Thứ Năm, 14/01/2016 11:48

Quản lý môi trường nước đầm phá

Hai năm gần đây, dịch vụ nhà hàng phát triển ở các vùng đầm phá, trong đó mạnh nhất ở đầm Chuồn (Phú An, Phú Vang), giải quyết việc làm cho lao động trực tiếp và gián tiếp làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Dịch vụ ăn uống trên các nhà hàng nổi thu hút khá đông khách, kéo dài khoảng 8-9 tháng trong năm.

Ô nhiễm cảng cá Thuận An: Người dân nhiều lần kiến nghịSiết chặt nuôi tôm thẻ chân trắng trên đầm phá

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế, hệ quả về môi trường tại đây rất đáng lo ngại khi hệ thống thu gom, xử lý chất thải vẫn chưa được đầu tư đảm bảo. Chưa kể chất thải từ nấu ăn, rửa chén bát ở các nhà hàng, chỉ riêng chất thải của bình quân 3.000 khách mỗi ngày về thưởng thức ẩm thực tại các nhà hàng nổi ở đầm Chuồn nếu thải trực tiếp ra môi trường cũng là vấn đề đáng bàn.

Về vấn đề quản lý vệ sinh môi trường, trong đó có nước thải, rác thải tại các nhà hàng nổi kinh doanh ăn uống trên đầm phá, một lãnh đạo cấp phòng của huyện Phú Vang cho biết: rất khó kiểm soát. Vấn đề quan trọng là ý thức bảo vệ môi trường  nước đầm Chuồn của người dân vì sinh kế lâu dài của họ. Theo quy định, việc kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi trên sông, đầm phá phải có hệ thống thu gom, bể chứa chất thải lỏng, chất thải rắn đảm bảo, tránh tình trạng xả trực tiếp ra môi trường.

Tuy nhiên, thực tế qua kiểm tra của cơ quan chức năng, việc bố trí hệ thống thu gom, bảo quản chất thải vẫn còn sơ sài, chưa nói đến chuyện các chủ kinh doanh chấp hành thường xuyên hay không. Vì thế, vị lãnh đạo này thừa nhận, công tác kiểm tra các cơ sở dịch vụ này vẫn còn mang tính tuyên truyền, nhắc nhở là chính.

Thời gian qua, đầm phá Tam Giang- Cầu Hai đang bị tác động tiêu cực bởi các hoạt động diễn ra trên và quanh vùng đầm phá như nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản, cư trú… thiếu quy hoạch hợp lý. Nhất là diện tích nuôi tôm, nuôi cá lồng phát triển cùng với các hoạt động khai thác bằng các dụng cụ có tính chất hủy diệt đã làm cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong đầm phá cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sự gia tăng lượng chất thải sinh hoạt xuống đầm phá trong điều kiện lưu thông nước kém đã làm tăng ô nhiễm chất hữu cơ và coliform ngày một nghiêm trọng. Điều này đã và đang làm biến đổi chất lượng nước, suy thoái tài nguyên thủy sinh vật và giảm đáng kể tính đa dạng sinh học của đầm phá. Kết quả quan trắc hằng năm của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho thấy, chất lượng nước trên đầm phá ổn định, tuy nhiên một số vùng vẫn bị ô nhiễm cục bộ, trong đó có đầm Sam- Chuồn với một vài thông số như BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa), COD (nhu cầu oxy hóa học), tổng coliform trung bình trong nước vượt quá mức cho phép gấp nhiều lần theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN 10:2008/BTNMT.

Ngoài những tác động tiêu cực từ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, sinh hoạt của người dân…, việc mở rộng loại hình kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi trên đầm phá nhưng không được quản lý chặt khâu xả thải như hiện nay càng làm tăng nguồn thải xuống đầm phá và nguy cơ ô nhiễm, suy thoái chất lượng nguồn nước sẽ càng trầm trọng hơn.

Đề án “Phát triển kinh tế- xã hội vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” nêu rõ cần tập trung đầu tư phát triển vùng ven biển, đầm phá Tam Giang- Cầu Hai trở thành vùng đặc thù kinh tế, đồng thời là khu dự trữ môi trường sinh quyển. Chính vì vậy, việc đảm bảo môi trường sinh thái là việc làm cần thiết và cấp bách cần sự vào cuộc của nhiều phía.

Hoài Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu
Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu

Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều điều khoản và quy định theo văn bản pháp luật cần sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị
Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị

Với mục tiêu đưa công tác quản lý đô thị (QLĐT) ngày càng đi vào kỷ cương, nề nếp, Đội QLĐT TP. Huế đã thành lập Tổ Quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) và triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn.