Chủ Nhật, 11/03/2018 16:01

Đổi mới đào tạo nghề trong thời kỳ 4.0

Trong thời kỳ hội nhập, đào tạo nghề đòi hỏi phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, hướng đến chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) cũng đang có những đổi mới để thích nghi, theo kịp xu hướng phát triển.

Nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để đào tạo nghềHỗ trợ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp để phát triển sản xuất

Đổi mới đào tạo và chuẩn hoá ngành nghề, nhất là ngành công nghệ thông tin đang được HueIC chú trọng

Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Xác định chuẩn đầu ra chính là “sản phẩm” để DN tiếp nhận, nên công tác đào tạo được nhà trường gắn kết với DN từ năm đầu tiên, đến tốt nghiệp và quá trình công tác sau này của sinh viên. Những năm gần đây, HueIC thực hiện chính sách đưa DN lồng ghép vào công tác đào tạo nghề. Bên cạnh đó, trường xây dựng và lưu trữ hệ thống lịch sử hồ sơ với DN trong quá trình đào tạo, thực tập, tuyển dụng, công việc…

 Thực hiện mục tiêu là cầu nối đáp ứng cung cầu thị trường việc làm cũng như nhu cầu tuyển dụng nghề của DN, hơn 10 năm qua, trường đã đẩy mạnh liên kết với hàng trăm DN, đưa sinh viên đến DN học và thực tập. Qua đó đã tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với các thiết bị thực tế, khi ra trường các em có thể tự tin với tay nghề, kiến thức học được để bắt tay ngay vào công việc.

Mới đây, trường liên kết với Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast ký kết hợp tác về đào tạo song hành các chuyên ngành Cơ điện tử và Kỹ thuật ô tô trình độ cao đẳng. Sinh viên sẽ được đào tạo gồm hai giai đoạn: 18 tháng đào tạo tại trường và 12 tháng đào tạo tại doanh nghiệp. Giai đoạn 1, sinh viên sẽ học tại trường, sau đó trường sẽ giới thiệu những sinh viên đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng tham gia cuộc thi tuyển chuyển tiếp giai đoạn 2 do VinFast tổ chức.

Chương trình đào tạo song hành giữa HueIC và VinFast sẽ được bắt đầu từ năm học 2020-2021. Đây là mô hình phổ biến tại các nước tiên tiến trên thế giới, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, thể hiện sự gắn kết, đồng hành của DN với cơ sở đào tạo. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với nhiều công ty khác để các em đi thực tập với một khóa học có ít nhất 3 tháng thực tập tại DN.

 Ông Trần Đức Hải, cán bộ Phòng Đào tạo - Công tác sinh viên, HueIC thông tin: Định hướng của nhà trường là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu DN và đảm bảo việc làm của sinh viên khi ra trường. Vì thế, điểm mới trong đào tạo của trường là tăng thời gian học thực hành chiếm tối thiểu 60% trên tổng thời gian toàn khóa học. Trong đó, có ít nhất là 40% học thực hành tại DN hoặc đưa DN vào đào tạo tại trường.

Chuẩn hoá nguồn nhân lực

 Đến nay, HueIC đã đào tạo ra hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN trong tỉnh, khu vực miền Trung, một số tỉnh thành trên cả nước và đưa lao động đã qua đào tạo đi làm việc nước ngoài.

Hoạt động đào tạo của HueIC đang có những chuyển biến tích cực theo xu thế hội nhập quốc tế. Bên cạnh các ngành nghề truyền thống theo chuẩn trong nước, nhà trường đã tiến hành tiếp cận và đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc tế và ASEAN đem lại nhiều chuyển biến mới trong hoạt động đào tạo của nhà trường. Các giảng viên vừa giảng dạy vừa luôn tích cực học tập, nâng cao trình độ kỹ năng và tay nghề nhằm đáp ứng tiêu chuẩn trong thời kỳ mới.

Tại Quyết định số 1769 ngày 25/11/2019, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt 68 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 101 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN. Trong đó, HueIC được phê duyệt 7 nghề cấp độ quốc tế (hướng dẫn du lịch, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin-ứng dụng phần mềm, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, điện công nghiệp) và 1 nghề cấp độ khu vực ASEAN. Trong đó, trường đang triển khai đào tạo 2 bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức (điện công nghiệp, xử lý nước thải) và 1 bộ chương trình hỗ trợ từ Nhật Bản theo chuẩn KOSEN (công nghệ kỹ thuật điện, điện tử). Trường cũng đẩy mạnh mô hình 9+ nhằm tạo điều kiện cho các em sau khi tốt nghiệp THCS được học lên cao đẳng, thay vì theo quy định trước đây, các em tốt nghiệp THCS chỉ được học trung cấp.

 Với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, tạo sự kết hợp hài hoà giữa thuyết giảng và phát huy cao độ tính tích cực, năng động, độc lập, sáng tạo của người học, nhà trường lồng ghép phát động các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo. Qua đó giúp các em phát huy tinh thần sáng tạo, đưa ra những giải pháp, những sản phẩm công nghệ ứng dụng thực tiễn. Điển hình như nghiên cứu sản xuất ra dung dịch rửa tay sát khuẩn phục vụ cộng đồng, Robot phục vụ y tế trong  công tác phòng dịch COVID-19. Hay trước đó, sinh viên, học sinh nhà trường đã sáng chế ra mô hình tưới nước tự động cho vườn rau tự tạo; ứng dụng dung dịch bạc nano vào trồng lạc công nghệ cao...

 Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu thị trường lao động ngày càng khó tính và đòi hỏi chất lượng, HueIC cũng đặt ra nhiệm vụ tập trung xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, ngân hàng đề theo các chương trình đạt chuẩn quốc tế; tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về kỹ năng nghề và trình độ ngoại ngữ; đồng thời củng cố hợp tác và tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia và tổ chức trên thế giới như CHLB Đức, Nhật Bản (KOSEN), USAID COMET, ADB, KOICA, JICA… nhằm tiếp cận và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng và đào tạo các ngành chuẩn quốc tế.

 Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật
Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật

Ngày 17/2, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù thuộc Hội người mù tỉnh phối hợp với Ban chấp hành Hội người mù huyện Phong Điền tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn cho 15 học viên là người mù và người khuyết tật.

Đa dạng chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra
Đa dạng chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra

Với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và chuẩn đầu ra, đặc biệt là đa dạng các chương trình đào tạo, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế đã và đang kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và sáng tạo
Động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và sáng tạo

Doanh nghiệp (DN) đang là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp trước cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Việc cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị, đổi mới sáng tạo là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của DN trong thời đại số này.

Đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân
Đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân

Từ các lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất do Trung tâm Hỗ trợ nông dân (TTHTND) thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức, nhiều nông dân biết cách làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.