Chủ Nhật, 13/05/2018 18:19

Phát triển đô thị Huế trên nền tảng bảo tồn các tinh hoa văn hóa

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định. Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với tân Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định xung quanh các vấn đề về phát triển đô thị Huế.

Trao Quyết định điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Huế đối với ông Phan Thiên Định

UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định. Ảnh: PHAN THÀNH

Xin chúc mừng ông trên cương vị mới. Ông có thể chia sẻ cảm tưởng của mình với vai trò mới cũng như những công việc cần làm?

Trước hết, tôi xin cảm ơn những lời chúc và cảm nhận đây là một trọng trách hết sức nặng nề. Với những giá trị to lớn trên nhiều mặt, Huế đã và đang có, làm sao để giữ gìn và phát huy, làm sao để phát triển nhưng vẫn bảo tồn được các tinh hoa văn hóa là những vấn đề hết sức hóc búa, cần phải được xử lý một cách khoa học và tinh tế.

Ở một góc độ khác, Huế có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chúng ta vẫn chưa chuyển hóa những điều đó thành năng lượng để phát triển kinh tế, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong việc nâng cao đời sống Nhân dân và giải quyết công ăn việc làm cho con em như kỳ vọng. Nguyên nhân ở đâu, làm thế nào để thay đổi thực tế đó cũng là một bài toán khó bắt buộc phải có lời giải trong giai đoạn này, nếu chúng ta không muốn tụt hậu. Trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung nỗ lực cao nhất để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, mở rộng địa giới TP. Huế, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương, các nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng, cấp thiết.

Tất nhiên, cũng chính trong bối cảnh này, với sự tập trung hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, Huế đang đứng trước những cơ hội lớn của sự phát triển. Điều đáng mừng là sau rất nhiều nỗ lực có tính chất quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh, rất nhiều người Huế, người yêu Huế đang cảm nhận được rằng đây là giai đoạn thể hiện rõ nét nhất sự hòa quyện giữa ý Đảng, lòng dân trong việc hướng đến mục tiêu chung tay xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, TP. Huế nói riêng trở thành một vùng đất xanh, sạch, bình yên, hạnh phúc. Trạng thái tinh thần hứng khởi của người dân chính là cơ hội để chính quyền nắm bắt, thúc đẩy sự phát triển.

Nỗ lực để tranh thủ được tất cả lợi thế của các cơ hội đang tới để đưa Huế phát triển bền vững, đúng hướng là trách nhiệm nặng nề của giai đoạn này. Tôi tin, với sự hỗ trợ, vào cuộc của toàn tỉnh, cộng với sự nỗ lực, cố gắng có tính chất đột phá của hệ thống chính trị, thành phố, Huế sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp như tất cả chúng ta mong đợi.

Là người đứng đầu thành phố - đô thị hạt nhân của tỉnh, ông có thể cho biết kế hoạch sắp tới nhằm tạo chuyển biến về hạ tầng và không gian đô thị?

Định hướng phát triển Thành phố di sản, văn hóa, du lịch đặc sắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đô thị Huế. Thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác chỉnh trang đô thị Huế trên các lĩnh vực hạ tầng, cảnh quan đô thị theo hướng bảo vệ các giá trị di sản, phát huy, khai thác các tiềm năng cảnh quan vốn có, góp phần thu hút khách du lịch.

Tiếp tục đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo điểm nhấn từ không gian hai bờ sông Hương. Ảnh: KHÁNH THƯ

Để hoàn thiện hạ tầng và không gian đô thị, thành phố tiếp tục chỉnh trang công viên hai bên bờ sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố với hệ thống đường dạo, không gian công cộng, điện chiếu sáng, các tiện ích đô thị công viên như bãi để xe, camera giám sát, wifi, nhà vệ sinh công cộng…; chỉnh trang công viên vườn mai phía Hộ thành hào từ cửa Quảng Đức đến cửa Nhà Đồ; công viên Kim Long từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ, tuyến đường dọc sông Hương phía bờ Nam từ cầu Bạch Hổ đến đường Huyền Trân Công Chúa….

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung những dự án nào, thưa ông?

Sắp tới, sẽ đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư dự án (DA) Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh do KOICA tài trợ giai đoạn 2021-2023 với kinh phí 13 triệu USD. Trong đó, chú trọng tập trung vào việc tạo ra kết nối liên hoàn tuyến đi bộ dọc sông Hương đoạn từ Học viện Âm nhạc đến cồn Dã Viên; tiến hành lập quy hoạch và xây dựng chỉnh trang cồn Dã Viên trở thành không gian công cộng đặc trưng, tiêu biểu phục vụ cộng đồng và du khách.

