Chủ Nhật, 06/08/2017 11:11

“Nín thở” trước đại hội - một hiện tượng tiêu cực cần chấn chỉnh

Trước mỗi dịp Đại hội Đảng hay bỏ phiếu tín nhiệm, thường xuất hiện tình trạng cán bộ trong quy hoạch không dám chủ động với nhiệm vụ được giao, im lặng trước mọi việc vì sợ “mất điểm”. Đây là một hiện tượng tiêu cực cần phải chấn chỉnh trong công tác cán bộ.

Chống biểu hiện cơ hội chính trị trước thềm đại hội Đảng

Nằm im, chờ “qua truông”

Hiện tượng này đã được nêu trong Kết luận 55-KL/TW ngày 15/8/2019 của Ban Bí thư về chấn chỉnh một số công việc trước Đại hội Đảng các cấp. Kết luận nêu rõ: “Có nơi cấp ủy, ủy viên thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn có điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo đội ngũ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung”.Thực trạng đó xuất hiện tương đối phổ biến trong một số lãnh đạo các cấp khi đã nằm trong diện quy hoạch hoặc được cơ cấu. Không ít trong số họ bằng kiểu này hay kiểu khác giữ mình một cách không bình thường cốt để đạt được mục đích, tạo thuận lợi cho bản thân khi bầu cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm.

Biểu hiện rõ nhất thường thấy là việc gì thuận lợi thì làm, việc khó khăn thì ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí không dám đề ra kế hoạch để làm dù đó là việc tích cực. Thực tế đó đã ảnh hưởng không tốt trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, gây trì trệ phong trào chung và dễ gây ra tình trạng nhạy cảm trong từng đơn vị. Tâm lý chung là sợ làm nếu bị thất bại, không hiệu quả dễ bị “mất điểm”, cấp trên đánh giá thiếu năng lực, yếu kém... Những việc có tính chất phức tạp được “đùn”cho người khác, “đẩy” trách nhiệm chung cho tập thể, xem đó là lá chắn an toàn nhất.

Dạng thứ hai cũng có thể gọi là im lặng chờ thời, “ngậm miệng ăn tiền”. Trong cuộc họp hay trong công việc hàng ngày không dám phê bình, nhắc nhở với cấp dưới. Trong giao tiếp luôn“giữ kẽ” bất cứ chuyện gì dù đó là hoạt động chung hay sinh hoạt cá nhân. Nhiều người sợ nói ra bị hớ, không ai nghe dễ bị mất mặt, nên trong họp hành hay có kiểu ba phải, phụ họa theo số đông. Lãnh đạo cấp trên nói ra chỉ biết nghe theo, tỏ thái độ đồng tình, không dám phản biện hay góp ý theo chính kiến của mình. Phương châm lúc này là: “một điều nhịn, chín điều lành” như ông bà ta ngày xưa đã từng nói. Bản tính tự nhiên không còn như vốn có mà trở thành con người trầm tĩnh, không dám bộc lộ bất cứ điều gì, lặng im trước mọi việc. Trong sinh hoạt ở cơ quan không còn cởi mở, thoải mái, nhiều khi còn tỏ ra lấy lòng, mơn trớn với đồng cấp, kể cả cấp dưới.

Hiện tượng trên chính là tự bản thân không tự tin, còn có những non yếu về năng lực, quan hệ với anh em chưa thật lòng. Nhưng cái chính là tính đố kỵ, “ghen ăn tức ở” của số người thiếu trong sáng trong từng cơ quan. Tính ích kỷ của một số cá nhân lợi dụng tự do,dân chủ, bầu phiếu kín để lồng vào ý chí cá nhân thể hiện trong lá phiếu. Đây là cơ hội làm mất uy tín hoặc “làm cho bõ ghét” với người mình không ưa thích, không cần biết năng lực của họ ra sao. Nhiều người không dám đấu tranh góp ý công khai mà chờ cơ hội biến diễn đàn thành nơi hạ bệ đối thủ. Nguyên nhân nữa là cơ chế chưa được định lượng cho việc quy trách nhiệm, đánh giá năng lực bằng thực tế. Đó là một số lý do làm cho người trong cơ cấu phải “nín thở” trước mỗi kỳ đại hội.

Công tác cán bộ phải khách quan, chính xác

Đại hội Đảng cấp cơ sở đang đến gần cũng là giai đoạn nằm im, chờ “qua truông” của số cán bộ trong diện cơ cấu. Cần phải nhận diện đúng để chỉnh đốn tình trạng này đang tồn tại trong nhiều tổ chức cấp cơ sở và cấp trên. Hơn lúc nào hết đây chính là thời điểm đánh giá sự trung thực, bản chất thật của những người được quy hoạch. Số cán bộ này chỉ vì quyền lợi cá nhân, không phải vì tập thể, vì lợi ích chung. Những kiểu người như vậy trong từng cơ quan anh em biết rất rõ, không dám nói ra, nhưng sẽ không nể phục nếu sau này làm lãnh đạo. Đây là thực trạng hết sức nguy hại, tạo ra sự trì trệ, dễ mất đoàn kết về lâu dài.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019 của Chính phủ ngày 28/12/2018, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Phải lựa chọn những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước”. Điều đó đặt ra trách nhiệm cho cấp ủy, lãnh đạo phải xem xét khách quan, chính xác đối với cán bộ được quy hoạch. Quan trọng nhất là người cán bộ cần thể hiện vai trò, trung thực, thẳng thắn, không vì khách quan bên ngoài mà tự đánh mất bản chất thật sự của mình.

Trong tập thể lớn hay nhỏ, những người tốt, trung thực chiếm đa số. Họ sẽ là người bênh vực cho lẽ phải. Miễn sao vì cái chung cho lợi ích tập thể thì sẽ được nhiều người tín nhiệm, ủng hộ bền vững, thực chất.

NGUYỄN  AN  HÒA

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM