Thứ Hai, 28/01/2019 21:42

Quá tải và nhiều nguy cơ lây nhiễm

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, đến trưa 28/7 đã có hàng ngàn người đi xe máy về từ TP. Hồ Chí Minh về quê, trong đó phát hiện 10 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hương Thủy: Sẵn sàng vận hành chốt kiểm soát y tế liên ngànhCách ly ca dương tính mới là lái xe qua địa bàn về từ vùng dịch TP. Hồ Chí MinhĐưa hơn 600 người dân Đà Nẵng trở về từ TP.Hồ Chí MinhSẵn sàng đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh về quêThừa Thiên Huế sẽ đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh về quê bằng tàu hỏaThừa Thiên Huế luôn hướng về người dân TP. Hồ Chí Minh và bà con đồng hương xa quê

 Lượng người từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh ùn ùn về quê bằng xe máy làm cho việc chuẩn bị đón tiếp và cách ly quá tải

Quá tải

Trạm kiểm soát y tế Lăng Cô đặt tại cửa ngõ phía nam tỉnh Thừa Thiên Huế trong 5 ngày qua ghi nhận hàng ngàn lượt người và phương tiện xe máy chạy từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh trung bộ và bắc trung bộ, trong đó về Thừa Thiên Huế với số đông. Đáng nói, số người và phương tiện này rời tâm dịch khi đang thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16.

Anh Trần H. (trú xã Vinh Hưng, Phú Lộc), công nhân may tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ TP. Hồ Chí Minh về Đồng Nai người ta kiểm tra rất gay gắt, nhưng những người trong đoàn vẫn xin qua được chốt với lý do chạy thẳng ra Huế. Các chốt còn lại cũng cho qua bình thường với lý do tương tự và xuất trình giấy xét nghiệm âm tính và khai báo y tế.

Số người này vượt hành trình hơn 1000km từ TP. Hồ Chí Minh về đến Thừa Thiên Huế và các tỉnh Bắc Trung bộ trên những chiếc xe máy, cùng nhiều loại hành lý. Trạm kiểm soát y tế đã tiếp nhận, mở tờ khai y tế cho hàng ngàn người. Cao điểm có ngày số người về bằng xe máy tăng đột biến, lên đến gần 500 lượt. Số di chuyển bằng phương tiện cá nhân khi đến Thừa Thiên Huế đã được đưa vào khu cách ly. Riêng với số công dân các tỉnh khác, Thừa Thiên Huế đã tổ chức xe trung chuyển đưa qua địa bàn, tránh tiếp xúc với người dân.

Anh Nguyễn Đình H. (trú xã Lộc Thủy, Phú Lộc) cho biết, gia đình về cách đây một ngày. Tuy nhiên chỉ mới có vợ đã đăng ký qua Hue-S nên được đưa đi cách ly ngay. Còn 2 cha con thì chưa vì chưa đăng ký nên phải tá túc ở ngoài đường để chờ. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị M. (ở Vinh Hiền, Phú Lộc) cho biết, ban đầu nghĩ về là được cách ly liền, nhưng về thì Huế chưa chuẩn bị kịp nên chờ rất mệt mỏi. Chị M. nhắn với bà con tại TP. Hồ Chí Minh cứ đăng ký trên Hue-S chừng nào được duyệt rồi về.

Tại chốt kiểm soát y tế Lăng Cô luôn chật kín người

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là nguy cơ lây nhiễm tại các trạm khai báo y tế đang tập trung lượng lớn người về từ vùng dịch. Do chờ đợi lâu, nóng, ngột, tập trung trên diện tích nhỏ nên các nguyên tắc về phòng chống dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang... đều không được duy trì. Thậm chí rác thải khẩu trang, dụng cụ sinh hoạt cũng bị họ vất bỏ một cách bừa bãi.

Do số lượng người đổ về tăng nhanh nên chính quyền địa phương không kịp trở tay trong việc sắp xếp, bố trí cách ly. Tình trạng dồn ứ người tại các trạm khai báo y tế ở cửa ngõ phía nam của tỉnh luôn xảy ra. Đã có hàng trăm người kê hành lý, dựng lều ngủ tạm ở dọc hai bên đường đặt trạm do không có chỗ để bố trí cách ly. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch ra cộng đồng.

Vẫn ưu tiên người yếu thế

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã đón đợt đầu bằng máy bay 239 người yếu thế đang làm ăn sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh về quê. Đồng thời, có phương án, kế hoạch tiếp tục đón 320 công dân khác về quê bằng tàu hỏa đợt 2.

Theo đó, tỉnh đã chuẩn bị khung cách ly T5, T6 để dành cách ly số người này; đồng thời, chuẩn bị các khu cách ly có thu phí phục vụ nhu cầu người dân. Nhưng chỉ trong 5 ngày qua (từ 23-27/7) thì tỉnh đã đón hàng ngàn người người từ vùng dịch về quê bằng phương tiện cá nhân, cùng cả số tự di chuyển bằng tàu hỏa.

Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch COVID-19 tỉnh cho biết, tại thời điểm này đã kích hoạt 16 khu cách ly từ tỉnh xuống huyện với sức chứa hơn 6.000 người. Tỉnh cũng đang khẩn trương khảo sát để mở thêm các khu cách ly, nhưng vẫn lo ngại dòng người tiếp tục đổ về thì tất cả các khu cách li đều quá tải. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đã yêu cầu huyện Phú Lộc mở rộng khu cách ly về tới cấp xã làm thí điểm để triển khai toàn tỉnh.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi người dân không tự ý rời khỏi tâm dịch về địa phương bằng các phương tiện tự túc vì điều này vi phạm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh, áp lực công tác cách ly do hầu hết các khu cách ly của tỉnh đều quá tải, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng là hiện hữu. Người dân Thừa Thiên Huế đang sinh sống tại các địa phương có dịch hãy bình tĩnh, phối hợp chính quyền địa phương nơi đang cư trú để đẩy lùi dịch bệnh. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tìm mọi cách để tổ chức đưa những người yếu thế có thể trở về an toàn.

Lượt người từ các tỉnh/thành phố có dịch liên tục đổ về đã đặt Thừa Thiên Huế vào tình trạng báo động. Số ca nhiễm COVID-19 được phát hiện trong các khu cách ly đang tăng lên. Nếu những ngày trước trước chỉ 1- 2 ca thì hôm 27/7 đã phát hiện đến 4 ca, hôm 28/7 tiếp tục phát hiện 2 ca. Trong số 22 ca nhiễm được phát hiện ở Thừa Thiên Huế có 10 ca về bằng đường xe máy, 3 ca về đường tàu hỏa.

Bài, ảnh: Thái Bình

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiến sĩ “anh nuôi”
Chiến sĩ “anh nuôi”

Mới nhập ngũ một năm, nhưng những “anh nuôi” tại bếp ăn tập trung của khung T3 - F0 có đến 4-5 tháng làm nhiệm vụ ở các khung cách ly. Vốn khéo tay, lại có năng khiếu nấu nướng nên nhiều chiến sĩ đã trở thành những đầu bếp “không chuyên”.