Tập trung các DA chỉnh trang phát huy giá trị di sản, cảnh quan môi trường thuộc DA giải tỏa di dời Khu vực 1 Kinh thành Huế; năm 2021 triển khai DA chỉnh trang vỉa hè, đường dạo 3 tuyến đường Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê  Huân xung quanh Đại Nội; DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát huy giá trị công trình di tích tại Hổ Quyền - Voi Ré, DA mở rộng đường Hà Nội, mở rộng cầu chui đường sắt đường Bùi Thị Xuân...

Với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tiếp tục tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ và thương mại, vậy thành phố sẽ triển khai các vấn đề đó như thế nào để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “...Xây dựng Huế trở thành đô thị di sản quốc gia theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á ...”. Để tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại giai đoạn 2020-2025, thành phố tập trung nguồn lực, triển khai giải pháp nhằm tạo môi trường và cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp, khai thác tiềm năng về ẩm thực, văn hóa truyền thống, đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp...

Về hạ tầng, sẽ tập trung hoàn thiện các trung tâm thương mại hiện có và kêu gọi đầu tư hình thành các trung tâm thương mại ở khu đô thị mới; sắp xếp các phố thương mại đã có theo hướng văn minh, chú trọng các tuyến đường có lợi thế thương mại như: Trần Hưng Đạo, Mai Thúc Loan, Hùng Vương... Hình thành thêm các tuyến phố đi bộ, phố đêm tại các tuyến đường quanh Đại Nội Huế; kết nối không gian đi bộ bờ Nam sông Hương với bờ Bắc sông qua cầu Trường Tiền gắn với việc phát triển không gian phố đêm chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, đường Trịnh Công Sơn và các khu vực đường Trương Định, Phạm Hồng Thái, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An.

Vấn đề quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với mở rộng địa giới TP. Huế, sắp tới sẽ có những điều chỉnh nào để phù hợp với yêu cầu mới không, thưa ông?

Trên cơ sở các quy hoạch và Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, định hướng xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2025 tập trung theo hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương với phạm vi mở rộng TP. Huế từ diện tích 70,67km2 lên thành 267km2. Do vậy, vấn đề nghiên cứu quy hoạch kết nối hạ tầng, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trung tâm đồng bộ với khu vực mở rộng là rất cần thiết.

Trên cơ sở đó cần tập trung quy hoạch lại một số nội dung, về định hướng quy hoạch ở khu vực trung tâm thành phố được định nghĩa có tính chất là đô thị di sản văn hóa. Giảm tải các chức năng về đào tạo, y tế, đầu mối giao thông..., ưu tiên phát triển các chức năng dịch vụ, du lịch và văn hóa để không ảnh hưởng đến di tích. Khu vực mở rộng thành phố được định nghĩa là các cửa ngõ của đô thị trung tâm, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị khác, có tính chất hỗ trợ đô thị di sản Huế về phát triển nhà ở, dịch vụ, công nghiệp đa ngành, đào tạo, y tế và đầu mối giao thông.

Về mô hình quy hoạch, đô thị được xây dựng theo mô hình chuỗi dải; nằm dọc theo các hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia và tạo nên các dải hành lang xanh, thoát lũ, phân cách các dải không gian đô thị. Mô hình được nghiên cứu và xây dựng theo hướng chú trọng đến mục tiêu bảo tồn di sản Cố đô Huế, bảo vệ đất nông nghiệp, thoát lũ và thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với trọng tâm xây dựng, phát triển đô thị Huế mở rộng là đô thị hạt nhân hạt nhân khi cả tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố xác định việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch là khâu quan trọng, có tính chất then chốt, cần phải làm tốt, có chất lượng nhằm tạo ra động lực phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng tinh thần và định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 54.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

THANH HƯƠNG (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo
Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo

Kết quả đạt được trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua phải kể đến những mô hình phát triển sinh kế đưa về các địa phương, hộ dân một cách kịp thời và thiết thực.

Chuyển đổi số Tư duy, hành động mới
Chuyển đổi số: Tư duy, hành động mới

Tại Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), địa phương đang có nhiều chuyển biến hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế.

Thu hút thêm 48 dự án nhà ở xã hội và thương mại
Thu hút thêm 48 dự án nhà ở xã hội và thương mại

Sáng 10/2, lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin, theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh số 3456/QĐ-UBND tỉnh ngày 29/1/2021, từ nay đến năm 2025 các sở, ban, ngành chức năng liên quan tập trung kêu gọi 48 dự án (DA) nhà ở xã hội và thương mại.

Chậm trong phát triển sản phẩm du lịch
Chậm trong phát triển sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch là lý do để du khách quyết định lựa chọn điểm đến. Dù đã có nhiều kế hoạch, giải pháp, nhưng sự phát triển sản phẩm của du lịch Huế vẫn còn chậm.