Chủ Nhật, 14/10/2018 14:50

Phục hồi giống quýt Hương Cần

Giống quýt Hương Cần từ lâu nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, sau đợt lũ cuối năm 2020, giống quýt này đang gặp khó khăn trong việc phục hồi.

Bảo tồn giống quýt Hương Cần

Anh Hồ Đăng Lào bên gốc quýt còn sót lại sau lũ

Thăng trầm

Xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) nói chung và làng Hương Cần nói riêng từ lâu nổi tiếng với đặc sản “quýt Hương Cần quê ta vẫn ngọt”. Thứ trái cây vàng ươm, thơm ngọt ấy được người dân xem như “báu vật” của làng, từng một thời tiến vua, bấy lâu nay vẫn là nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở làng Hương Cần.

“Giờ vườn quýt rộng 1 ha của gia đình đã mất trắng. May mắn trong vườn của họ hàng vẫn còn 3 cây. Cả làng giờ cũng chỉ còn độ 7-8 cây”, anh Hồ Đăng Lào, người làng Hương Cần, bắt đầu câu chuyện. Vườn quýt của gia đình anh Lào đã truyền được bốn đời, nổi tiếng với việc bảo tồn giống quýt tiến vua Hương Cần.

Vào tháng 10 vừa qua, Thừa Thiên Huế hứng chịu đợt lụt bão lớn. Trong đó, làng Hương Cần là một trong những điểm ngập úng nặng.

“Quýt Hương Cần có đặc điểm khác với các loại quýt khác là chín vào tháng 10-11. Năm rồi đang vào mùa quýt, chuẩn bị thu hoạch thì thiên tai ập đến. Biết bao nhiêu công sức chăm sóc, chờ ngày thu hoạch kiếm thêm ít thu nhập. Nhìn cả vườn quýt ngập trong nước mà tôi không kìm được nước mắt”, anh Lào bộc bạch. Không thể thu hoạch quýt và bán như dự kiến, gia đình anh Lào thiệt hại hơn 700 triệu đồng.

Với số lượng cây ít ỏi còn lại, giống quýt Hương Cần gặp khó khăn trong việc phục hồi. Tuy vậy, trong quá khứ, đã không ít lần giống quý tiến vua này trải qua những khó khăn như vậy. “Từ ngày bé, tôi đã được nghe ba kể về những ngày sâu bệnh hoành hành, cả vườn quýt của ông cố bị bệnh, chết gần hết, chỉ còn lại vài cây. Ông cố đã chăm chút, bắt sâu để cứu sống từng cây, sau đó nhân giống bằng cách chiết cành để lưu giữ “báu vật” của làng, truyền lại cho con cháu”, anh Lào tâm sự.

Đến thời chiến tranh, bom đạn tàn phá nên quýt Hương Cần cũng chỉ còn vài gốc. Một lần nữa, ba và ông nội anh Lào lại chăm chút, nhân giống lên cho bà con trồng. Gần nhất, trận lũ năm 2005 làm cho cả làng ngập úng, vườn quýt của nhà anh Lào và của cả làng chết gần hết, chỉ còn mấy cây. Dù trải qua nhiều biến cố nhưng làng Hương Cần vẫn nổi tiếng với những vườn quýt xanh mơn mởn bên bờ sông Bồ.

Nỗ lực phục hồi

Ông Hoàng Trọng Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết, hiện trên địa bàn xã có 12ha trồng giống quýt Hương Cần. Tuy vậy, đợt bão lũ vào tháng 10/2020 đã gây thiệt hại đến 11,8ha. “Hiện nay, số cây quýt Hương Cần còn sống trên địa bàn xã không nhiều, chỉ còn khoảng trên dưới 20 cây và nằm rải rác ở một số vườn trên địa bàn xã.”, ông Hiệu cho hay.

Việc phục hồi lại giống quýt Hương Cần sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn rất nhiều thời gian. May mắn thay, trước lúc thiên tai ập đến, vào tháng 9/2020 đã có một nhóm sinh viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế đến xã Hương Toàn xin thực tập về phương pháp nhân giống bằng chiết cành. Từ đó, cây quýt Hương Cần có thêm 370 gốc dự trữ.

“Dự kiến trong thời gian tới, xã sẽ phân chia 370 gốc quýt này cho các vườn để ươm cây, tái tạo vườn quýt. Đồng thời, vận động bà con tiếp tục chăm sóc và nhân giống, nhằm phục hồi cả về chất và lượng với giống quýt quý này”, ông Hiệu chia sẻ.

Quýt Hương Cần ngon nổi tiếng nhưng khó tính. Cây quýt ưa ẩm và nhiều ánh sáng mặt trời. Nắng quá cũng chết vì thiếu nước tưới, mưa nhiều quá hoặc bị ngâm lũ cũng chết vì úng nước. Do đó để phục hồi và bảo tồn cây quýt Hương Cần không phải chuyện một sớm một chiều mà cần có sự chung tay của mọi người.

Thân phận cây quýt như thân phận của làng qua mỗi biến cố của đất nước, vì vậy trải qua bao nhiêu thăng trầm, người làng Hương Cần vẫn cố gắng bảo tồn cây quýt Hương Cần. Những vườn quýt thơm ngọt được tái sinh sau mỗi lần lụi tàn, cũng như ý chí vươn lên vượt qua thiên tai, nghịch cảnh của người dân nơi đây.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OPEC Giá dầu có khả năng sẽ phục hồi trong năm nay
OPEC: Giá dầu có khả năng sẽ phục hồi trong năm nay

Giá dầu có thể sẽ phục hồi trong năm 2023, với số lượng ngày càng tăng các dự báo cho thấy khả năng quay trở lại mức 100 USD/thùng, Hãng thông tấn Reuters dẫn lời các quan chức từ các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho hay.

ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học
ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết được đăng tải trên Tờ The Straits Times, của các tác giả là ông Shawn Lum, Chủ tịch Hiệp hội Tự nhiên (Singapore) và ông Vinayagan Dharmarajah, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Hiệp hội BirdLife International (Vương quốc Anh).

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng kích thích tăng trưởng toàn cầu năm 2023
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng kích thích tăng trưởng toàn cầu năm 2023

Hamid Rashid, một nhà kinh tế hàng đầu của Liên Hiệp Quốc trả lời phỏng vấn báo Tân Hoa Xã sau khi báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới (WESP) 2023 được phát hành rằng, Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023.