Chủ Nhật, 24/09/2017 08:23

Nỗi lòng du học sinh ở nơi có dịch COVID-19

Trong khi làn sóng du học sinh Việt Nam khắp năm châu quay về quê hương để đảm bảo an toàn trước cơn đại dịch COVID-19, vẫn có số ít quyết định ở lại nước sở tại và tự lên biện pháp tự bảo vệ bản thân, chiến đấu với dịch bệnh nếu không may gặp phải.

Ca mắc Covid-19 thứ 123 ở Việt Nam là người trở về từ MalaysiaVấn đề chi phí xét nghiệm COVID-19 ở các nước ASEANCa mắc Covid-19 thứ 122 ở Việt Nam là 1 phụ nữ trở về từ Thái LanKhảo sát các cơ sở dự kiến cách ly dự phòngMỹ huy động 16 siêu máy tính chống Covid-19

Khung cảnh vắng lặng của đường phố nước Pháp. Cùng với người dân sở tại, các du học sinh Việt Nam nói chung, du học sinh Huế nói riêng tự bảo vệ bản thân, hạn chế đi ra ngoài. Ảnh: Đ. T

Nhiều du học sinh Huế xa xứ nằm trong số đó. Vẫn biết không trở về vào thời điểm này là quyết định vô cùng khó khăn, nhưng hầu hết các du học sinh tâm sự, hơn lúc nào hết bây giờ phải thật sự bình tĩnh, và tuyệt đối không trở thành gánh nặng cho Đất nước, gia đình.

Nước Mỹ, nơi có hàng vạn du học sinh Việt Nam, trong đó có Huế đang theo học các chương trình đào tạo khác nhau. COVID-19 không “khước từ” đất nước này khi cho thấy dấu hiệu lây lan một cách khó kiểm soát. Trước lo ngại ấy, nhiều du học sinh Huế kể rằng, hàng ngàn học sinh đã mua vé để bay về sớm nhất có thể để bảo vệ sức khỏe, trong trường hợp nếu không may nhiễm COVID-19 sẽ được điều trị ở trên quê hương, gần gia đình, người thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy. Hồ Thị Mỹ Hương (du học sinh người Huế, đang làm nghiên cứu sinh ở Ball State University, Indiana, Mỹ) là một trong số đó.

Hương kể, ban đầu mọi người không để ý nhiều về COVID-19 cho đến khi dịch bệnh lan truyền với tốc độ chóng mặt, đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong cao. “Không lâu sau, trường mình theo học cho mọi người nghỉ và chỉ học trực tuyến. Quán sá đóng cửa, người dân hạn chế ra đường nếu không có việc gì cần thiết. Và gần như du học sinh Việt Nam ở đây ai cũng chộn rộn tìm về để bay về nước”, Hương nói. Tới thời điểm này, theo Hương, chính quyền của Mỹ đã tuyên bố tình trạng thảm họa đối với một số bang, và lên kế hoạch tuyên chiến ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Câu hỏi mà mọi người thắc mắc rằng tại sao cô gái trẻ 28 tuổi không trở về như những người khác. Dù có phần hơi hoang mang khi thấy bạn bè đổ xô ra sân bay, nhưng khi bình tĩnh, cô kiên định sẽ ở lại và tự bảo vệ mình bằng các biện pháp có thể. Hương lý giải, thời điểm này, ở nơi học cô không mắc bệnh, nhưng ai biết được sẽ nhiễm khi tiếp xúc với một ai đó ở sân bay hoặc khi lên máy bay. Thay vì thế Hương quyết định ở lại Mỹ, ngay trong căn nhà của mình thuê với chiến dịch “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Tất nhiên, trước đó cô tự đi mua sắm cho mình nhu yếu phẩm có thể sử dụng nhiều tuần liền. “Đến thời điểm này, bên này không còn chủ quan như trước nữa. Người ta triển khai nhiều công tác gấp rút để ứng phó dịch bệnh, bao gồm giảm đa số các chuyến bay quốc tế và biện pháp cách ly xã hội”, Hương nói và hy vọng dịch bệnh được ngăn chặn, cũng như không quên gửi lời nhắn về gia đình quê hương để mọi người yên tâm.

Cô gái Huế, Nguyễn Đình Đăng Thư đang theo học Đại học Toulouse, Pháp không trở về, mà quyết định quyết định “ở đâu, yên đó” và lên kịch bản riêng để ứng phó với COVID-19. Ảnh: Đ. T

Cách đó hàng ngàn km, nước Pháp cũng không ngoại lệ khi phải đối mặt nguy cơ “vỡ trận” bởi đại dịch COVID-19. Hàng ngàn du học sinh Việt Nam đã bay về từ trước đó, nhưng cô gái Huế 19 tuổi, Nguyễn Đình Đăng Thư đang theo học năm thứ nhất ngành Kinh tế - Quản lý của Đại học Toulouse (nằm ở thành phố cùng tên, phía Tây Nam nước Pháp), quyết định “ở đâu, yên đó” dù gia đình đã gợi ý, và sẵn sàng chi một khoảng không nhỏ để bay về.

Anh Nguyễn Đình Dũng (một giảng viên ở TP. Huế, ba Thư) chia sẻ, ngay khi nghe tin châu Âu trong đó có Pháp trở thành tâm dịch đã tính toán phương án cho con bay trở về để phòng những điều bất trắc cũng như gần gũi gia đình, nhưng đổi lại Thư trả lời: “Yêu Tổ quốc yêu đồng bào/ ai chỗ nào ở yên chỗ ấy” là giải pháp tốt và an toàn nhất hiện nay”.

Theo cách lý giải của Thư, việc di chuyển đến sây bay, sau đó mất hơn 10 giờ bay về tới Hà Nội, sau đó tiếp tục di chuyển vào Huế chắc chắn phải tiếp xúc vô số người, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn. Đó là chưa nói, trong trường hợp nhiễm bệnh sẽ lây lan người khác, ảnh hưởng đến công cuộc chống dịch của Đất nước.

Trước quyết định đó, dù có phần hoang mang, nhưng Thư cũng đã có kịch bản riêng cho mình bằng cách chuẩn bị mọi thứ cần thiết để ở nhà tránh dịch. Ngoài ra, thực hiện các khuyến cáo, hướng dẫn, đồng thời tuân thủ tuyệt đối quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ quan chức năng nước sở tại và bám sát các nội dung khuyến cáo của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Pháp.

Đến thời điểm này, cô vẫn khỏe mạnh và rất an toàn với kịch bản do mình vạch ra. Không chỉ vậy, Thư trong vai trò thành viên Ban đối ngoại hội Sinh viên Việt Nam tại Toulouse cũng kêu gọi các du học sinh “ở đâu thì nên ở yên đó”, nên cân nhắc mọi thứ thật kỹ và phải biết cách tự bảo vệ bản thân. Các du học sinh ở lại Pháp thời điểm này thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh tại nước sở tại và ở Việt Nam thông qua page Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp và tại nơi mình sinh sống.

Trước những chia sẻ, và cập nhật từ người con gái của mình, anh Dũng chỉ biết ước nguyện: “Cầu mong mọi điều an lành sẽ đến bên các con. Mong cho thứ virus độc ác kia sớm qua mau để cuộc sống được trở lại bình thường”.

NHẬT MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.