Thứ Bảy, 15/04/2017 07:15

Quản lý rác thải xây dựng: Khó nhiều bề - bài 2: Tận thu để bảo vệ môi trường

Tận thu và sử dụng rác thải xây dựng (RTXD) để tạo ra các sản phẩm vật liệu thân thiện môi trường đang là giải pháp tối ưu mà các ban ngành, doanh nghiệp hướng đến.

Quản lý rác thải xây dựng: Khó nhiều bề - Kỳ 1: Nhức nhối nạn đổ trộm

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng từ rác thải của Công ty TNHH MTV Long Tường ở TX. Hương Trà

Quản lý từ việc cấp phép xây dựng

Năm 2019, thông qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nhiều địa phương trong tỉnh huy động lực lượng ra quân dọn dẹp và thu gom các loại rác, phế thải, trong đó có RTXD đã phần nào giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, ông Trần Quốc Khánh đề xuất, theo quy định của Nhà nước, để bảo vệ môi trường, chủ nguồn thải không được tự ý xử lý RTXD mà bắt buộc phải ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý nên ngoài việc quản lý điểm tập kết ở kênh đào sông Hương, hiện công ty đã đầu tư đội xe chuyên dụng phục vụ dịch vụ thu gom và vận chuyển RTXD, đáp ứng nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp (DN).

Để giảm thiểu lượng RTXD thải ra môi trường, nên bắt đầu từ việc kiểm tra nghiêm ngặt trước khi cấp phép thi công các công trình xây dựng bằng các nguồn vốn đầu tư công, các DN xây dựng  phải có giấy xác nhận với đơn vị quản lý điểm tập kết RTXD thì thành phố (TP) mới cấp phép xây dựng.

Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh khẳng định, sắp tới, TP sẽ triển khai việc hướng dẫn các DN xây dựng, các hộ gia đình trong quá trình xây mới hoặc cải tạo nhà cửa đăng ký tập kết RTXD với đơn vị quản lý, sau đó bổ sung giấy xác nhận với cơ quan chức năng trước khi cấp phép xây dựng. Nếu đơn vị nào không có hợp đồng tập kết RTXD đúng nơi quy định, TP sẽ không cấp phép.

Mặt khác, TP sẽ phối hợp các ban ngành đề xuất địa điểm tập kết ở khu vực phía Bắc quy mô lớn để chuẩn bị tập kết RTXD sau khi di dời 4.000 hộ dân khu vực Thượng Thành - Eo Bầu, đồng thời ưu tiên quỹ đất cho các đơn vị xử lý RTXD có công nghệ mới tái sử dụng chất thải rắn để tạo sản phẩm vật liệu thân thiện môi trường.

Quy hoạch bãi tập kết gắn với tái chế

Khác với rác thải sinh hoạt, RTXD có thể tái sử dụng tới 90% thông qua việc san lấp và tái chế nguồn vật liệu xây dựng an toàn, thân thiện với môi trường. Cùng với việc quy hoạch các điểm tập kết thì kêu gọi các DN đầu tư công nghệ hiện đại xử lý và tái sử dụng RTXD là giải pháp tối ưu nhằm góp phần tận thu phế thải và góp phần bảo vệ môi trường.

Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị & Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Nguyễn Đức Phước thông tin, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch chuyên ngành về chất thải rắn, trong đó mỗi địa phương cấp huyện phải quy hoạch điểm tập kết RTXD với diện tích khoảng 2ha. Song do thiếu quỹ đất và kinh phí đầu tư nên hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có địa bàn TP. Huế xây dựng điểm tập kết, còn lại các huyện, TX chưa có điểm đổ nên người dân phải đổ trộm hoặc tập kết không đúng nơi quy định. Trong khi các địa phương chưa có điểm tập kết thì tỉnh ưu tiên và hỗ trợ tối đa cho các DN có dây chuyền xử lý RTXD hoạt động với mục tiêu tận thu rác thải để tạo ra sản phẩm vật liệu cung ứng ra thị trường.

Đầu năm 2019, Sở Xây dựng cấp phép cho Công ty TNHH MTV Long Tường xây dựng nhà máy gạch không nung và dây chuyền xử lý RTXD thành vật liệu thân thiện môi trường tại Cụm công nghiệp Tứ Hạ (TX. Hương Trà). Với công suất từ 500 -700 m3 RTXD/ngày, nhà máy có hệ thống sàng, máy bơm, nghiền, tạo sản phẩm đá dăm, cát, đất, đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường.

Giám đốc công ty, ông Dương Văn Tường nhận định, RTXD không phải là đồ bỏ đi mà có thể tái sử dụng tới 90%. Trong khi nguồn vật liệu cát, sỏi ngày càng khan hiếm thì tận thu RTXD để tái sử dụng tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng là giải pháp mà nhiều tỉnh, TP lớn trong nước áp dụng.

Ngoài nhà máy tại Tứ Hạ, công ty đang xin chủ trương đầu tư và nhân rộng mô hình tại địa bàn TP. Huế và TX. Hương Thủy, trong đó xin đặt nhà máy 2 tại khu đất ở kênh đào sông Hương và nhà máy 3 tại xã Thủy Bằng để tận thu nguồn RTXD tại 2 địa phương này. Nếu UBND tỉnh cho phép đầu tư dây chuyền tại 2 địa điểm này, DN sẽ không thu phí nhằm tạo điều kiện cho người dân tập kết RTXD, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ việc sản xuất.

Đẩy mạnh tuyên truyền đi đôi với chế tài

Cùng với công tác quy hoạch điểm tập kết gắn với việc xây dựng các nhà máy tái chế RTXD, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giới thiệu và hướng dẫn người dân tập kết RTXD tại các địa điểm đã quy hoạch hoặc các khu đất phù hợp nhằm hạn chế tình trạng đổ trộm gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Việt Hùng, hiện TP đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các trục đường chính, các khu đô thị mới, đây là thuận lợi rất lớn để các cơ quan chức năng thu nhập hình ảnh, chứng cứ triển khai xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của UBND tỉnh đối với các đối tượng vận chuyển RTXD không đúng nơi quy định. Để tăng cường công tác xử phạt, sở đã tổ chức 2 khóa tập huấn cho cán bộ 152 phường, xã và hướng dẫn lực lượng công an các quy định xử phạt, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc tập kết rác thải nói chung và RTXD nói riêng nhằm hạn chế tối đa số lượng RTXD tồn dư tại các tuyến đường và trong khu dân cư.

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu
Tránh chồng chéo về quản lý khi xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu

Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều điều khoản và quy định theo văn bản pháp luật cần sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị
Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị

Với mục tiêu đưa công tác quản lý đô thị (QLĐT) ngày càng đi vào kỷ cương, nề nếp, Đội QLĐT TP. Huế đã thành lập Tổ Quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) và triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn.