Chủ Nhật, 07/06/2020 06:32

Quốc Học & tầm nhìn tương lai

UBND tỉnh có đề án “Phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với hy vọng tạo nên bước phát triển mang tính đột phá, xứng đáng với ngôi trường có bề dày truyền thống và vị thế giáo dục của một vùng đất hiếu học.

Tiếp tục vun đắp, làm rạng danh Trường THPT Chuyên Quốc Học HuếXây dựng Trường THPT Phú Bài thành trường điểm của tỉnh và quốc giaTrường đại học Y Dược luôn đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trong một giờ học. Ảnh: MC

Vẫn chưa xứng tầm

Với tuổi đời 126 năm (thành lập năm 1896), Trường THPT chuyên Quốc Học là ngôi trường nổi tiếng và là niềm tự hào của vùng đất Cố đô. Đầu thập niên 1980, Quốc Học nổi tiếng toàn quốc khi Lê Bá Khánh Trình, Ngô Phú Thanh… đoạt các giải thưởng học sinh giỏi quốc tế cao.

Từ năm 2010 đến nay, Trường THPT chuyên Quốc Học thuộc top 10 trường chuyên có tổng số giải học sinh giỏi cấp quốc gia cao nhất và top 5 trường có số lượng giải nhất nhiều nhất trong số các trường chuyên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2016  - 2022, Thừa Thiên Huế có trên 360 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; trong đó, có 16 giải nhất, gấp 1,3 lần bình quân của cả nước.

Năm 2019, Lê Công Minh Hiếu đoạt huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương. Olympic Sinh học Quốc tế năm 2020 xướng tên Hồ Việt Đức khi giành huy chương vàng duy nhất cho Việt Nam. Hồ Ngọc Vĩnh Phát xuất sắc giành huy chương bạc Olympic Tin học Quốc tế năm 2021. Năm 2022, em Trương Văn Quốc Đạt, huy chương bạc quốc tế môn Sinh, huy chương cao nhất của 4 thí sinh Việt Nam dự thi.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Phú Thọ, thành tích đó vẫn chưa sánh bằng các trường THPT chuyên Amsterdam (Hà Nội), THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng)... Quốc Học hiện có trên 130 giáo viên và có trên 70 người là thạc sĩ, nhưng số giáo viên có học vị tiến sĩ còn hạn chế. 10 năm gần đây, trường chỉ tuyển chọn được 20 giáo viên. Một số chính sách cho học sinh giỏi và giáo viên được HĐND tỉnh ban hành năm 2016 nay không còn phù hợp.

Không chỉ mũi nhọn mà phải toàn diện

Tại Quyết định số 89/TTg ngày 17/1/1995 của Thủ tướng Chính phủ, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế là 1 trong 3 trường chất lượng cao của cả nước. Nghị quyết 54 - NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Xây dựng Trường THPT chuyên Quốc Học trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”.

Top 10 toàn quốc khẳng định thương hiệu, nhưng Trường THPT chuyên Quốc Học cần có một vị thế cao hơn đúng với chiến lược về phát triển trường chuyên đào tạo nhân tài trong cả nước. Cùng với đề án "Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, UBND tỉnh có đề án “Phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa VIII. Quan điểm được xác định rõ, trường chuyên không chỉ là mũi nhọn mà phải toàn diện.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trở thành cơ sở giáo dục có chất lượng cao hàng đầu của giáo dục THPT Việt Nam, hiện đại, danh giá, uy tín, có sức thu hút trên toàn quốc và hội nhập quốc tế; có đội ngũ giáo viên giỏi, uy tín về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; học sinh phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có năng lực ngoại ngữ, tin học, khả năng hội nhập và kỹ năng tổ chức, lãnh đạo đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đáng chú ý phấn đấu đến năm 2025, thuộc top 5 trường chuyên xuất sắc hàng đầu của toàn quốc về thành tích học sinh giỏi, đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3; có trên 75% giáo viên có trình độ thạc sĩ và 2-3% có trình độ tiến sĩ chuyên ngành. 100% phòng học, phòng chức năng có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, thư viện điện tử với đủ trang thiết bị nghe - nhìn.  

