Thứ Năm, 01/02/2018 11:30

Nỗi đau da cam và những việc làm tình nghĩa

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề trên toàn đất nước.

Di chứng da cam và nỗi đau còn đóTrưng bày 200 hình ảnh, hiện vật về nỗi đau da cam

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề trên toàn đất nước. Hàng trăm tấn đạn bom còn sót lại trong lòng đất, trên các con sông, dòng suối; hơn 26.000 thôn, bản với diện tích đất hơn 3,06 ha bị nhiễm 80 triệu lít chất độc hóa học mà cho đến nay vẫn chưa được phục hồi nguyên trạng như giá trị ban đầu có của nó. Đau xót hơn cả là có đến 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học; trong đó, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam do 366 kg dioxin của Mỹ rải xuống các miền của đất nước ta trong 10 năm từ 1961 đến năm 1971.

Tặng quà nạn nhân chất độc da cam ở A Lưới. Ảnh: HỮU PHÚC

Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể con người; gây ung thư, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, làm tổn thương hệ thống tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và di truyền đến thế hệ thứ 2, thứ 3… Chất độc da cam/dioxin đã để lại những di chứng rất nặng nề, gây nên những nỗi đau dai dẳng, những bất hạnh, thương tâm cả về thể xác, tinh thần cho nhiều nạn nhân và gia đình của họ. Nhiều gia đình, nỗi đau này đè nặng lên cả 3 đến 4 thế hệ.

Mỗi gia đình có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng… nhưng tất cả đều có một nét chung nhất là gánh nặng tổn thất cả về cả thể xác lẫn tinh thần chưa có điểm dừng trong tương lai. Có gia đình, bố là nạn nhân chất độc da cam, chỉ sinh được 1 người con, đến nay đã hơn 30 tuổi với cuộc sống “4 tại chỗ” trong chừng ấy năm trời do di chứng da cam để lại như gia đình ông Nguyễn Văn Mễ và bà Phạm Thị Miền tại xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy.

Thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: NHQ

Có gia đình, cả 3 người con đều co quắp chân tay không thể di chuyển được, như gia đình ông Trần Văn Dưi tại xã Thượng Long, huyện Nam Đông. Lại có gia đình, sinh được 4 người con trai thì cả 4 người đều thiểu năng trí tuệ. Con đầu đã hơn 40 tuổi, cháu út hơn 16 tuổi, nhưng không biết giao tiếp là gì, chẳng hề biết đếm tiền, đếm số. Thi thoảng, họ cũng có một nụ cười, nhưng hoàn toàn là bản năng và rất vô hồn, vô cảm (gia đình ông Nguyễn Thanh Phước và bà Phạm Thị Nguyệt xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy)… Còn rất nhiều gia đình khác nữa với những nỗi đau riêng mà họ đang gánh chịu. Riêng tỉnh ta hiện nay có trên 15.800 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang còn sống.

Để “xoa dịu nỗi đau da cam”, đã có những tấm lòng hảo tâm và những việc làm đầy tình nghĩa. Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế đã tài trợ 50 triệu đồng cho Tỉnh hội NNCĐDC/ĐIOXIN Thừa Thiên Huế để giúp đỡ cho các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Và, số tiền này đã đến tận tay với 10 gia đình nạn nhân vào cuối năm 2019.

Tổ chức UB Hòa bình Việt Nam đã trao tặng 50 triệu đồng cho 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Phong Điền và TP. Huế vào cuối năm 2019. Tỉnh hội cùng với tổ chức IC tại Việt Nam, huy động được hơn 60 triệu đồng để xây dựng nhà cho gia đình ông Trần Văn Dưi ở huyện Nam Đông và đã đưa vào sử dụng vào đầu năm 2020.

Ngoài việc thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm… Tỉnh hội NNCĐDC/ĐIOXIN Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP. Huế tìm được nguồn tài trợ 45.000 USD của một tổ chức từ thiện Thụy Sỹ để xây dựng 9 ngôi nhà cho 9 gia đình thực sự khó khăn tại huyện A Lưới. Hiện, đã đưa vào sử dụng 6 nhà, còn 3 nhà đang xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý III năm nay…

Xoa dịu “Nỗi đau da cam” là việc làm nhân đạo, là tiếng nói lương tri, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Hướng về ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (10/8), chúng tôi tha thiết kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân, các nhà hảo tâm… hãy quan tâm hơn nữa về vật chất và tinh thần để giúp đỡ những nạn nhân da cam/dioxin và gia đình họ, góp phần làm giảm bớt những nỗi đau về thể xác và tinh thần cũng như cuộc sống vất vả, khó khăn mà họ đang chịu đựng.  

NGUYỄN HỮU QUYẾT

Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/ĐIOXIN Thừa Thiên Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc bánh nghĩa tình tặng người yếu thế
Chiếc bánh nghĩa tình tặng người yếu thế

Hơn 60 sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế đã trải qua một ngày và đêm 23 tháng chạp (14/1) tất bật với nhiều công việc chuẩn bị quà và làm ra nhiều chiếc bánh để tặng những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Huế.

Nỗi đau hậu chiến
Nỗi đau hậu chiến

Sáng ngày 10/8, tôi nhận được hai yêu cầu của những người chưa quen biết. Cả hai đều là nữ, quê ở miền Bắc và cho biết, sau khi đọc bài “Tấm gương dũng cảm của vị Tham mưu trưởng” (đăng trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 12/11/2020), do người thân của họ ở cùng đơn vị với nhân vật mà bài báo đề cập: Thiếu tá Võ Đại An, Tham mưu trưởng Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên-Huế nên họ đã tìm cách liên lạc với tôi nhờ giúp tìm manh mối nơi hy sinh của những người thân của họ.

Hồi sinh trên mảnh đất “da cam”
Hồi sinh trên mảnh đất “da cam”

Thống kê toàn huyện A Lưới hiện có gần 5.000 người bị nhiễm chất độc hóa học, tác động của nó đã đến thế hệ thứ 3 và thứ 4; trong đó sân bay A So là vùng đất có nhiều nhất những mất mát, đau thương.