Thứ Hai, 30/07/2018 06:30

Hiệu ứng từ đô thị thông minh

Vài năm gần đây, Thừa Thiên Huế liên tục là điểm sáng trong triển khai các hoạt động xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM). Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) phối hợp một số doanh nghiệp công nghệ tiến hành xây dựng, phát huy hiệu quả việc giám sát giao thông và trật tự đô thị, tiếp nhận phản ánh hiện trường, giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công và một số tiện ích khác về du lịch, giáo dục, y tế.

Xây dựng thương hiệu Hue-S thành mạng xã hộiGiảm thiểu ùn tắc, kẹt xe từ ứng dụng công nghệ sốGiám sát môi trường qua IOC: Công khai, minh bạch các chỉ số về môi trườngThừa Thiên Huế sẽ có “xã thông minh”

Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA tại Việt Nam - Cho Han Deog cùng đoàn công tác khảo sát hỗ trợ TP. Huế xây dựng TP. Huế văn hóa và du lịch thông minh

Quản lý, điều hành bằng công nghệ

Tại TP. Huế đang có những ứng dụng giúp du khách trải nghiệm du lịch thông minh bằng thực tế ảo khá ấn tượng, như: “Đi tìm hoàng cung đã mất”. Bằng công nghệ thực tế ảo VR360, du khách có thể tận mắt thấy được không gian hoàng cung với các công trình kiến trúc không gian đa chiều có từ hàng trăm năm trước. Ngoài hệ thống thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực di tích, du khách có thể sử dụng mã QR code của ứng dụng VN Guide để trải nghiệm tham quan cổ vật qua không gian 3D tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Du lịch thông minh ở Huế được thể hiện bằng phần mềm quản lý, liên thông dữ liệu với các ngành liên quan, đẩy mạnh hỗ trợ trực tuyến. “Phần mềm quản lý ngành du lịch đang được xây dựng có chức năng quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nguồn lao động du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Phần mềm quản lý cơ sở lưu trú giúp liên thông dữ liệu giữa các ngành, tích hợp việc khai báo y tế trực tuyến, xuất mã QR code cho du khách sau quá trình đăng ký ở các cơ sở lưu trú”- Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Hữu Thùy Giang chia sẻ.

Không riêng du lịch, các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, giao thông… cũng đang được tỉnh thực hiện số hóa nhằm hỗ trợ các dịch vụ thông minh. Ngoài ra, ứng dụng miễn phí “Hue-S” dành cho người dân cũng được bổ sung nhiều tính năng thông minh, hữu ích như cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bản đồ số y tế, giáo dục, giao thông, cảnh báo tắc đường… ĐTTM đã phát triển thêm một bước là triển khai thí điểm hệ thống báo cáo động theo thời gian thực với nhiều chỉ tiêu được kết nối trực tiếp từ cấp cơ sở qua hệ thống nhập liệu thông minh cùng một số mô hình dữ liệu và thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI). Đến nay, IOC đã tích hợp hệ thống ở mức sâu hơn, toàn diện hơn, đảm bảo khai thác hiệu quả các phần mềm và hệ thống hiện có đồng bộ, đồng thời đưa vào sử dụng hơn 20 dịch vụ và tiện ích mới.

“Từ hệ thống tích hợp này, quá trình giám sát các hoạt động của đô thị được trực quan hoá trên một nền tảng chung, dữ liệu được quản lý tập trung và các công nghệ khai phá dữ liệu lớn được ứng dụng để đưa ra các báo cáo số thông minh, xác định xu hướng, dự đoán, dự báo, giúp lãnh đạo địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, du khách”- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết.

Hướng đến thành phố hạnh phúc

Hiện có hai dịch vụ được người dân sử dụng nhiều nhất là giám sát an ninh trật tự hiện trường và môi trường. Với hệ thống ĐTTM, người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của IOC, kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được IOC ghi nhận và chuyển về cơ quan chức năng xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng.