Đến năm 2030, thuộc nhóm nhà trường hàng đầu quốc gia về thành tích học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế, đạt kiểm định chất lượng cấp độ 4, có trên 80% giáo viên có trình độ thạc sĩ và 5% có trình độ tiến sĩ chuyên ngành. Xây dựng thư viện hiện đại, tự động hóa trong quản lý và điều hành, kết nối các thư viện của các trường đại học trong và nước ngoài. 

Định hướng giai đoạn 2030 - 2045, trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Học sinh tốt nghiệp đại học có đủ các chứng chỉ quốc tế để có thể học tiếp bậc đại học ở các trường đại học của thế giới. Tuyển sinh được học sinh từ các nước trong khu vực.

Đột phá để phát triển

Tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa VIII xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Ba trong số đó liên quan đến chế độ và chính sách, cụ thể là chế độ học bổng khuyến khích học sinh học tập, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và dành cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Đáng nói là, nhiều chính sách mang tính đột phá. Chẳng hạn, mức học bổng khuyến khích học tập cho học sinh mỗi tháng thấp nhất bằng 3 lần mức thu học phí và cao nhất bằng 15 lần. Hay như mức thưởng từ 10 triệu đồng lên đến 300 triệu đồng (giải nhất kỳ thi quốc tế). Vai trò của người thầy đặc biệt được xem trọng, sẵn sàng tiếp nhận giáo viên trực tiếp dạy môn chuyên có học sinh đạt giải quốc tế, đạt giải nhất quốc gia từ các tỉnh, thành phố có cam kết lâu dài với trường với mức hỗ trợ một lần lên tới 200 triệu đồng/giáo viên.

Về đầu tư cơ sở vật chất, phát triển Quốc Học trở thành trường học thông minh, có trang bị hạ tầng, ứng dụng công nghe thông tin và trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản trị và dạy - học của trường. Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Cho phép sử dụng kinh phí để cử giáo viên tham gia nâng cao chuyên sâu tại các viện, học viện trong nước, tu nghiệp ở nước ngoài. Giải pháp mời thầy giỏi về giảng dạy được tính đến.

Tăng cường các hoạt động hợp tác đối ngoại và huy động nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xây dựng địa chỉ du lịch giáo dục Quốc Học  cũng là những nỗ lực mang tính đột phá. Trường phải được đầu tư nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với các trường trung học, đại học danh tiếng. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo dục mũi nhọn sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các chính sách đặc thù về chương trình giảng dạy, phương thức tuyển dụng, chính sách thu hút giáo viên.

Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững
Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang thúc đẩy chương trình nghị sự năm 2023, nhằm xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững, khi các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên nhóm họp tại Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất và các cuộc họp liên quan.

Tương lai khác từ ChatGPT
Tương lai khác từ ChatGPT

Hàng ngàn, rồi đến những con số trên 10 ngàn nhân viên ở các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Google, IBM, Spotify, Meta, Amazon, HP…

Bán nhà ở hình thành trong tương lai 190 căn thấp tầng
Bán nhà ở hình thành trong tương lai 190 căn thấp tầng

Sở Xây dựng vừa có thông báo xác nhận đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai 190 căn nhà ở thấp tầng tại Dự án Chỉnh trang khu dân cư tại lô CTR11, CTR12 và khai thác quỹ đất xen ghép, thuộc khu A - Đô thị mới An Vân Dương.

APEC 2023 Tạo dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người
APEC 2023: Tạo dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người

Đây là chủ đề vừa được Mỹ đưa ra trong năm Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023, cùng mục tiêu tạo ra những luồng gió thuận lợi cho các nền kinh tế thành viên nhằm tăng cường khả năng phục hồi và tính linh hoạt, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng.