Thứ Hai, 01/10/2018 06:45

Tái hiện chân thật tinh thần và phong cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong “Em và Trịnh”

Bộ phim “Em và Trịnh” về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa đóng máy sau gần 5 tháng quay. Đây là dự án điện ảnh tâm huyết của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dành để tưởng nhớ, tri ân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ tài hoa xứ Huế, Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn về dự án phim này.

“Em và Trịnh” có kinh phí 50 tỷ đồng

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Ảnh: NVCC

Thưa đạo diễn, cơ duyên và ý tưởng nào đưa ông đến với “Em và Trịnh” ạ?

Khi hãng Galaxy mời tôi làm một bộ phim ca nhạc sử dụng chất liệu nhạc Trịnh là âm nhạc chính của phim tương tự như Mamma Mia! sử dụng nhạc của ABBA, tôi đã nghĩ, không có câu chuyện tình yêu nào đẹp hơn chính những câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với một tuổi trẻ sống động trải qua nhiều thăng trầm cùng những biến động lịch sử của đất nước.

Tôi cũng đọc một bài báo nói về cuộc hôn nhân bất thành của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cô sinh viên Nhật Bản sống ở Pháp đang nghiên cứu về âm nhạc của ông, đó là một câu chuyện kỳ lạ nhưng ít người biết. Khi càng tìm hiểu về cuộc đời và âm nhạc của ông, tôi nhận ra được chủ nghĩa lãng mạn trong đời sống tình cảm của ông. Bộ phim “Em và Trịnh” chính là nói về chủ nghĩa lãng mạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, về một người thanh niên tài hoa và những cuộc tình dang dở của ông.

Ông có thể chia sẻ nội dung và những điểm nhấn của phim?

Chuyện phim bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ định mệnh giữa thiếu nữ người Nhật và chàng Trịnh tại thành Paris hoa lệ. Cô gái đến tận Việt Nam tìm hiểu về những tình khúc và những bóng hồng trong cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, để rồi nhận ra tình yêu nảy nở trong trái tim mình… Bộ phim sẽ đưa khán giả trở về thập niên 70-90, thời điểm ra đời những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, đắm mình trong thế giới của cái đẹp, tình yêu và âm nhạc.

Cảnh trong phim “Em và Trịnh”. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Chúng tôi mất hai năm để nghiên cứu, đọc sách, gặp gỡ gia đình và bạn bè của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để có chất liệu tạo nên kịch bản “Em và Trịnh”. Tuy vậy, bộ phim không phải là một phim tư liệu, mà sẽ có những hư cấu để tạo nên kịch tính hấp dẫn người xem… Những thước phim đẹp long lanh, sống động, đầy cảm xúc về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải dài suốt 3 thập kỷ từ 1960-1990 sẽ là những bất ngờ chờ khán giả thưởng thức.

Hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại dấu ấn đậm nét về một nghệ sĩ tài hoa, đây cũng là thách thức khi tìm diễn viên có thần thái, ngoại hình giống nhạc sĩ?

 Đầu tiên, với vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thiếu niên, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm từ cuối năm 2019, tìm trên cả nước, ra Huế tìm cả những diễn viên chưa bao giờ đóng phim, qua rất nhiều vòng tuyển chọn. Đã có lúc tôi khá bế tắc và nghĩ rằng mình không thể tìm được một diễn viên như mong muốn. Thật sự, tôi chưa từng biết Avin Lu trước khi bạn bước vào phòng casting. Đó là một may mắn cho Avin Lu, vì khi tôi thử tra Google tên của Avin Lu, tôi thấy một cậu thanh niên… rất Hàn Quốc và chắc chắn tôi sẽ không chọn Avin Lu nếu chỉ dựa vào những hình ảnh đó. Thế nhưng, khi thử vai, Avin Lu là một người khác: có sự nhút nhát hồn nhiên, có chút lãng mạn nghệ sĩ, có cả kiểu gì đó gợi nhớ đến nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh, người từng đóng vai Trịnh Công Sơn trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”.

Cảnh trong phim “Em và Trịnh”. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Còn vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trung niên, đây là một vai diễn đòi hỏi diễn xuất tốt, phải nói được tiếng Huế, phải biết đàn, hát, vì thế càng khó để tìm một diễn viên đáp ứng được hết những yêu cầu trên. NSƯT Trần Lực không chỉ là một diễn viên chuyên nghiệp, anh còn có tâm hồn nghệ sĩ để đem vào cho nhân vật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một đời sống.

