Thứ Năm, 26/07/2018 08:42

Ở nhà đón tết

Cả tuần nay, tôi cứ phân vân giữa việc ở nhà ăn tết hay cả nhà cùng đi du lịch. Là bởi cái tết của nhiều năm sau khi lập gia đình cũng xoay quanh chuyện chợ búa, cúng kỵ rồi chúc tết hai bên nội ngoại, bạn bè, chăm hai đứa con... “Nghỉ ngơi đâu chẳng thấy chỉ thấy thêm mệt” - chồng tôi nói thế khi những ngày tết còn phải tiếp khách, bạn bè lâu ngày gặp lại và kiểu gì cũng say, có khi từ 20 tháng Chạp đến mùng 5 tết không có được ngày tỉnh táo.

Bánh gói lá đon của mạ

Vì thế chúng tôi đã nghĩ đến những chuyến đi, để “trốn nhậu” và cũng là cách “trốn tết” sau khi lo xong mâm cúng giao thừa, thắp hương cho ông bà ngày mùng một tết.

Tôi cũng đã tham khảo rất nhiều tour, lại đang trong chương trình kích cầu du lịch, nên giá thành rất phải chăng. Cả gia đình 4 người nếu đi Đà Lạt hoặc Phú Quốc tầm 15-20 triệu đồng, kể cả vé máy bay khứ hồi và phòng khách sạn 4 sao... Quá ổn cho một kỳ nghỉ tết! Chúng tôi nghĩ vậy và đã định book vé. Nhưng...

Tối qua, nhóm bạn rủ nhau đến Ga Huế uống trà cũng là để bàn thêm việc đi du lịch hay ở nhà đón tết. Nhìn sân ga vắng tanh, thưa thớt người đưa đón, thưa thớt những chuyến tàu, tôi đã nghĩ về những khó khăn do đại dịch gây ra. Có lẽ vì thế mà năm nay, rất nhiều người không thể về quê ăn tết. “Mọi năm, giờ này sân ga nhộn nhịp lắm, không phải như bây giờ, khu chính đóng cửa tối om. Chỉ còn một hai cửa cho khách lên xuống ở khu nhà ga trung tâm”, chủ quán trà giọng trầm buồn như lời giải thích cho sự thưa vắng ấy.

Tôi lại nhớ đến anh bạn của mình, trong cử cà phê sáng thứ bảy, khi nói về điều ao ước trong ngày tết là được đón con trai trở về sau khi đã kết thúc 5 năm du học ở Australia. Thế nhưng, điều đó cũng chỉ có thể là ao ước bởi dịch bệnh khiến việc trở về của cậu con trai rất khó khăn. Cũng như em dâu tôi, nếu không vì dịch bệnh COVID-19, thì tết năm nay, gia đình nhỏ của em trai tôi đã được đón tết cùng nhau. “Em đã bảo vệ xong chương trình, đã được cấp bằng tiến sĩ, nhưng bây giờ đặt vé máy bay rất khó, phải mất rất nhiều thời gian và phải được sự đồng ý của đại sứ quán nữa, không biết bao giờ mới được trở về. Nhớ Huế, nhớ gia đình, nhớ tết quá...”, dòng tin nhắn của em khiến tôi nghẹn đắng. Câu chuyện giữa nhóm bạn như bị ngắt quãng, ai cũng trầm ngâm khi nghĩ về những người Việt xa quê không thể về quê đón tết.

Bất chợt tiếng loa báo hiệu có tàu chuẩn bị đến Ga Huế phá tan không khí ảm đạm ngày cuối đông. Từ sân ga, có đôi vợ chồng già vui mừng đón con gái trở về sau chuyến tàu từ Hà Nội. Họ ríu rít nói chuyện, ánh mắt ai cũng rạng rỡ khi họ nói sẽ ăn tết cùng nhau.

Lúc đó, chúng tôi cũng đã có quyết định cho mình-là ở nhà đón tết cùng ba mẹ. Dù bận rộn, dù mệt và có lẽ lại “say”, ... nhưng cái tết cùng với người thân, nhất là ba mẹ già, quê hương đất tổ vẫn luôn là cái tết đầm ấm nhất. Bởi, dù đi đâu về đâu, người Việt vẫn luôn hướng về tổ tiên, nhất là ba ngày tết dù đò giang cách trở, dù khó khăn vất vả, tốn kém... họ vẫn luôn trở về để thắp cho ông bà, tổ tiên nén hương, thăm bà con lối xóm, nấu cho ba mẹ nồi bánh chưng... Thế nên, những chuyến xe tàu ngày giáp tết luôn chật kín hành khách. Sân ga hàng không la liệt người chờ chuyến bay. Vì thế, không có lý do gì, mình không ở nhà đón tết cùng ba mẹ. Du lịch-cũng cần lắm để thư giãn, khám phá nhưng sẽ hợp hơn cho những dịp khác... Là tôi đã nghĩ thế khi nói với những người bạn và chồng mình. Cử trà hôm đó nhờ thế cũng thôi băn khoăn và đậm vị hơn.

Hồng Tâm

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.