Thứ Sáu, 24/04/2020 13:55

Quy định rõ cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công lập

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 24/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Rà soát kỹ các khái niệm trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)Nhiều ý kiến tham gia dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)Chủ trương xã hội hóa kỳ vọng giải quyết các vướng mắc của ngành y tếCần những giải pháp dài hạn để đảm bảo nguồn cung ứng thuốcĐảm bảo hài hòa lợi ích của bệnh viện, bệnh nhân và nhà đầu tư

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Không có sự phân biệt giữa y tế công lập và tư nhân

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Về bố cục, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật đang dành 3 điều riêng về chi phí và giá khám bệnh, chữa bệnh, nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh và xã hội hóa. Bên cạnh đó, tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được ít nhất 8 luật khác quy định. Một số vướng mắc trong cơ chế tài chính về khám bệnh, chữa bệnh đang được đề xuất sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật chuyên ngành khác. Các quy định không có sự phân biệt giữa y tế công lập và tư nhân; trong mỗi điều luật, nếu có liên quan đến đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đều có quy định áp dụng cụ thể.

Đối với cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển y tế cơ sở, góp phần khắc phục một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, dự thảo Luật giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về cấp chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và danh mục dịch vụ kỹ thuật tối thiểu mà mỗi cấp khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải cung cấp.

Trước các ý kiến liên quan đến xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc quy định khái quát hình thức thu hút nguồn lực xã hội vẫn chưa hợp lý vì không có nội dung, không chỉ rõ các hình thức xã hội hóa cụ thể làm cơ sở để giải quyết các tồn tại, bất cập hiện hành, chưa đáp ứng được thực tiễn. Hoạt động liên quan đến xã hội hóa và đầu tư tương đối đa dạng, phong phú, chịu sự điều chỉnh của một số luật khác có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu phương án quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, thẩm quyền quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, Nhà nước thống nhất quản lý về giá và ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; quy định khung giá khám bệnh, chữa bệnh đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo quy định của Luật Giá, song cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Nhà nước quy định khung giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân.

Qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Nguyên tắc, phương pháp tính giá, thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại Luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và việc quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh và nêu các yếu tố làm căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 1/1/2027.

Làm rõ quy định tự chủ tài chính của đơn vị y tế công lập

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, một số quy định mới về cơ sở khám chữa bệnh công lập; vấn đề xã hội hóa; giá dịch vụ; phân cấp chuyên môn; giấy phép hành nghề; khám, chữa bệnh từ xa; vấn đề dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh... trong dự thảo Luật, vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Nêu ví dụ về quy định phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất, Ban soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện, từ cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu; làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân cũng như các chính sách, quy định của Nhà nước đối với từng cấp này…

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu, trước đây quy định cấp một lần nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng Y khoa Quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch nhưng cần làm rõ mô hình của Hội đồng Y khoa Quốc gia trực thuộc cơ quan nào. Đối với vấn đề xã hội hóa chỉ quy định “được ưu tiên theo quy định của pháp luật” cần quy định cụ thể những vấn đề được ưu tiên...

Nhấn mạnh cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật có mục về tài chính khám, chữa bệnh nhưng lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập, trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước hay tỷ lệ đảm bảo kinh phí; đồng thời cần đi kèm tự chủ về mặt chuyên môn, nhân lực, quyền được mua sắm đấu thầu...

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng: “Phân loại mức độ tự chủ của bệnh viện công lập cần gắn với phân loại bệnh viện; việc phân loại bệnh viện phải dựa trên cơ sở đánh giá chất lượng bệnh viện. Do đó, cần xem xét, nghiên cứu để luật hóa một số quy định của Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với đặc thù ngành Y tế nhất”; đồng thời bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này bởi “đây là điều các đại biểu, nhân dân, cán bộ ngành Y tế mong mỏi”.

Thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn trước việc có hàng chục nghìn cán bộ y tế xin nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển về cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách. Trong khi đó, điều kiện khám chữa bệnh chưa đáp ứng được một số bộ phận người dân nên nhiều người “mang ngoại tệ ra nước ngoài hoặc sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế chỉ vì thiết bị hiện đại hơn”.

“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế “vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo Luật này”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là xu thế tất yếu; song, dự thảo Luật chưa có nội dung đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. “Cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám chữa bệnh, được quyền quyết định tổ chức về bộ máy và con người phù hợp với hoạt động, quyết định vấn đề tài chính, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư…”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.

Đồng thời, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất một số góp ý liên quan đến cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt với đơn vị chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế, khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật; cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính với bệnh viện tự chủ về quyết định sử dụng nguồn thu, mức chi, mức chi trả tiền lương, mua sắm và trích lập các quỹ đầu tư phát triển, hỗ trợ bệnh nhân nghèo để tránh quan điểm “tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tự lo”; quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong lựa chọn phương thức đầu tư, mua sắm, thuê, liên doanh liên kết trang thiết bị; cơ chế quản lý, giám sát hoạt động bệnh viện tự chủ…

Tranh luận với đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) cho rằng cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm sẽ gây tốn kém, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định) cho biết, sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, nếu như hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. “Đây là thông lệ của thế giới và nên ủng hộ, tuy nhiên, cần tổ chức thực hiện cho đúng”, đại biểu nhấn mạnh.

Tranh luận với nhiều ý kiến về hoạt động Hội đồng Y khoa Quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, trong giai đoạn đầu nên quy định, Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa Quốc gia; Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành; Hội đồng Y khoa Quốc gia hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa...

Theo TTXVN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm 12 Chương, 121 Điều (tăng 3 Chương và 30 Điều so với Luật năm 2009). Với những điểm mới của Luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở
Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở

Tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Trung tâm) chiều 20/2, ông Dương Thanh Bình, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị này.

Các nghị quyết hứa hẹn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Các nghị quyết hứa hẹn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

10 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ chín nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 20/2. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.