Thứ Ba, 09/10/2018 06:30

Gỡ khó cho phân luồng học sinh

Học tiếp lên trung học phổ thông (THPT) hay chọn học nghề là điều mà nhiều em phân vân, nhất là những học sinh có học lực trung bình, yếu, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Chất lượng tạo ra sự khác biệtĐầu tư tương xứng cho giáo dục thường xuyênHướng dẫn học sinh tiểu học học trên Internet và truyền hình.

 

Xem số báo danh ở hội đồng thi Trường THPT chuyên Quốc Học

“Song bằng” vẫn là sự lựa chọn của học sinh

Ngay từ đầu năm học, Trường THCS Phong Bình (Phong Điền) đã đưa tiết hướng nghiệp vào chương trình học của học sinh lớp 9. Nội dung hướng nghiệp được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi. Hiệu trưởng Nguyễn Bá Nhân cho biết: “Trường có trên 120 em học sinh lớp 9. Một tháng có 1 tiết hướng nghiệp giúp các em có những khái niệm rõ hơn về nghề nghiệp, nhu cầu của xã hội hiện nay… Tiết hướng nghiệp, trường không chỉ dạy theo những bài quy định sẵn mà còn phân tích sâu vấn đề và cập nhật những thông tin mới, phù hợp với thực tế địa phương...”

Các trường nghề đã chủ động, nhạy bén khi tìm đến các trường để tư vấn trực tiếp cho phụ huynh và học sinh lớp 9. Các em được tham quan và tìm hiểu thực tế các ngành nghề đào tạo để có sự chọn lựa phù hợp. Thiết thực hơn khi nhiều trường nghề đưa ra các chính sách ưu đãi như miễn học phí, được vay vốn ưu đãi; giới thiệu việc làm tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp; có ký túc xá cho học sinh…

9+ vẫn là mô hình đào tạo song bằng vừa học nghề, vừa  học văn hóa vẫn là sự lựa chọn của nhiều học sinh. Em Huỳnh Thị Tú Chi, học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương, TP. Huế, kể: Em sẽ không thi vào lớp 10 công lập mà sẽ đăng ký vào Trường trung cấp Nghề. Tất nhiên, vừa học chữ, vừa học nghề sẽ khá vất vả nhưng em thấy phù hợp với năng lực của mình, tiết kiệm thời gian và sẽ được giới thiệu việc làm khi ra trường.

Bà Cao Đăng Ngọc Phượng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT cho hay, nếu trước đây, giáo dục hướng nghiệp có vẻ khô cứng thì các năm trở lại đây, hình thức tư vấn hướng nghiệp khá đa dạng, sinh động, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu thực tế học nghề. Học sinh càng được tư vấn sớm, các em càng có định hướng nghề nghiệp rõ nét.

Phân luồng tốt sẽ tạo thuận lợi cho học sinh

Cần phân luồng hợp lý

Theo Quyết định 1882 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ từ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Nghĩa là, năm 2021 có khoảng gần 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Năm học 2020 - 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 ở tất cả các trường trên địa bàn TP. Huế. Chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh được thực hiện trên cơ sở đảm bảo mục tiêu phân luồng sau tốt nghiệp THCS. Những học sinh đủ điều kiện đỗ vào các trường phổ thông sẽ tiếp tục học lớp 10 phổ thông theo đúng năng lực, số còn lại sở sẽ phối hợp với các trường dạy nghề để phân luồng học sinh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần phải đảm bảo phân luồng tốt và tạo điều kiện cho người học; nếu phân luồng không đúng, hệ lụy là chỉ tiêu, lao động trong độ tuổi phải có bằng THPT và bằng tương đương sẽ không hoàn thành. Thế nên, phải đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý Nhà nước; kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo hợp lý.

Theo ông Tân cần phải có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, cùng với đó là huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường. Cũng cần quản lý, kiểm tra các trường dạy song bằng để nâng cao chất lượng cũng như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm.

Nhìn nhận về những tồn tại của việc hướng nghiệp sau THCS, nhiều chuyên gia đồng quan điểm: Lâu nay chúng ta vẫn nặng về phần “cung” mà chưa chú trọng phần “cầu”. Trước mắt để việc phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường thông tin định hướng xã hội; nâng cao chất lượng công tác dự báo, hướng nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mong muốn của phụ huynh và học sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có sự  điều chỉnh trong chương trình đào tạo, phương pháp tổ chức đào tạo phù hợp với thực tế và nhu cầu doanh nghiệp, nhằm bảo đảm học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa, đạo đức, kỹ năng làm việc, kỹ năng mềm… Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ nhanh chóng tìm kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.