Phóng viên Đài Truyền thanh Hương Trà (ngoài cùng bên phải) trong một lần tác nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: LT
Đài nằm ngay tại phường Thủy Phương quê tôi, ngày phát ngày không do phụ thuộc vào điện lưới quốc gia lúc ấy rất phập phù. Tôi về công tác ở đài đúng vào dịp vừa tách ra khỏi Phòng Văn hóa Thông tin huyện. Đài có 10 người, bao gồm 2 bộ phận nội dung và kỹ thuật. Tôi được phân công lo công việc phóng viên - biên tập. Nằm giữa cánh đồng Thanh Lam, đặc biệt là mùa đông, những ngày tháng đầu tiên ở đài da diết buồn. Buổi sáng mấy anh em tập trung uống nước, rồi tranh thủ việc tư nhiều hơn việc công. Người đi chụp ảnh, kẻ ra đồng tranh thủ, người thì phụ giúp vợ buôn bán… Thỉnh thoảng, đài tổ chức chiếu video làm "kế hoạch 3".
Dạo ấy là thời điểm cuối cùng của thời bao cấp. Các đơn vị sản xuất của huyện Hương Phú tập trung xung quanh thị trấn Phú Bài còn nhiều hơn số doanh nghiệp Nhà nước ở Huế hiện nay. Nào là Công ty Thương nghiệp, Công ty Ngoại thương, Công ty Vật tư tổng hợp, Xí nghiệp Vận tải thủy bộ… Còn các hợp tác cũng cả loạt: mây đót, cơ khí, mộc, tàu thuyền… Rồi các hợp tác nông nghiệp nữa, ui chao tha hồ. Cứ việc có nhà báo tới viếng là được lên đài, dễ òm. Nói chung không thiếu những điểm đến cho phóng viên đài huyện chúng tôi đi cơ sở. Đi cơ sở được cung cấp tư liệu viết tin bài, được mời thuốc lá Hoa Cúc, khi sộp còn có cả thuốc ba số. Rồi được mời ăn trưa, được uống bia… Nói chung là sướng lắm, sướng lắm!
Làm phóng viên đài huyện nhưng tôi lại không thích nghe đài và sợ người bàn chuyện về đài. Không ưa nghe đài là bởi cái giọng đọc của tôi, nhiều người chê. Đã từng có người hỏi tôi, rứa eng mô đọc trên đài mà dở rứa hè. Tôi gãi đầu, ậm à ậm ực cho qua chuyện. Còn không ưa nghe chuyện về đài là bởi có không ít người cứ mỗi khi gặp anh em chúng tôi là gắt gỏng và phàn nàn, rằng loa đài ồn ào quá, mới sáng sớm mà đài đã cứ rẹc rẹc, rồi bảo sao lại “chõ” cái loa vào nhà tôi mãi rứa hè.
Mấy chục năm gắn bó với nghề báo nhưng chưa bao giờ tôi được sống trong không khí “hừng hực lửa” như cái dạo làm ở đài huyện vào đúng thời điểm đổi mới. Bấy giờ ở Bình Trị Thiên, Tạp chí Sông Hương, Báo Dân hay Đài Phát thanh Bình Trị Thiên đều “nóng lên” bởi vấn đề chống tiêu cực. Các nhà báo của tỉnh tỏa về các địa phương. Ở Hương Phú, chúng tôi đóng vai trò con thoi, liên tục đưa các nhà báo tỉnh “oanh kích”. Nhiều vụ việc tiêu cực của huyện do anh em tôi phát hiện đã được đưa ra công luận.
Được chừng hơn 5 năm công tác ở Đài Truyền thanh huyện, sau đó chia huyện đài nhập vào Phòng Văn hóa Thông tin Hương Thủy thì tôi chuyển công tác. Mấy mươi năm rồi, cứ mỗi lần có việc đi ngang qua cánh đồng Thanh Lam, không như ngày nào ảm đạm, giờ đã ngày một khang trang, tôi lại nhớ đến những tháng ngày làm phóng viên đài huyện. Hiểu nôm na, cũng viết bài, viết tin, quay phim, cũng làm biên tập, cũng được xếp vô ngạch bậc của ngành này nhưng so với một phóng viên chuyên nghiệp lại chịu lắm thiệt thòi bởi vẫn thiếu sự chính danh và bởi phải làm công việc như một anh chàng “thợ đụng”.
Đan Duy