Thứ Tư, 25/05/2016 12:33

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa - ẩm thực

Nằm trong các hoạt động của Cuộc thi Nghệ nhân Trà Thế giới (Tea Masters Cup International), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch ẩm thực - nông nghiệp và xây dựng văn hóa thương hiệu chè Việt Nam”.

Cuộc thi “Nghệ nhân trà thế giới 2018”: “Làm xiếc” với tràThưởng thức cách pha trà độc đáo từ các quốc giaĐại diện 18 quốc gia tham dự cuộc thi Nghệ nhân trà thế giới

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thưởng thức trà bên lề hội thảo

Đến dự có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tiềm năng phát triển

Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam an toàn, bền vững, hiệu quả, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Riêng đối với ngành chè có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khi có nhiều giống chè, các sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng chung của thế giới.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc phát triển nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng không chỉ gói gọn trong các sản phẩm mà còn kết hợp phát triển du lịch để có hướng đi lâu dài. Bộ đang khuyến khích quy hoạch những vùng nông nghiệp sạch, sản xuất tập trung, có cảnh quan đẹp, đồng thời, xây dựng thêm các dịch vụ hỗ trợ để thúc đẩy phát triển du lịch, đưa du khách đến tham quan. Từ việc thúc đẩy du lịch, tạo ra tác động trở lại khi giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản, quảng bá rộng rãi và tăng khả năng nhận diện thương hiệu trong và ngoài nước.

Giới thiệu các loại trà ngon đến các đại biểu tại hội thảo

Đối với Huế, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Du lịch, du lịch nông nghiệp sinh thái đang dần trở thành một “món ăn lạ”, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống. Một số tour du lịch gắn với nông nghiệp đã được hình thành thời gian qua, như tham quan nhà vườn ở Phú Mộng – Kim Long hay ở vùng Thủy Biều – Lương Quán; tour tham quan cầu ngói Thanh Toàn và trải nghiệm sinh hoạt nông thôn; tour thăm làng rau La Chữ; tour tham quan trang trại rau má ở Quảng Thọ; tour trải nghiệm hoạt động ngư nghiệp ở Đầm Chuồn và làng ngư Mỹ Thạnh.

Ở Huế một số đặc sản có thương hiệu đang được phát triển góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp như gạo đỏ ở Quảng Điền, thanh trà Huế, tôm chua Huế, rau má Quảng Thọ, cây vả Phú Lộc. Một số vườn chuyên canh cây đặc sản nổi tiếng như bưởi, thanh trà có thu nhập khá lớn ở phường Thủy Biều, Hương Vân, Phong Thu… cũng là cơ sở để du lịch phát triển. Riêng đối với sản phẩm chè, Huế có một số sản phẩm nổi tiếng, như chè Tuần, chè Truồi. Huế cũng có một số sản phẩm trà uống khá độc đáo, khác biệt so với nhiều địa phương khác, như trà rau má Quảng Thọ, trà vả Lộc Mai,… từ vùng nguyên liệu có sẵn ở địa phương huyện Quảng Điền và Phú Lộc. Đặc biệt, Huế một số sản phẩm trà được chế biến theo kiểu riêng, như trà Cung đình, trà sen Huế, trà Mộc, ngự trà, trà thảo dược…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đánh giá, Huế là địa phương có thế mạnh về du lịch ẩm thực trong cả nước. Huế đang triển khai Đề án “Kinh đô Ẩm thực”, trong đó, chú trọng xây dựng bảo tàng về ẩm thực, nghiên cứu và thúc đẩy những vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, an toàn để đáp ứng và thúc đẩy du lịch ẩm thực gắn với nông nghiệp phát triển.

Du khách tham quan và trải nghiệm trồng hành lá với nông dân La Chữ (Hương Chữ, Hương Trà)

Văn hóa - ẩm thực - nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, đối với Huế, dù nông nghiệp chưa phải là thế mạnh để phát triển kinh tế và du lịch như một số địa phương khác, nhưng với lợi thế về di sản văn hóa, thiên nhiên và sinh thái của mình, nhất là có văn hóa ẩm thực danh tiếng từ lâu, Huế vẫn có khả năng phát triển mảng du lịch nông nghiệp gắn với yếu tố văn hóa, nhất là với ẩm thực; qua đó, hình thành các tour du lịch gắn với trải nghiệm ẩm thực, tham quan các nhà vườn và các làng nông nghiệp gần thành phố, làng ngư nghiệp vùng đầm phá.

Để cụ thể hóa những tour du lịch “văn hóa - ẩm thực – nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trước tiên Huế cần phát triển vùng nguyên liệu cho các sản phẩm nông nghiệp gắn với ẩm thực Huế, như thanh trà, sen, rau má, trái vả, cam, nguyên dược liệu...; xem xét định hướng chọn một số sản phẩm đặc trưng liên quan đến ẩm thực Huế, nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị; thí điểm tổ chức triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp dịch vụ trải nghiệm đạt chuẩn đón khách du lịch để mở các tour, tuyến, điểm du lịch nông nghiệp.

Theo kinh nghiệm của các đại biểu chia sẻ, Huế cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp được lựa chọn, khuyến khích nông dân tham gia và tăng cường tuyên truyền giúp các nông dân có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, có như vậy mới phát triển được mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Đến Huế, đạp xe quanh các làng quê và trải nghiệm làm nông dân được du khách thích thú

Ông Ramaz Chanturiya, Chủ tịch Hiệp hội Chè Nga cho hay, cái khó nhất đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung và trà nói riêng là thương hiệu. Hiện nay, có rất nhiều du khách đi du lịch không chỉ để biết mà còn khám phá ẩm thực. Chẳng hạn như khách Nga, nhiều người đam mê trà, họ đi để khám phá các loại trà ngon trên thế giới, xem cách trồng, chế biến và có thể trải nghiệm các công đoạn chế biến. Do đó, để thu hút du khách thì trước tiên phải xây dựng được thương hiệu chè, quảng bá để du khách biết Việt Nam nói chung và Huế nói riêng nổi tiếng về chè. Mở rộng ra, các cùng chuyên canh nông nghiệp khác cũng cần thương hiệu.

Hiện nay, phát triển du lịch bền vững là một giải pháp hàng đầu đối với các quốc gia thế giới. Việc quan tâm phát triển du lịch ẩm thực - nông nghiệp gắn với văn hóa ở Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung sẽ là một trong những mô hình phát triển du lịch bền vững, giúp địa phương vừa đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, thông qua các hoạt động du lịch vừa góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan, di sản cũng như thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu. Việc vận dụng loại hình du lịch xanh – du lịch nông nghiệp gắn với du lịch di sản văn hóa phù hợp với Huế, theo tiêu chí di sản văn hóa được bảo tồn, cảnh quan môi trường và lịch sử được gìn giữ và tôn trọng, con người thân thiện và các hoạt động dịch vụ đậm giá trị văn hóa truyền thống là hướng đi đúng trong tương lai.

Bài, ảnh: Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.