Thứ Sáu, 01/06/2018 13:30

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau bão

Bão số 9 (Molave) cuối tháng 10 vừa qua khiến Nam Đông bị thiệt hại nặng, đặc biệt là cây cao su và keo. Ngành nông nghiệp huyện đang triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, tái sản xuất.

Nam Đông: Cây chủ lực kinh tế bị thiệt hại nặng

Người dân xã Hương Phú tận thu cây cao su bị gãy đổ sau bão

Thiệt hại nặng

Trơ trụi là cảnh tượng chung tại vườn cây cao su của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Nam Đông. Bão số 9 vừa chỉ diễn ra trong vòng vài tiếng đồng hồ nhưng khiến hàng trăm ha cây cao su đang trong giai đoạn khai thác gãy đổ, nhiều người dân vào cảnh nợ nần.

Là một trong những trường hợp chịu thiệt hại, anh Hồ Văn Khá (thôn 2, xã Thượng Nhật) cho biết, gia đình có gần 1 ha cao su đã khai thác được 5 năm và khoảng 2 ha keo 4 năm tuổi là sinh kế chính, nhưng đã thiệt hại hoàn toàn do bão số 9 vừa qua. Hiện diện tích rừng trồng của gia đình cũng gặp khó trong việc tận thu do đường vào khu sản xuất vẫn chưa thể khắc phục; cả gia đình 4 miệng ăn vẫn chưa hình dung được sẽ làm gì để sinh sống qua ngày.

“Tôi vừa trả xong khoản vay đầu tư vào cao su và keo không lâu, giờ chỉ có thể tiếp tục vay vốn để tái sản xuất chứ khó có thể chuyển đổi sinh kế”, anh Khá bộc bạch.

Hiện, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện vẫn còn nợ ngân hàng, thiếu kinh phí tái sản xuất, phục hồi vườn cây sau bão. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND huyện Nam Đông, bão số 9 khiến 400 ha cao su và gần 1.850 ha rừng trồng (chủ yếu là keo lai) bị gãy đổ, tập trung ở các xã: Hương Phú, Hương Xuân, Thượng Quảng, Thượng Nhật. Trong đó, nhiều xã tập trung đồng bào dân tộc thiểu số nên khi cây chủ lực bị thiệt hại, cuộc sống bà con thêm phần khó khăn. Ngay sau bão, nhiều gia đình tập trung cưa các diện tích gãy đổ, tận thu những cây có thân lớn để chờ thương lái tới thu mua nhằm thu hồi phần nào công sức, vốn đầu tư.

Không chỉ diện tích rừng trồng, bão số 9 khiến gần 30ha rau màu các loại, hơn 25ha cây hàng năm và khoảng 10ha cây ăn quả bị thiệt hại; hàng chục gia súc và hơn 700 gia cầm, 30 ha ao cá bị ngập lụt, cuốn trôi. Ngoài ra, mùa mưa bão này đã gây hư hỏng 4 đập đầu mối và hơn 1km kênh mương bị cuốn trôi.

Hướng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông biết, ngay sau khi bão số 9 đi qua, các địa phương hỗ trợ người dân tận thu các diện tích cây cao su và keo bị gãy đổ để giảm thiểu thiệt hại, nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là nhiều tuyến đường vào khu sản xuất  bị đứt gãy, không thể tiếp cận để tận thu và thống kê.

Huyện Nam Đông đang vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những diện tích trồng rừng bị thiệt hại nếu đáp ứng đủ các điều kiện về thổ nhưỡng, trong đó tập trung vào 3 loại cây chủ lực là cam, chuối đặc sản và dứa. Những hộ tham gia sẽ được hỗ trợ về giống và phân bón theo đề án phát triển nông nghiệp của địa phương.

Với những diện tích không đáp ứng đủ điều kiện, người dân sẽ tiếp tục trồng cao su, keo và được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực phục hồi sản xuất.

Theo ông Lê Thanh Hồ, thực tế những đợt mưa lũ vừa qua cho thấy các loại cây ăn quả chủ lực của huyện ít bị thiệt hại nặng, một số diện tích cam chưa thu hoạch kịp bị rụng quả nhưng không đáng kể do đã vào cuối vụ. Đây là cơ sở để vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh những thiệt hại tương tự lặp lại.

UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ Nam Đông 3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão lụt trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo để rà soát các trường hợp thiệt hại, đảm bảo số tiền hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng.

Với một số tuyến kênh mương bị hư hỏng, đơn vị quản lý khai thác của tỉnh sẽ đầu tư kinh phí khắc phục, những đoạn hư hỏng nhỏ người dân và địa phương sẽ chủ động khắc phục để kịp thời tái sản xuất.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng
Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, tính đến ngày 5/2, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800ha cao su, cây ăn quả, hồ tiêu… bị sâu bệnh gây hại.

Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững

Các quốc gia sẽ xem xét tiến trình hướng đến việc chuyển đổi các hệ thống lương thực trên toàn thế giới tại một hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức ở thủ đô Rome (Italy) vào tháng 7 này. Đây là thông tin vừa được Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Amina Mohammed và Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani công bố.