Thứ Sáu, 26/01/2018 14:54

Ổn định nguồn cung, mở rộng thị trường

Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may đạt trên 700 triệu USD, chiếm 75% tổng KNXK hàng hóa của tỉnh, song các doanh nghiệp (DN) dệt may lại nhập gần 400 triệu USD nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ góp phần ổn định nguồn cung, mở rộng thị trường.

Xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp dệt may chuyển dịch đơn hàngDệt may Huế sản xuất trên 60.000 khẩu trang vải kháng khuẩn/ngày phòng chống dịch COVID-19

Phát triển chuỗi cung ứng sẽ giảm áp lực thiếu nguồn cung, nhất là vải phục vụ sản xuất

Khai thác tiềm năng

Dệt may được xem là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh với hơn 62 DN đang hoạt động sản xuất, trong đó có 47 DN sản xuất hàng dệt may với quy mô 400 chuyền may, khoảng 500 triệu sản phẩm may mặc và đồ lót/năm; lĩnh vực sợi có 13 DN với quy mô sản xuất 460.000 cọc sợi, tương đương khoảng 100.000 tấn sợi các loại/năm; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may có 2 DN. Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành dệt may đạt 15.300 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2018; giá trị xuất khẩu đạt 705 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Tại các khu công nghiệp (KCN), các nhà máy may chiếm ưu thế với số lượng lớn, tạo việc làm cho trên 20 ngàn lao động nông thôn. Hiện, KCN Phú Bài có 23 nhà máy đã cấp phép đầu tư, tổng vốn trên khoảng 5.600 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 64ha; KCN Phong Điền có 2 dự án (DA) với tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng; Phú Đa có 5 DA và Tứ Hạ có 1 DA.

Ngành dệt may có năng lực sản xuất hơn 500 triệu sản phẩm may mặc và 100.000 tấn sợi/năm, giúp Thừa Thiên Huế trở thành địa phương có quy mô lớn nhất trong các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng góp khoảng 42,6% giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may và khoảng 41,6% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của khu vực). Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành tạo ra thực sự rất nhỏ so với KNXK đạt được, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành dệt may chưa được chú trọng phát triển, tỷ lệ nội địa hóa bình quân chỉ đạt khoảng 40% và phải nhập khẩu tới 60%. Riêng về nguyên liệu vải, tỷ lệ nhập khẩu khoảng 70%; chỉ dừng ở khâu gia công hàng hóa chính là yếu tố làm giảm hiệu quả kinh doanh của ngành dệt may trong thời gian qua.

Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú Phạm Gia Định cho rằng, do không chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu mà chủ yếu nhập từ nước ngoài nên nhiều DN dệt may “lao đao” khi các nước xảy ra sự cố, điển hình là đợt dịch COVID- 19 khiến các DN phải đóng cửa vì không thể nhập hàng, thiệt hại lớn về kinh tế và nguy cơ lao động mất việc nếu dịch COVID- 19 kéo dài.

“Với số lượng trên 60 DN sản xuất hàng dệt may, tỉnh nên đốc thúc thành lập KCN dệt may, tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với lĩnh vực CNHT và hình thành chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trên địa bàn”, ông Định chia sẻ.

Xây dựng chuỗi cung ứng

Trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, nhuộm và hoàn tất vải là công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm rất cao. Đối với các DA thuộc lĩnh vực nhuộm hoặc DA CNHT dệt may có công đoạn nhuộm thực hiện trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng các yêu cầu không xả thải nước thải ra môi trường; khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý nước thải theo công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn Zero Liquid Discharge; phải có công nghệ tiên tiến, hiện đại, khuyến khích các DA đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương. Để đảm bảo theo các yêu cầu này, cần phải có kinh phí đầu tư lớn để thực hiện, có chính sách hỗ trợ thích đáng đối với các KCN thí điểm theo đề án.

Theo quy hoạch điều chỉnh phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu và định hướng phát triển ngành dệt may: “Công nghiệp dệt may và CNHT dệt may là ngành công nghiệp chủ lực ưu tiên phát triển” và “Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm dệt may của khu vực miền Trung”. Việc phát triển ngành CNHT sẽ làm tăng giá trị gia tăng cho ngành dệt may và giúp; ngành dệt may phát triển bền vững hơn .

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, năm 2020, sở tập trung triển khai chương trình phát triển CNHT, tạo động lực và bước đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh, đặc biệt là CNHT ngành dệt may; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mới đưa vào sản xuất hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất. Đồng thời tăng cường xúc tiến, vận động đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp, khuyến khích đầu tư các DA sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ngành công nghiệp dệt may và tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy dệt may về các vùng nông thôn.

Thí điểm thành lập KCN dệt may

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Thừa Thiên Huế là địa phương có quy mô lớn nhất trong các tỉnh khu vực miền Trung -Tây Nguyên về ngành dệt may, cần có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển mạnh các ngành CNHT, sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm trong ngành, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội địa phương.

Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, có đề cập đến “phân khu công nghiệp” và được định nghĩa phân KCN là một phần diện tích của KCN với ranh giới được xác định, phù hợp với quy hoạch xây dựng của KCN, chuyên sản xuất và thực hiện dịch vụ cho sản xuất trong một số lĩnh vực công nghiệp nhất định. Việc lựa chọn thí điểm thành lập, phát triển một số KCN có hệ thống xử lý chất thải tập trung cho ngành dệt may là cần thiết và phù hợp.

Tháng 6/2020, UBND tỉnh đã xây dựng đề án phát triển KCN hỗ trợ tại KCN Phong Điền với diện tích khoảng 350 ha, bao gồm 56 ha đất thuộc DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật của Công ty C&N Vina Huế, 180 ha đất thuộc DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật của Tổng Công ty Viglacera và 114 ha đất chưa có đơn vị kinh doanh hạ tầng, định hướng ưu tiên ngành công nghiệp dệt - nhuộm - may, công nghiệp may thời trang, CNHT, phụ trợ cho ngành dệt may. Đề án đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và đồng ý chủ trương thành lập thí điểm KCN dệt may.

Ông Sơn cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư thứ cấp có nhu cầu đầu tư ngành nghề nhuộm tại KCN Phong Điền với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, KCN Phong Điền có vị trí thượng nguồn của Nhà máy cấp nước sinh hoạt Hòa Bình Chương và đầm phá Tam Giang và chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hồ chỉ thị sinh học theo quy định nên trong giai đoạn hiện nay, việc cấp phép đầu tư DA dệt may, hỗ trợ dệt may, nhuộm tại KCN Phong Điền cần phải có đánh giá tổng thể về tác động môi trường.

Ban đã tổ chức đoàn công tác để tìm hiểu thực tế về công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn của các nhà máy tại KCN có ngành nghề nhuộm. Tuy nhiên, qua đánh giá, chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn lớn, chi phí xử lý nước thải cao làm cho giá thành sản phẩm dệt, nhuộm tăng cao, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư các dự án vào KCN Phong Điền nên các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa quyết định đầu tư.

Qua rà soát, trường hợp được đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung sử dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn có tính khả thi thì việc hình thành KCN dệt may là cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp và định hướng phát triển ngành CNHT dệt may của tỉnh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển ngành CNHT dệt may, phục vụ các DA sợi, may mặc đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng dệt may, tỉnh đề xuất xây dựng đề án thành lập thí điểm KCN hỗ trợ ngành dệt may tại huyện Phong Điền.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.