Thứ Bảy, 03/11/2018 07:13

Những cây trồng “có chỗ đứng” trên đất Huế

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, từ giữa năm 2016, UBND tỉnh ban hành quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất an toàn, bền vững, công nghệ cao, tập trung các loại cây trồng chủ lực như rừng kinh tế, lúa hữu cơ, rau an toàn, các loại cây ăn quả…

Hương Thủy định hình cây và con chủ lực

Thanh trà đặc sản Huế được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: NGUYỄN PHONG

UBND tỉnh đã hỗ trợ 12 tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Cơ hội làm giàu 

Ngày mới lên định cư ở vùng gò đồi Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) theo chủ trương di dân của tỉnh, ông Hồ Đa Thê cũng như bao người dân thật sự ngán ngẩm trước bạt ngàn núi rừng hoang vu.

Trải qua năm tháng gian nan, lận đận, vừa làm vừa học, tích lũy kinh nghiệm, những cánh rừng keo tràm bắt đầu xanh tốt. Lần đầu thiếu kinh nghiệm trồng, chăm sóc, mãi đến 5-6 năm, những cánh rừng đầu tiên của ông Thê và người dân Bến Ván mới cho thu hoạch.

Những lứa sau, khi những bài học đã “thấm”, kinh nghiệm được tích lũy, mỗi chu kỳ rừng keo chỉ 4 năm có thể thu hoạch. Hồi đó, mỗi ha rừng keo lãi từ 70-80 triệu đồng chính là nguồn lực giúp cuộc sống gia đình ông Thê và cả người dân vùng đồi núi này từng bước đổi thay.

Không lâu sau những năm tháng đầu tỉnh có chủ trương trồng rừng kinh tế, cả vùng đồi núi bạt ngàn, hoang sơ ở Bến Ván và nhiều vùng đồi núi Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy phủ một màu xanh ngắt của những cánh rừng keo tràm. Các công ty, DN lần lượt “hiện diện”, tổ chức thu mua sản phẩm, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng. Diện tích rừng trồng kinh tế ngày càng mở rộng, đến nay toàn tỉnh có 90 ngàn ha. Hầu hết các hộ trồng rừng đều thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, nhiều hộ từ 5 ha trở lên còn có cơ hội làm giàu.

Mô hình trồng rau công nghệ cao đang được ưu tiên đầu tư. Ảnh: HOÀNG LOAN

Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững (CRPTBV) tỉnh, ông Võ Văn Dự nói: “Trước yêu cầu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tỉnh hợp tác với các tổ chức, DN trong và ngoài nước đang từng bước chuyển sang mô hình trồng rừng gỗ lớn (RGL), có chứng chỉ FSC. Mô hình mới này tuy triển khai chỉ vài năm nay nhưng thu hút nhiều hộ lâm dân, tổ chức, cá nhân tham gia, đến nay diện tích RGL toàn tỉnh khoảng 9.000 ha. Giá trị sản phẩm mỗi ha từ 250-300 triệu đồng/chu kỳ 8 năm tuổi, lãi cao gấp đôi, gấp ba lần so với rừng gỗ nhỏ”.

Hàng loạt HTX lâm nghiệp bền vững ra đời vừa cung ứng vật tư, cây giống, vừa làm cầu nối với các DN bao tiêu sản phẩm RGL cho người dân, thông qua sự hỗ trợ của Hội CRPTBV tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 cơ sở, công ty đứng ra bao tiêu sản phẩm RGL với giá ổn định. Hằng năm, các công ty này sử dụng khoảng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ. Sản phẩm và bán thành phẩm được sản xuất chủ yếu dăm gỗ, ván bóc, gỗ thanh, đồ gỗ, ván dăm. Tổng doanh thu năm 2019 đạt 1.344.575 triệu đồng, năm 2020 khoảng 1.400.000 triệu đồng.

