Huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa để chăm sóc, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiễm chất độc hóa học
Đến nay, toàn tỉnh có 2.351/3.999 người bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) còn sống đang hưởng trợ cấp hàng tháng (trực tiếp 1.510, gián tiếp 841); có 15.850 người bị phơi nhiễm.
Ngoài thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước, Thường trực Tỉnh hội đã phối hợp các ngành liên quan và chỉ đạo các Huyện hội chủ động tranh thủ các ngành, kêu gọi vận động các tổ chức trong và ngoài nước, cá nhân hảo tâm để giúp đỡ, hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, cho vay vốn... cho nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn.
Từ năm 2016 đến cuối tháng 5/2020, Hội NNCĐ da cam/dioxin các cấp đã tranh thủ, kêu gọi, vận động được hơn 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho 16.316 lượt nạn nhân CĐHH, làm mới 15 ngôi nhà, sửa chữa 5 ngôi nhà tình nghĩa cho nạn nhân. Riêng trong năm 2020 đã vận động và hỗ trợ chăm sóc nạn nhân với tổng số tiền hơn 2,56 tỷ đồng.
Các cấp hội cũng đã phối hợp triển khai các dự án trồng cây bồ kết xung quanh sân bay A So (A Lưới), thực nghiệm tẩy độc dioxin trong đất tại sân bay A So; khám chữa bệnh; nuôi bò, nuôi gà, nuôi dê...
Trong thời gian tới, ngoài đẩy mạnh xã hội hoá, vận động các nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐHH trên địa bàn tỉnh, Tỉnh hội kiến nghị đẩy nhanh tiến độ dự án tẩy độc vùng sân bay A So; sớm triển khai dự án xây dựng Khu chứng tích chiến tranh hoá học ở Việt Nam tại A Lưới; bổ sung, hoàn chỉnh quy định việc xác nhận, công nhận, giải quyết các trường hợp tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH phù hợp với điều kiện thực tế, kể cả thế hệ thứ 3, thứ 4 của họ. Sớm triển khai dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải chất độc da cam", trong đó có Thừa Thiên Huế...
Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG