Thứ Ba, 10/02/2015 05:51

Quy hoạch du lịch cần chi tiết hơn

Du lịch được quy hoạch cụ thể, chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư, tránh được những vướng mắc.

Nếu có quy hoạch chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi đến đầu tư. Ảnh Văn Đình Huy

Có dự án mới có chi tiết

Một doanh nghiệp đang đầu tư dự án du lịch cộng đồng ở Phú Lộc trách rằng, sao trước khi doanh nghiệp vào đầu tư, phía cơ quan Nhà nước không thông báo rõ ở khu vực này thuộc đất quốc phòng. Khi khách đến lưu trú phải đóng phí cao, thậm chí hơn cả một đêm ngủ dịch vụ homestay. Một số vị trí cũng bị cấm xây dựng công trình phục vụ du khách vì thuộc vùng bảo tồn sinh học. Doanh nghiệp này khẳng định, phía ngành du lịch và địa phương cam kết sẽ phối hợp gỡ vướng, nhưng về lâu dài khả năng thua lỗ ở dự án là rất lớn nên rút gọn quy mô đầu tư.

Một dự án khác, đã đón khách từ đầu tháng 8 vừa qua, nhưng chủ đầu tư cũng không khỏi “lăn tăn” vì quá trình “xin” phép xây dựng trước đó quá vất vả. Khu vực xây dựng phù hợp với việc ngắm cảnh trên phá Tam Giang. Chủ trương đã có, nhưng khi tiến hành các thủ tục thì dính đến các quy hoạch khác. Lên và về làm thủ tục nhiều vòng, đến nỗi doanh nghiệp này thấy nản, nói với lãnh đạo ngành du lịch sẽ không đầu tư nữa.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chưa có quy hoạch cụ thể.  Ảnh: Văn Đình Huy

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch trăn trở, trong quy hoạch phát triển du lịch ghi rất chung, ưu tiên phát triển du lịch tại các địa phương có đầm phá. Nhưng chưa xác định rõ địa phương nào, khi các dự án về đầu tư mới đưa vào danh mục cụ thể. Đến khi có dự án mới biết một số khu vực thuộc đất quốc phòng. Khi dự án đến triển khai bị vướng thì mới tiến hành gỡ khó, tính chủ động không cao. Vừa rồi Sở Du lịch phải phối hợp với ngành Công an và Quân đội xác định rõ các khu vực, địa phương nào trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai không được quy hoạch phát triển du lịch.

Tại đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) cũng có tình trạng tương tự. Chưa có quy hoạch chi tiết nên triển khai các dự án trên đầm gặp khó. Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, trên đầm Lập An chỉ có quy hoạch đoạn đường phía đông sẽ làm đường đi bộ, còn chưa có quy hoạch khu vực nào bảo tồn sinh học, khu vực các dự án du lịch nghỉ dưỡng, khu vục được nuôi trồng… khiến tình trạng nuôi trồng thủy sản khá lộn xộn trên đầm.

Ông Ngô Văn Phong, Trưởng phòng Quy hoạch và Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho hay, hiện tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có quy hoạch chi tiết khoảng 60%, trên đó có xác định rõ đất du lịch, đất công nghiệp, đất đô thị... Riêng tại đầm Lập An, do thiếu kinh phí nên chưa thể lập bản quy hoạch chi tiết.

Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch, Sở Du lịch, đối với các khu vực chưa có quy hoạch, khi có dự án đến đầu tư mới thì mới lập quy hoạch chi tiết. Thông thường, phải quy hoạch trước, dự án mới đến đầu tư, Huế đi ngược lại nên bị động là hoàn toàn dễ hiểu. Như trên hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hiện chưa có một quy hoạch nào về phát triển du lịch. Đã có nhiều dự án, khi doanh nghiệp khảo sát chọn được điểm phù hợp thì lại nằm trong khu vực cấm. Trường hợp dự án không vướng các quy hoạch trước đó sẽ tiến hành điều chỉnh mục đích sử dụng đất, từ diện tích nuôi trồng sang đất du lịch.

Quy hoạch để đón đầu

Lãnh đạo Sở Du lịch nhận định, quy hoạch du lịch ở Huế đang đi ngược lại với quy trình. Đáng lẽ phải quy hoạch chi tiết, dựa trên chi tiết, sau đó quy hoạch tổng thể và dựa trên tổng thể mới định hướng phát triển du lịch. Khi dự án đến, tiến hành quy hoạch sẽ vướng vào các quy hoạch trước đó. Theo quy định, quy hoạch sau phải dựa trên quy hoạch trước, không phá vỡ mà chỉ bổ sung thêm.

Sở Du lịch cho biết, hiện nay Huế có 3 quy hoạch du lịch chính: Đô thị du lịch Huế; khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương và điểm du lịch quốc gia Bạch Mã. Còn lại còn mang tính “tùy hứng”, doanh nghiệp nào đến đầu tư thì đi khảo sát, các ngành liên quan cùng ngồi lại, thống nhất các vấn đề liên quan. Sau đó, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp cho doanh nghiệp đầu tư. Việc này có hai hạn chế, thứ nhất thủ tục cấp phép cho chủ đầu tư khá lâu và phức tạp thì vướng quá nhiều bên và thủ tục liên quan. Thứ hai là, sự chồng chéo giữa các quy hoạch.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch phân tích, nếu có một quy hoạch chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi khi đầu tư. Khi đã có sự sắp xếp cụ thể, các dự án sẽ dựa trên các khoanh vùng, tạo ra một vùng du lịch khép kín, liên hoàn và bài bản. Sẽ không có sự “lổm chổm” đối với một đô thị du lịch đã có quy hoạch từ trước.

Ông Vũ Hoài Phương nhấn mạnh, chu kỳ của vòng quay đầu tư dự án bất động sản vào khoảng 15 năm: 5 năm đầu xây dựng dự án và xây dựng thương hiệu, 5 năm tiếp theo đi vào ổn định và 5 năm cuối sinh lời. Với các nhà kinh doanh, khi đã thặng dư nguồn vốn họ sẽ tiếp tục đầu tư để xoay vòng vốn. Và họ sẽ đến Huế trong vòng vài năm đến, vì chu kỳ đầu tư trước đã qua hơn 10 năm.

“Sẽ không có gì bằng du lịch biển. Đặc thù du lịch biển có thể đi nhiều lần, Huế cần có định hướng phát triển. Cần quy hoạch và tập trung đầu tư cho Thuận An, gần TP. Huế. Không có gì tuyệt vời hơn khi kết hợp giữa khám phá di sản và nghỉ dưỡng ở biển. Quy hoạch Thuận An thành một điểm du lịch thật chi tiết, bài bản, có phân khu các resort, khu dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí… Song song với đó là tạo ra một cơ chế thật thông thoáng, chào mời các nhà đầu tư. Tất nhiên, phải ràng buộc về quy mô, vị trí đã quy hoạch từ trước và thời gian thực hiện dự án. Nếu định hướng và quy hoạch được như thế, 10 năm đến, tin chắc rằng du lịch Huế sẽ sang một chặng đường mới”, ông Vũ  Hoài Phương góp ý.

Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.