Khi chưa có ĐTTM, người dân nhiều khi không biết phản ánh những bất cập đến cơ quan nào. Giờ IOC sẽ phát cảnh báo và lãnh đạo tỉnh sẽ nắm được có tình trạng, phản ánh như vậy, khi đó áp lực của các cơ quan quản lý sẽ rất lớn. “Cán bộ công chức phải chấp nhận sức ép lớn hơn khi làm việc cũng như phải đối mặt với sự giám sát sát sao của người dân; lãnh đạo các đơn vị phải nhanh chóng xử lý các vi phạm và công khai kết quả xử lý theo phản ánh của người dân… là những bí quyết giúp mô hình ĐTTM của Thừa Thiên Huế trở thành mô hình thành công đầu tiên tại Việt Nam”- ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhận xét như vậy tại buổi tham quan mô hình ĐTTM tại Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ, Huế đang dần hoàn thiện để trở thành ĐTTM đầu tiên của cả nước. Lúc đầu người dân cũng có phản ứng khi nhiều camera được lắp khắp các tuyến đường của Huế do lo ngại bị giám sát. Sau một thời gian, chính người dân đã thay đổi nhận thức và thấy hệ thống trung tâm điều hành là cần thiết. Về phía cơ quan triển khai thực hiện và bị giám sát thực hiện, thời gian đầu các cán bộ cũng bị áp lực. Nhưng khi đã vào guồng thì buộc người đứng đầu các cấp, các ngành phải thực thi, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau và không hoàn thành nhiệm vụ.

"Với mô hình ĐTTM, chúng tôi hướng tới mục tiêu Huế là thành phố hạnh phúc", Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trong cuộc kiểm tra mới đây tại IOC đã ghi nhận những kết quả hết sức đáng khích lệ và toàn diện mà Thừa Thiên Huế đã đạt được dù mới thí điểm và mở rộng sau một thời gian ngắn. Toàn bộ mô hình của IOC đều tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ, có tính toán tới đặc thù của địa phương. Đặc biệt, từ sau khi được nâng cấp và mở rộng, những tiện ích đều đã được đưa lên nền tảng di động, giúp các đối tượng thụ hưởng có thể khai thác hiệu quả, dễ dàng các ứng dụng và dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.

“Những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả về xây dựng ĐTTM của Huế sẽ được tổng hợp để giới thiệu làm điển hình, khuyến khích các địa phương, đơn vị tham khảo thực hiện nhằm tạo hiệu quả đồng bộ trong quá trình thí điểm các dịch vụ ĐTTM theo đúng tinh thần của Bộ Thông tin và Truyền thông”- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thái Bình

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu ứng từ chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử
Hiệu ứng từ chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử

“Chuyển khoản nghe”, “quẹt thẻ hí” trở thành câu nói hết sức quen tai trong thời gian gần đây, khi nhiều người dù được coi là “lạc hậu” hay “mù công nghệ” cũng đã dần ‘nhập cuộc” với thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Nền tảng Hue-S đạt Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022
Nền tảng Hue-S đạt Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022

Sáng 8/12, tại Lễ trao giải thưởng Make in Viet Nam năm 2022 trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, “Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S)” vinh dự giành được Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 ở Top 10 Hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số.

Hiệu ứng từ các phong trào
Hiệu ứng từ các phong trào

Sau thời gian đẩy mạnh triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh, các phong trào như Chủ nhật vì cộng động (CNVCĐ), Huế - Thành phố bốn mùa hoa, Sắc hồng Cố đô… với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức tôn giáo và người dân trên địa bàn TP. Huế, đô thị Huế đang dần thay đổi và ngày càng sáng - xanh - sạch, không rác thải; hàng ngàn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần.

Hạ tầng cho đô thị thông minh
Hạ tầng cho đô thị thông minh

Là đô thị trung tâm với địa bàn rộng, dân cư đông, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính nên ngoài việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng và chỉnh trang đô thị, TP. Huế chú trọng đến việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ CBCNV trên địa bàn.