Thứ Bảy, 21/07/2018 13:45

Giáo viên được tham gia góp ý sách giáo khoa lớp 2 và 6

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là thời điểm các trường gấp rút chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Tất cả các giáo viên được cử dạy lớp 2, lớp 6 tham gia góp ý cho bản mẫu SGK

Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh với hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Hữu Phúc​

Tránh sai sót trong sách giáo khoa

Dù mới là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, sách giáo khoa môn tiếng Việt của bộ sách Cánh diều có nhiều “sạn”.Theo lộ trình, năm học 2021-2022, ngành giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Nhiều người bày tỏ lo lắng, liệu những vấn đề bất cập, khó khăn trong dạy học có còn tiếp diễn ở hai khối này?

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên cũng cần sớm được tiếp cận với bộ sách giáo khoa mới. Tất nhiên, chương trình mới cho phép giáo viên được quyền chủ động lựa chọn ngữ liệu, tài liệu dạy học và không còn phụ thuộc vào sách giáo khoa. Tuy nhiên, để làm được điều này, giáo viên cần có trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng. Đa số giáo viên hiện vẫn còn dạy học phụ thuộc vào sách giáo khoa. Thế nên, rất cần có bộ sách giáo khoa chuẩn mực để dạy học.

Điểm mới trong khâu thẩm định sách giáo khoa lần này là sau hai vòng thẩm định, toàn bộ bản mẫu sách giáo khoa ở mức “đạt” theo đánh giá của Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ được công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Trong đó, lấy ý kiến góp ý của giáo viên đối với các bản mẫu sách giáo khoa là cần thiết để hạn chế tối đa các lỗi không đáng có. Dưới góc độ chuyên môn, ý kiến góp ý của giáo viên bảo đảm nội dung sách giáo khoa phù hợp với độ tuổi học sinh, bảo đảm tính giáo dục, thẩm mỹ...

Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, giáo viên Trường tiểu học số 2 Phú Bài (TX. Hương Thủy), cho biết: Trường đã thực hiện bồi dưỡng xong modun 1 và tiếp tục bồi dưỡng các môn tiếp theo. Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bằng cách tự mình nghiên cứu các nội dung  chương trình lớp 2 để ứng dụng chương trình dạy học mới hiện hành khi phương pháp khá hấp dẫn, hứng thú.

Học sinh TX. Hương Trà tham gia các hoạt động ngoại khóa

Rút kinh nghiệm triển khai chương trình GDPT mới ở khối lớp 1 năm nay, nên ngay từ thời điểm này các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh chủ động chọn các giáo viên có năng lực sư phạm tốt, năng động, có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn để tham gia góp ý chuyên môn về bộ sách giáo khoa mới và tham gia tập huấn về nội dung chương trình GDPT với lớp 2 và 6.

Theo cô giáo Lê Thị Mai Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành (TP. Huế), trong khi chờ có sách giáo khoa mới, trường đã yêu cầu đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên trong danh sách dự kiến sẽ dạy lớp 2 xem trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng rèn kỹ năng, tăng khả năng vận dụng kiến thức của học sinh. Cơ cấu đủ các giáo viên dạy các bộ môn đặc thù như âm nhạc, thể dục, ngoại ngữ để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ưu tiên cơ sở vật chất cho khối lớp 2 và 6

Tất cả các lớp học đều được học 2 buổi/ngày, đó là điều kiện bắt buộc khi thực hiện chương trình GDPT mới. Chuẩn bị điều kiện này, các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện đang sắp xếp lại phòng học, phòng chức năng, trong đó ưu tiên phòng học cho khối lớp 1, 2 và 6, bởi đây là 3 khối lớp sẽ thực hiện đổi mới trong năm tới, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông, ông Lại Quốc Trình cho hay.

Căn cứ theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các phòng giáo dục và đào tạo đang khẩn trương triển khai các công việc để tham mưu với UBND huyện, thị xã, TP. Huế ban hành kế hoạch trang bị. Đồng thời, tiếp tục có phương án cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp, bảo đảm tốt nhất các yêu cầu dạy, học của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Các trường trên địa bàn đã lên danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 2 và lớp 6 năm học tới với các yêu cầu bảo đảm về phẩm chất, kỹ năng và chuyên môn, sẵn sàng tham gia bồi dưỡng khi có thông báo.

Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 theo danh mục; đồng thời rà soát, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, thiết bị đã có, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý, các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường mọi nguồn lực để có thêm nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia; quan tâm rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, dự báo quy mô học sinh trong các năm học tiếp theo để chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với các khối lớp còn lại trong những năm tiếp theo.

Việc chuẩn bị triển khai chương trình mới trong năm học tiếp theo cần được đẩy nhanh tiến độ, phải cho giáo viên được tiếp cận chương trình và có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai dạy học hiệu quả. Hơn nữa, muốn chương trình đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì cơ chế về thi cử, đánh giá học sinh cũng cần có những thay đổi và quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.

Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội
Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội

Trong thời đại 4.0, internet và mạng xã hội (MXH) xuất hiện phổ biến hơn với trẻ em, góp phần hỗ trợ trẻ cả về mục đích giáo dục và giải trí. Tuy nhiên, MXH cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy cho trẻ.