Thứ Ba, 28/06/2016 06:45

Phong Điền hướng đến sản xuất nông sản sạch

Mới đưa vào sản xuất trong vài năm trở lại đây, nhiều mô hình nông sản sạch tại huyện Phong Điền đã được người sản xuất lẫn người tiêu dùng đón nhận.

Coi trọng nông nghiệp hữu cơĐưa nông sản Việt sạch đến tận tay người tiêu dùngPhong Điền: Hướng đến nền sản xuất nông sản sạch

Mô hình trồng rau sạch ở xã Điền Lộc

Rau và lúa hữu cơ

Điền Lộc là vựa rau của huyện Phong Điền. Nơi đây có 350 hộ gia đình trồng rau với diện tích 50ha. Năm 2016, bốn hộ gia đình tham gia trồng 3.000m2 rau hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả khả quan. Năm 2018, được sự hỗ trợ kinh phí từ huyện, xã và HTX Nông nghiệp Điền Lộc, thêm 11 hộ nông dân đưa vào sản xuất 3.800m2 rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Nhất Đông. Đến nay, sản phẩm rau vùng này bao gồm: xà lách, ngò rí, cải ăn lá, rau dền, dưa leo, mướp đắng, ớt,... được Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert (Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Dương Thái, thôn 1, xã Điền Lộc cho biết, cuối năm 2017, đầu năm 2018 gia đình anh đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà lưới để trồng rau sạch theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP.

Trong quá trình sản xuất, gia đình anh không phải tiếp xúc với các loại hóa học từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Sản phẩm làm ra được người dân đón nhận. Có người tìm mua tại vườn hoặc anh đem bán ở các chợ trong huyện và tỉnh Quảng Trị. Giá cả bước đầu chưa cao hơn giá rau bình thường, nhưng anh tin chắc rằng về lâu dài, người tiêu dùng sẽ biết nhiều và sản phẩm rau sạch gia đình anh làm ra sẽ có giá trị hơn.

Năm 2016, HTX Nông nghiệp An Lỗ (Phong Hiền) đã đưa vào sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 24ha và năm 2018 tăng lên 32ha.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ cũng là 1 trong gần 100 hộ dân sản xuất lúa hữu cơ cho biết, bước đầu sản xuất lúa hữu cơ, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên người rất an tâm trong sản xuất. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không còn tồn đọng trong đất giúp cải thiện môi trường.

Ông Hồ Hữu Hũng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc khẳng định, bước đầu triển khai mô hình rau sạch, lúa sạch, người dân vẫn còn e ngại. Tuy nhiên, xã đã tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ bước đầu và người dân cũng thấy được các lợi ích về lâu dài nên đã tích cực đăng ký tham gia sản xuất nông sản sạch. Hiện nay, đã có thêm 29 hộ dân tham gia đăng ký trồng rau sạch với diện tích 1ha.

Đồng hành cùng người dân

Để giúp bà con phát triển mô hình này, huyện đã hỗ trợ 180 triệu đồng giúp các hộ dân đúc 600 cọc bê tông, bà con đầu tư kinh phí rào lưới xung quanh và bên trên để đưa vào sản xuất trong năm 2019. Về lâu dài, huyện, xã sẽ liên kết với một số cửa hàng rau sạch ở TP. Huế và các trường mầm non trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ cho hay, để đồng hành với bà con nông dân trong sản xuất lúa hữu cơ, HTX đã đảm nhận từ khâu gieo mạ, cấy; đồng thời cung ứng vật tư như: phân hữu cơ, thuốc sinh học.

HTX chủ động trang bị 2 máy làm cỏ giúp bà con thuận tiện hơn trong khâu chăm sóc lúa; ký hợp đồng thu mua với bà con nông dân ngay từ đầu vụ lúa tươi và khô; phụ trách mảng xay xát, chế biến ra gạo, bán cho người tiêu dùng. So với giá lúa thông thường, gạo hữu cơ cao hơn giá gạo thường từ 1.500-2.000 đồng/kg. Năm 2019, HTX sẽ nâng diện tích lên 44 ha/năm với 102 hộ tham gia.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và hướng đến năm 2025, thời gian qua huyện Phong Điền đã tích cực triển khai môt số mô hình sản xuất nông sản sạch, chú trọng đến một số cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Năm 2017-2018, Phong Điền đã liên kết với các DN Quế Lâm, Huế Việt, Huế Xưa, Hưng Cúc (Thái Bình)… để sản xuất 58ha/năm lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao ở các xã Phong Hiền, Điền Lộc, Điền Hòa; triển khai gần 1ha rau các loại ở xã Phong Hiền, Phong An; 5ha bưởi, thanh trà tại xã Phong Thu theo quy trình VietGAP; sản xuất lúa theo hướng VietGAP trên 2.000ha ở các xã Hòa-Bình-Chương và vùng Ngũ Điền. Đồng thời triển khai mô hình nuôi gà thảo dược ở bản Hạ Lang (Phong Mỹ) với số lượng gần 1.000 con; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng không dùng chất kháng sinh ở các xã vùng Ngũ Điền…

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phong Điền thông tin: Năm 2019 và các năm tiếp theo, huyện tiếp tục chỉ đạo nông dân sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, trước hết là sản xuất theo hướng VietGAP; triển khai nhiều mô hình sản xuất hữu cơ. Huyện và các đơn vị sản xuất sẽ mời gọi các DN tiếp tục liên kết để thu mua sản phẩm sạch đã sản xuất; đồng thời tiến hành đăng ký thương hiệu, mã vạch,... cho sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp sạch.

Năm 2019 và những năm tiếp theo, Phong Điền tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất, dồn điền đổi thửa để sản xuất theo cánh đồng lớn lúa, lạc, rau, cây ăn quả… theo hướng an toàn. Theo đó, duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ, mở rông diện tích lúa theo hướng VietGAP; triển khai mô hình sản xuất cây lạc, đậu đỗ, cây ăn quả tại vùng Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, thị trấn Phong Điền...; tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã Phong An, Điền Lộc, Điền Hải... Đồng thời triển khai mô hình chăn nuôi lợn sạch tại các trang trại ở Phong An, Phong Chương, Phong Hiền, Điền Hoà, tiếp tục mở rộng mô hình nuôi gà thảo dược; liên kết với Công ty cổ phần CP nuôi tôm theo công nghệ sạch...

Hải Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM