Thứ Tư, 28/02/2018 13:45

Đa dạng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện

Từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng tái tạo mà Thừa Thiên Huế có tiềm năng, nhất là các nguồn sinh khối, năng lượng mặt trời, điện khí… được xem là giải pháp phát triển bền vững của tỉnh trên lĩnh vực năng lượng.

Phát triển bền vững trên nền tảng đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo

Ký kết hợp tác về nghiên cứu đầu tư phát triển dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

Dự án điện khí 6 tỷ USD

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 tại Hà Nội (cuối tháng 7/2020) đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với Công ty CP Chân Mây LNG về nghiên cứu đầu tư phát triển dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Đây là dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Công ty CP Chân Mây LNG đầu tư và phát triển dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, có tổng công suất thiết kế 4.000MW. Hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chân Mây LNG cho biết, dự án này được giới truyền thông Mỹ đặc biệt quan tâm là vì đã nhận được sự cam kết cho toàn bộ vốn và vay từ các nhà đầu tư chính từ Mỹ, cùng bộ phận đầu tư tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới và các cơ quan của chính phủ Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ công dân và doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở nước ngoài. Nhà đầu tư hy vọng sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào quý IV năm 2020. Nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng cùng các đối tác hàng đầu thế giới từ Hoa Kỳ và Nhật Bản trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, quản lý môi trường, xây dựng, điều hành... nhanh chóng triển khai công trình ngay sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho biết, tỉnh đang đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch dự án Điện khí Chân Mây, nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, phù hợp phát triển dự án điện khí với quy mô lớn. Dự án điện khí được triển khai tại khu vực này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nói riêng, tạo động lực tăng trưởng cho cả Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng nói chung. UBND tỉnh đang hợp tác chặt chẽ cùng nhà đầu tư để sớm đưa dự án vào hiện thực vào năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024. “Dự án với tổng mức đầu tư ước tính 6 tỷ USD được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá cho ngành năng lượng trong nước, của tỉnh, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm sau thời kỳ dịch COVID-19”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của đơn vị tư vấn, dự án dự kiến được đặt ở vị trí hết sức thuận lợi về mặt hạ tầng. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.

Ưu tiên nguồn năng lượng sạch

Nhà máy điện khí LNG Chân Mây có quy mô tổng công suất 4.000MW (gồm 5 tổ máy 800MW), được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026; giai đoạn 2 xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.

Theo báo cáo từ UBND tỉnh, về hiện trạng nguồn điện, toàn tỉnh đang có 13 nhà máy thủy điện được bổ sung quy hoạch với tổng công suất 451,7 MW, trong đó có 10 nhà máy thủy điện đã tham gia phát điện, với điện lượng mỗi năm đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.

Về điện mặt trời, có 1 dự án công suất thiết kế 35MW, đã được vận hành thương mại vào tháng 11/2018, là dự án đưa vào vận hành đầu tiên cả nước. Trong năm đầu vận hành, nhà máy vượt sản lượng thiết kế đến 151,66%, cho thấy tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn là rất lớn. Hiện nay, có 1 dự án công suất 50MWp đang được triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành; 4 dự án với tổng công suất khoảng 260 MWp đang chờ bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực.

Ngoài ra, trên cơ sở rà soát quỹ đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả và diện tích các mặt hồ thủy lợi, hồ thủy điện và đầm phá chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 2.655ha, có khả năng phát triển các dự án năng lượng mặt trời tương đương công suất tiềm năng khoảng 2.100MWp.

Để triển khai kế hoạch phát triển năng lượng, ngoài việc đề nghị Chính phủ bổ sung Dự án Điện khí Chân Mây vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo sơ đồ điều chỉnh, tỉnh cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời và có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện. Đồng thời, đẩy nhanh thẩm định, bổ sung quy hoạch điện lực các dự án điện mặt trời, điện sinh khối; ban hành quy định cho phép sử dụng các diện tích đất thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản nhưng chưa khai thác, cấp phép khai thác để đầu tư phát triển điện mặt trời, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Mục tiêu của tỉnh là cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện phố đêm thành Huế
Chuyện phố đêm thành Huế

Phố đêm không chỉ thuần túy nói chuyện những khu phố về đêm mà chính không gian “phố”, thời gian về “đêm” đó phải là nơi chứa đựng những nét riêng của văn hóa địa phương để giới thiệu, thu hút du khách sau cả “ngày” tham quan, khám phá các nơi khác.

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Chiều 22/2, Công ty Bảo hiểm PVI Huế và các đối tác hỗ trợ đã trao 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Dần, trú tại thôn Chính An, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.