Mô hình hàng trăm triệu đồng

Tại vùng đồng bằng, đất trũng như Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền có các loại rau màu, rau sạch, theo hướng VietGAP cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Rau má-từ một loại rau tự nhiên mọc ven bờ sông Bồ, kênh rạch được người dân Quảng Thọ (Quảng Điền) đưa về trồng trong vườn nhà cách đây hơn 15 năm trước, chủ yếu phục vụ bữa ăn hằng ngày, nay bỗng trở thành cây đặc sản của vùng đất trũng này.

Khi diện tích rau má được nhân rộng lên hàng chục ha, trồng tập trung trở thành sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phía Nam. Rau má trở thành mô hình trăm triệu đồng/ha đầu tiên trên vùng đất trũng Quảng Điền. Nắm bắt cơ hội, nhu cầu của thị trường, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 vận động xã viên, nông dân mở rộng diện tích rau má an toàn, theo hướng VietGAP lên 60 ha để chế biến trà túi lọc, sấy khô. Mới đây, thêm một loại sản phẩm mới ra đời được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ mạnh là bột rau má matcha.

Trồng rau an toàn ở Quảng Thành. Ảnh: H.TRIỀU

Từ mô hình trăm triệu, giờ đây giá trị cây rau má được nâng lên 300 triệu đồng mỗi ha/năm. Hộ ông Nguyễn Thắng cũng như hàng trăm hộ ở xã Quảng Thọ từ nghèo khó nay đã ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả nhờ nguồn thu nhập từ cây rau má chủ lực, kết hợp trồng lúa, rau an toàn. Quảng Thọ trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Quảng Điền, của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đang xây dựng xã NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu. Trong thành quả chung của Quảng Thọ có sự góp mặt của cây rau má chủ lực và các loại rau an toàn.

Chưa kể rau sạch xuất bán ra các tỉnh, chỉ tính riêng tại địa phương, các chợ lớn, siêu thị trên địa bàn tỉnh nguồn rau sạch đã được tiêu thụ một lượng rất lớn. Đây chính là lợi thế lớn cho người nông dân mở rộng diện tích, có cơ hội khá giả, thậm chí vươn lên làm giàu từ trồng rau an toàn. Chỉ tính riêng tại xã Quảng Thành có khoảng 70 ha rau sạch với hàng trăm hộ tham gia đều ổn định cuộc sống. Cơ sở sơ chế nông sản Hóa Châu, các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh chính là nơi tiêu thụ một lớn sản phẩm rau cho bà con.

Ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, trồng rau sạch, an toàn theo hướng VietGAP là hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm ha rau sạch và đang tiếp tục nhân rộng mô hình. Một số địa phương bước đầu nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng được 26 nhà lưới trồng cây ăn quả, rau sạch với tổng diện tích khoảng 20 ngàn mét vuông.

Ngoài các diện tích cánh đồng mẫu lúa, tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, bước đầu hình thành mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, an toàn với diện tích khoảng 3.000 ha. Một số hộ nông dân mạnh dạn đầu tư thành lập trang trại, nhà lưới sản xuất trồng trọt theo hướng công nghệ cao như trang trại trồng dưa lưới ở phường Thủy Biều (TP. Huế) và rau thủy canh ở xã Phú Thượng (Phú Vang)... Các mô hình đều sản xuất theo “chuỗi giá trị”, có sự liên kết với các DN trong quá trình trồng, chăm sóc, xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm.

Một số nông sản chủ lực, cứu cánh cánh cho nhiều nông dân đang được nhiều địa phương vùng núi, đồng bằng từng bước nhân rộng, tạo thương hiệu uy tín trên thị trường như cam Nam Đông, thanh trà Thủy Biều, Phong Thu…Tính riêng bưởi, thanh trà tại Thủy Biều có khoảng 300 ha, xã Phong Thu 135 ha và hàng trăm ha cam ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới. Mỗi ha cam, thanh trà cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ mùa.

HOÀNG TRIỀU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.

Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng
Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, tính đến ngày 5/2, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800ha cao su, cây ăn quả, hồ tiêu… bị sâu bệnh gây hại.