Chủ Nhật, 27/11/2016 14:15

Nước uống từ nguyên liệu thiên nhiên

Với ý tưởng pha chế thức uống từ nguyên liệu thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, nhóm dự án “Healthy drinks” đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Business Innovation Hackathon” lần thứ 2, năm 2019 do Đại học (ĐH) Huế tổ chức.

Tập đoàn Bảo Khánh đầu tư 500 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp sinh viên cơm niêu Phước TíchNhóm sinh viên Đại học Huế đạt quán quân cuộc thi Business Ideas 2019

Nhóm dự án “Healthy drinks” đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Business Innovation Hackathon” lần thứ 2, năm 2019 do Đại học Huế tổ chức

Nhóm gồm 5 thành viên đến từ 3 trường ĐH khác nhau, thuộc ĐH Huế. Một điều thú vị là, các thành viên trong nhóm gần như chỉ bắt đầu làm quen và cùng làm việc với nhau trong 24 giờ, khi cuộc thi bắt đầu, thông qua sự kết nối từ thành viên Lê Hữu Dũng (sinh viên Khoa Dược, Trường ĐH Y dược, ĐH Huế). “Các bạn chỉ mới làm quen nên chúng em thống nhất quan điểm để có thể làm việc dễ dàng hơn, đó là tôn trọng ý kiến cá nhân và hướng đến vì mục tiêu chung của cả nhóm”, Lê Hữu Dũng cho hay.

Trong thời gian 2 giờ rưỡi, Ban tổ chức yêu cầu tìm ra ý tưởng, nhóm đã cùng thảo luận, bàn bạc nhiều ý tưởng khác nhau. Có những ý tưởng hay, vậy nhưng chưa thể khả thi trong thời điểm hiện tại nên phải bỏ qua. Cuối cùng, khi ý tưởng về việc pha chế thức uống từ nguyên liệu thiên nhiên của Nguyễn Thị An Quỳnh (sinh viên Khoa Kế hoạch đầu tư, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế) đưa ra, cả nhóm đều như được “mở cờ trong bụng”. “Em nhận thấy rằng việc tìm được các loại thức uống không đường ở Huế rất khó. Chúng em cùng nhau lập kế hoạch để đưa thị trường những sản phẩm thức uống bổ dưỡng và tạo vị ngọt từ những nguyên liệu tốt cho sức khỏe hơn”, An Quỳnh bộc bạch.

Có ý tưởng rồi nhưng muốn thuyết phục được ban giám khảo và nhà đầu tư đòi hỏi nhóm phải trình bày được kế hoạch, chiến lược, hướng đi cho sản phẩm. Theo Lê Châu Bình Uyên (sinh viên Khoa Dược, Trường ĐH Y dược, ĐH Huế), mặc dù cuộc thi là để trải nghiệm trong môi trường kinh doanh giả lập và đưa ra các giải pháp ở phiên bản mẫu trên giấy. Vậy nhưng, nếu muốn ý tưởng được hoàn thiện, cần phải kết nối với thực tế. Đó cũng là lý do để nhóm tiến hành khảo sát.

Sử dụng 3 tiếng đồng hồ ít ỏi, nhóm tiến hành khảo sát ba đối tượng khách hàng tiềm năng cho dự án của mình. Đối tượng đầu tiên là người trẻ được khảo sát qua biểu mẫu online, vừa tiết kiệm thời gian, lại phủ sóng rộng để đạt hiệu quả cao. Với nhóm người béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch là nhóm người rất quan tâm đến sức khỏe, nhóm khảo sát tại bệnh viện. Phân khúc khách hàng cuối cùng là những người hay uống café được nhóm tìm tới những quán nước, café để khảo sát.

Từ các kết quả khảo sát, nhóm đi tới thống nhất về các sản phẩm cho dự án. Theo đó, các bạn định hướng nguyên liệu sẽ là các loại ngũ cốc, trái cây sạch được trồng hữu cơ. Vị ngọt của nước uống được làm từ đường nâu, mật ong và đường kiêng từ cỏ ngọt cho người bị tiểu đường. Nguyễn Thị Tình (sinh viên Khoa Dược, Trường ĐH Y dược Huế), chia sẻ: “Chúng em hướng tới cung cấp thức uống an toàn giúp kiểm soát lượng đường trong cơ thể và là người bạn đồng hành tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho khách hàng thông qua theo dõi, tư vấn chế độ dinh dưỡng, workshop”.

Dự án được ban tổ chức đánh giá cao bởi ý tưởng các sản phẩm đồ uống từ thiên nhiên, có khả năng ứng dụng trong thực tế và nhân rộng mô hình của nhóm. Với việc giành được giải nhất, nhóm nhận được 5 triệu đồng tiền thưởng của ban tổ chức; gói ươm tạo trị giá 50 triệu đồng do Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế hỗ trợ; gói huấn luyện trị giá 6.000 USD do Tập đoàn FINO hỗ trợ. Nhóm còn được ông Phạm Bá Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đá Granit Đức Cường cam kết đầu tư 200 triệu đồng, tương ứng 20% cổ phần cho dự án.

Nguyễn Thị Thu Nguyệt, sinh viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, trưởng nhóm dự án, bày tỏ: “Chúng em muốn bắt đầu với việc mở một cửa hàng nước uống ban đầu và xa hơn, chúng em “tham vọng” sẽ phân phối các sản phẩm dạng bột cho thị trường miền Trung. Ngoài được thử sức mình trong việc lên ý tưởng, lập kế hoạch và được nhà đầu tư trợ giúp khởi nghiệp, cuộc thi còn đem lại cho chúng em những kiến thức mới, học hỏi được nhiều kỹ năng mềm và mạnh dạn hơn, dám “dấn thân” cùng đam mê”.

Bài, ảnh: Phước Ly

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Gắn với thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp hội phụ nữ ở TP. Huế đã và đang nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp
Kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp

Chiều 13/1, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo thuộc Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức hội thảo “Kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp” và ra mắt hai câu lạc bộ: Khởi nghiệp sáng tạo và Cố vấn khởi nghiệp.

Khởi nghiệp xanh
Khởi nghiệp xanh

Từ định hướng phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh của tỉnh, phong trào khởi nghiệp xanh, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang lan tỏa mạnh mẽ.