cách kịp thời và thiết thực.

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.