Thứ Sáu, 02/02/2018 18:21

Đầu tư giá cao

Các ban dân tộc, nói chung, sinh ra là để tham mưu, tư vấn, hỗ trợ, thực hiện…các chính sách cho bà con đồng bào dân tộc ít người, tức là đại diện cho chính phủ làm việc này.

Chúng ta thấy đời sống của bà con đồng bào dân tộc ít người ngày càng được cải thiện rõ rệt nhờ các chương trình lớn của Chính phủ. Các chương trình này (những chương trình tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hạ tầng…) một phần thông qua các huyện để thực hiện, một phần thông qua các ban dân tộc. Nghĩa là sự quan tâm của Chính phủ không thiếu. Tuy nhiên, một khi tiền đầu tư nhiều, nếu không quản lý chặt chẽ, người thực hiện, người chịu trách nhiệm quản lý không trong sáng thì rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí, thậm chí là tiêu cực.

Mới đây báo chí loan tin, một huyện ở Thanh Hóa thực hiện một dự án nhiều mục tiêu cho người Ơ Đu như: xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện giống nòi; bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống như phong tục, tiếng nói, nhà ở của đồng bào dân tộc này.

Chưa nói đến những mục tiêu khác, có vẻ như khó lượng hóa được, ví dụ như “cải thiện nòi giống” là như thế nào? Nhưng khi thực hiện việc tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo, cụ thể ở đây là dự án phát triển bò kinh tế, trong đó có xây dựng chuồng trại thì người ta phát hiện có những chuồng bò với diện tích hơn 31m2 có giá xây dựng đến 236 triệu đồng. Có nghĩa là một m2 xây dựng chừng tầm 7,6 triệu đồng.

Nếu chúng ta cứ lấy mặt bằng giá hiện tại để so sánh, ví dụ như giá xây dựng ở Huế, một ngôi nhà 2 tầng, riêng phần thô, nhà thầu nhận trọn gói tầm 3 – 3,5 triệu đồng/m2. Những trường hợp xây dựng cầu kỳ có thể giá cao hơn nhưng cũng không quá 30% nữa. Như vậy, chúng ta có thể thấy giá xây dựng m2 chuồng bò trong dự án nêu trên là quá cao.

Có một vấn đề nữa cũng cần thiết xem xét, để sau này khi thực hiện các dự án tương tự, ở bất cứ đâu, cũng phải xem xét đến suất đầu tư và hiệu quả kinh tế. Ví dụ như suất đầu tư cao như vậy có cần thiết không? Tìm giải pháp nào để hạ suất đầu tư nhưng hiệu quả vẫn đạt được tương tự. Riêng phần xây dựng cơ bản, đầu tư như thế thì bao nhiêu năm mới thu hồi được vốn. Nêu vấn đề này là bởi vì, nếu không tính đến chuyện thu hồi vốn thì có hai khả năng hiện hữu xảy ra: thứ nhất là đến một lúc nào đó Nhà nước lại tốn tiền tái đầu tư trở lại (chẳng hạn như khi nó hư hỏng) và điều quan trọng hơn, người dân sẽ ít có ý thức hơn trong bảo vệ tài sản (bởi không phải đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của mình bỏ ra).

Trường hợp nêu trên chỉ là một ví dụ. Còn bao nhiêu chuyện cần phải bàn tính đến trong việc thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Trước đây, chúng ta thấy rất nhiều nơi, chương trình của Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con đồng bào dân tộc ít người nhưng họ không sử dụng, vì không phù hợp với phong tục tập quán của họ; bước vào nhà sinh hoạt cộng đồng mà bê tông cốt thép, mái tôn cứ “cứng đơ”… Xây dựng chợ cho bà con nhưng họ có rất ít thứ để buôn bán. Chúng ta không khó tìm kiếm những thông tin kiểu như:“nhiều sai phạm trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia”…

Có lẽ ai cũng biết, lãng phí trong đầu tư công ở lĩnh vực xây dựng cơ bản là không nhỏ. Cùng một công trình nhưng mức giá nhận thầu của nhà thầu A và B rất khác nhau vẫn có thể cho ra cùng chất lượng. Ví dụ như nhà thầu B có giá thấp hơn nhà thầu A là vì trình độ quản trị tốt, có đội ngũ thi công lành nghề; có thiết bị kỹ thuật tốt; quy mô hoạt động của nhà thầu lớn hơn nên có nhiều ưu thế hơn trong việc được hưởng giá trị chiết khấu của các nhà cung cấp vật tư… Điều này không khó để giám sát, nhưng nếu không được giám sát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra việc thông đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu để rút vốn. Điều này cho chúng ta biết, vì sao nhiều nơi “thích” thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn đầu tư công!?

NGUYÊN LÊ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện phố đêm thành Huế
Chuyện phố đêm thành Huế

Phố đêm không chỉ thuần túy nói chuyện những khu phố về đêm mà chính không gian “phố”, thời gian về “đêm” đó phải là nơi chứa đựng những nét riêng của văn hóa địa phương để giới thiệu, thu hút du khách sau cả “ngày” tham quan, khám phá các nơi khác.

Biến nhà ở thành nơi nghỉ dưỡng
Biến nhà ở thành nơi nghỉ dưỡng

Thay vì đến khu nghỉ dưỡng, nhiều gia đình đã tự tạo cho mình không gian nghỉ ngơi, dưỡng sinh ngay tại nhà. Đây là lựa chọn vừa tiết kiệm, hợp sở thích, vừa thú vị để trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống.

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Chiều 22/2, Công ty Bảo hiểm PVI Huế và các đối tác hỗ trợ đã trao 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Dần, trú tại thôn Chính An, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.