Thứ Sáu, 03/04/2015 12:51

Phong Điền: Phát triển kinh tế vùng cát nội đồng

Vùng cát trắng nội đồng các xã Phong Chương, Phong Hòa, Phong Hiền (Phong Điền) đang phát triển nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này cần sự đầu tư về cơ sở hạ tầng.

Gia trại bò của hộ gia đình ông Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Ban, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền

Đến xã Phong Chương ai cũng biết mô hình kinh tế VACR của ông Hoàng Phương Tứ Bình, trú tại thôn Mỹ Phú. Năm 2005, dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát là tiền đề cho gia đình ông thành lập trang trại (TT).

Ông tự bỏ tiền để kéo hệ thống đường dây điện dài 1,1km từ thôn Đức Phú, xã Phong Hòa về khu TT; đồng thời mở rộng diện tích lên 11ha để phát triển chăn nuôi heo, bò, dê, bồ câu, thỏ, cá… Năm 2010, ông Bình gặt hái thành công ban đầu từ mô hình TT.

Thời gian heo còn được giá, lúc cao điểm ông nuôi từ 150 – 200 con, mỗi năm khoảng 3 lứa và tự cung cấp giống cho mình. Sau khi heo rớt giá, ông nuôi ít hơn; đồng thời chuyển sang các con vật khác như thỏ, dê, bò, chim bồ câu, cá với số lượng lớn. Tổng doanh thu mỗi năm của gia đình khoảng 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi vài trăm triệu đồng/năm.

Năm 2014, ông Lê Văn Hậu nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Giang 2ha đất và đầu tư 50 triệu đồng để thành lập TT. Bước đầu, ông Hậu thả nuôi 1.500 con chim cút đẻ trứng, 300 con gà, 10 con bò. Hiện ông đang cải tạo 2 hồ để nuôi cá.

Anh Hoàng Công Tấn, thôn Cao Xá, xã Phong Hiền mở gia trại (GT) chăn nuôi bò. Trên diện tích, 0,5 ha, anh Tấn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng 2 khu nhà để nhốt bò và bỏ rơm, phòng khi bò không có thức ăn. Anh thuê thêm một số diện tích đất để trồng cỏ, nuôi từ 30 con bò thịt trở lên. Cứ gối nhau, bò xuất chuồng thì anh lại bổ sung con mới. Hàng năm, từ GT bò cho gia đình anh doanh thu hàng trăm triệu đồng, lãi ròng khoảng gần 100 triệu đồng.

Ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho rằng, vùng cát nội đồng trên địa bàn xã Phong Hiền hơn 2.000ha rất có tiềm năng trong chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài diện tích đất của các hộ dân đang canh tác từ trước đến nay, xã đã quy hoạch trên 30 ha để làm TT. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, điện vào khu vực sản xuất vẫn đang còn thiếu. Các khu vực: Triều Dương, Hương Long-Thượng Hòa, Cao Ban- Nam Lợi còn thiếu 7 trạm điện và các đường liên thôn, đường vào khu vực sản xuất.

Người dân mong muốn các cấp đầu tư thêm về hạ tầng cho các vùng này nhằm giúp cho việc sản xuất, chăn nuôi được thuận lợi.

Ông Lê Viết Phước, Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, mặc dù vùng cát nội đồng có nhiều tiềm năng trong phát triển TT, GT. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều đất bỏ hoang hoặc trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả. Hiện nay, xã đã khảo sát, kêu gọi đầu tư hệ thống điện với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng, bao gồm 1 trạm biến áp và hệ thống đường dây…; sắp tới, tiếp tục khảo sát để kêu gọi đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho vùng quy hoạch TT. Xã đã có đề án để phát triển sản xuất cho vùng cát nội đồng đến năm 2020 với tổng kinh phí 7,3 tỷ đồng. Ngoài ngân sách Nhà nước thì doanh nghiệp và người dân cùng đóng góp để phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, điện, nước…

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Phong Hòa, Phong Chương, Phong Hiền xây dựng quy hoạch cho vùng đất cát nội đồng. Huyện cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào đất vùng này để phát triển các mô hình GT, TT. Trong đó, doanh nghiệp sẽ cùng góp sức với các xã, huyện để xây dựng hạ tầng về giao thông trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, huyện đã kêu gọi sự hỗ trợ của tỉnh, của ngành điện để làm hạ tầng vùng ngoài hàng rào khu quy hoạch, bởi ngân sách của huyện đang còn hạn hẹp. Hướng đến, xây dựng hạ tầng đồng bộ cho khu quy hoạch TT, GT vùng cát nội đồng để người dân yên tâm làm ăn sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình.

Thống kê tại 3 xã vùng cát: Phong Chương, Phong Hòa, Phong Hiền có 60 gia trại, trang trại, với diện tích gần 400ha; trong đó, Phong Chương có 32 trang trại, Phong Hòa có 19 trang trại, Phong Hiền có 9 trang trại, gia trại, hầu hết cho thu nhập ổn định, ít nhất gần 100 triệu đồng/năm; nhiều nhất gần 2 tỷ đồng/năm.

Bài, ảnh: HẢI HUẾ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt
Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt

Công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022 cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019, với 69 đường bay đã được tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vậy, nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.