Đối với bộ phim “Em và Trịnh” – lấy cảm hứng từ cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những mối tình với những nàng thơ trong đời ông, các nhân vật “nàng thơ” mang một ý niệm biểu tượng hơn là cố lột tả “sự thật”. Đối với công chúng, Diễm là một hình ảnh thơ mộng bí ẩn đến từ ca khúc “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy, tôi tìm kiếm một nữ diễn viên có nét đẹp bí ẩn, khiến người ta phải chấn động bởi nhan sắc của cô. Lan Thy, một nữ diễn viên trẻ vừa có sự dịu dàng, vừa có gì đó nổi loạn từ bên trong đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi.

Còn ở vai Dao Ánh, thử thách lớn nhất của tôi chính là phải tìm được một nữ diễn viên có thể thể hiện được một cô bé hồn nhiên ở tuổi 14 cho đến khi trở thành một thiếu nữ 21 tuổi, có vẻ đẹp đằm thắm không quá nổi bật nhưng lại khiến người xem càng ngắm càng yêu. Diễn xuất của Hoàng Hà thật sự chinh phục, tôi tin rằng, đây chính là Dao Ánh của “Em và Trịnh”…

Những địa điểm nào ở Huế được đưa vào trong phim?

Phim có bối cảnh quay ở Gác Trịnh, đường Nguyễn Trường Tộ, cầu Phủ Cam, nhà thờ Phủ Cam, sông Hương, Thành Nội, nhà của tiến sĩ Thái Kim Lan, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế và cả cầu Trường Tiền... Ngoài Huế, phim còn quay ở Đà Lạt, Bảo Lộc, Blao và TP.. Hồ Chí Minh.

Dựng lại bối cảnh ở Huế của những năm 60 vừa khó, vừa dễ. Khó vì thành phố cũng đã thay đổi ít nhiều, cộng thêm vì người Huế có lẽ chưa quen với việc bị đoàn phim làm phiền nên cũng gặp ít nhiều trở ngại trong việc tu sửa, tái hiện lại quá khứ. Dễ là vì may mắn Huế cũng còn nhiều góc phố vẫn giữ được nét xưa rất đẹp, đồng thời chính quyền rất ủng hộ và giúp đỡ để đoàn phim có thể làm việc được tốt nhất có thể.

Quay vào thời điểm thiên tai và dịch bệnh, đoàn phim hẳn gặp nhiều khó khăn?

Một đoàn phim hơn 100 người, đi quay ròng rã hàng tháng trời tại Huế, Đà Lạt, Tà Năng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… giữa dịch COVID-19 hoành hành, mùa tết và những trận bão lũ lịch sử. Có thể nói, chưa từng có bộ phim điện ảnh nào ở Việt Nam lại gặp phải chồng chất khó khăn đến thế trong suốt thời gian quay.

Phim bấm máy vào tháng 11/2020 tại Huế, ngay sau trận bão lũ lịch sử hồi tháng 10 và giữa cơn bão số 13 hoành hành. Đó là những ngày cực kỳ gian nan của đoàn phim, khi phải phục dựng bối cảnh Huế những năm 1960 trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Nhờ sự ủng hộ hết mực của các cơ quan chức năng, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhất là tình yêu thương từ người dân, ê-kíp mới có thể hoàn tất quá trình quay phim ở đây với nhiều bối cảnh đặc biệt, như: Gác Trịnh, cầu Phủ Cam, cầu Trường Tiền...

Ông có niềm tin phim sẽ thành công và được khán giả đón nhận nồng nhiệt?

Tôi kỳ vọng phim sẽ phá mọi kỷ lục doanh thu và dĩ nhiên tôi có niềm tin phim sẽ được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Xin cảm ơn ông!

Minh Hiền (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm “sống” không gian di sản
Làm “sống” không gian di sản

Bằng việc giới thiệu các chương trình, loại hình nghệ thuật di sản bên ngoài không gian di tích, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế góp phần làm “sống” không gian thâm nghiêm cổ kính của Hoàng cung.

U15 tái hiện giấc mơ Huế
U15 tái hiện giấc mơ Huế

Khi mà bậc đàn anh thi đấu ở V. League 2 thắng - thua thất thường để rồi yên vị với vị trí giữa bảng xếp hạng, không thể vô địch để leo lên V. League 1 nhưng cũng khó mà rớt hạng thì đàn em U15 bất ngờ có được tấm huy chương đồng tại Giải U15 Quốc gia 2022, vừa diễn ra tại Gia Lai.

Ấn tượng với cảnh quay về Huế trong “Em và Trịnh”
Ấn tượng với cảnh quay về Huế trong “Em và Trịnh”

Dù có nhiều ý kiến tranh cãi nhưng trong phim “Em và Trịnh”, âm nhạc và hình ảnh là những điểm sáng được nhiều khán giả khen ngợi. Mỗi bối cảnh đều đẹp, công phu và đầy chất thơ. Những cảnh quay về Huế trong phim cũng nhận được sự quan tâm, yêu thích của khán giả.