Chủ Nhật, 24/09/2017 06:30

Phòng chống COVID-19 bằng y học cổ truyền

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã đưa ra những bài thuốc quý trong y học cổ truyền Việt Nam giúp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm trong khám, điều trị y học cổ truyền

BS Y học cổ truyền thăm khám cho người bệnh

Theo y học cổ truyền, bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 thuộc phạm vi “Ôn dịch” của học thuyết “Ôn dịch học” và có tên “Cảm mạo ôn bệnh”. Ngoại cảm ôn bệnh là tên gọi chung của những bệnh ngoại cảm với những đặc điểm: khởi phát với phát sốt, bệnh cảnh thiên về nhiệt, diễn biến theo quy luật, bệnh thường cấp tính, diễn tiến nhanh và bệnh cảnh thường nặng. Bệnh thường lây nhiễm nhanh và khi phát bệnh thành dịch thì được gọi là “Ôn dịch”.

Nguyên nhân gây bệnh do mùa đông cảm nhiễm phong hàn chưa đủ sức gây bệnh thành phục tà, đến mùa xuân gặp các yếu tố thuận lợi phát thành dịch lệ. Tà khí theo đường phế vệ hoặc vào miệng, hầu họng vào phế. Tùy theo chính khí của mỗi người, hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm..., mà có thời gian phát bệnh, thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau.

Ban hành theo Công văn số 1306/BYT-YDCT ngày 17/3/2020 về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết về các bài thuốc giúp phòng và điều trị bệnh COVID-19. Tùy tình trạng bệnh lý và diễn biến bệnh theo y học cổ truyền chia thành 3 giai đoạn, gồm: khởi phát, toàn phát và phục hồi. Mỗi giai đoạn bệnh, y học cổ truyền có phương pháp điều trị khác nhau và áp dụng tại các bệnh viện tùy theo điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giai đoạn khởi phát là bệnh ở thời kỳ đầu phong hàn xâm phạm vào bì mao và phế vệ. Người bệnh bắt đầu phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác. Với phương pháp điều trị sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái, Bộ đưa ra cách dùng một trong các bài thuốc, gồm: Bài 1: Ngân kiều tán, bài 2: Ngân kiều tán gia giảm, bài 3: Sâm tô tán, bài 4: Nhân sâm bại độc tán và bài 5: Hạnh tô tán.

Ở giai đoạn toàn phát, bệnh có thể biểu hiện ở khí phận hay dinh phận. Nhiệt tà nhập vào những vị trí khác nhau nên xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Bệnh nhân sốt, phiền khát, phiền táo, bất an, ho đờm đặc vàng, khó khạc. Khí suyễn, có thể ho ra máu, tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc nhớt, mạch hoạt sác. Với phương pháp điều trị tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn, Bộ hướng dẫn cụ thể các bài thuốc tùy theo dạng bệnh biểu hiện ở phần khí, hay bệnh biểu hiện ở phần dinh âm. Giai đoạn này tương đương với Tây y là bệnh đã được xác định dương tính với COVID-19 và các chức năng sinh tồn đã chuyển biến xấu. Nếu người bệnh có thể phục hồi, phương pháp y học cổ truyền tiếp tục tùy theo những biểu hiện khác nhau, tùy theo đó để có ứng dụng những bài thuốc điều trị khác nhau.

Ngay khi nhận được công văn của Bộ Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế đã họp bàn để chọn những bài thuốc phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị để triển khai có hiệu quả. Theo đó, bệnh viện đã chọn một bài thuốc cho giai đoạn dự phòng; 2 bài thuốc số 4 Nhân sâm bại độc tán và bài số 5 Hạnh tô tán cho giai đoạn khởi phát. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân đã có biểu hiện hô hấp khó thở, sẽ an toàn hơn nếu được Tây y can thiệp nhanh, nên Bệnh viện Y học cổ truyền chỉ chọn một bài thuốc dự phòng.

Theo ThS. BS. Trần Đức Sáo, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế, giai đoạn phòng bệnh là quan trọng nên bệnh viện đã chọn một bài thuốc gồm có ba vị thông thường mà thị trường ở Huế cũng có thể đáp ứng tốt nguyên liệu thuốc. Bệnh viện cũng sẽ sớm triển khai chế bài thuốc này như một sản phẩm trà, phân phối qua các nhà thuốc để người dân có thể sử dụng. Hiện tại, Bệnh viện Y học cổ truyền chưa có kế hoạch thu dung điều trị những bệnh nhân dương tính với COVID-19, hoặc cách ly y tế đối với các đối tượng F1. Tuy nhiên, cả 9 trung tâm y tế cấp huyện đều đã có khu cách ly y tế đối với các trường hợp có nguy cơ cao, nên bệnh viện sẽ chuẩn bị sẵn sàng các phương án để hỗ trợ tư vấn khi các đơn vị cần.

“Chúng tôi rất tâm đắc với bài thuốc dùng dự phòng nhằm hỗ trợ hạn chế sự lây nhiễm của dịch bệnh. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đây là bài thuốc chỉ hỗ trợ nâng cao khả năng dự phòng của mỗi người, hoàn toàn không phải là bài thuốc chống lại sự lây nhiễm của COVID-19”, ThS. BS. Sáo nói thêm.

 Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.