Thứ Hai, 09/09/2019 15:02

Radio nhớ thương

Hôm qua về nhà cũ chợt nhớ nhà ông Tời hàng xóm của tôi có một chiếc radio hiệu Philips của Hà Lan.

Tình cờ thấy anh Hoàng Dũng - một đồng nghiệp thân thiết đang làm việc ở Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh post cái hình một chiếc radio đời cũ hiệu National lên facebook. Tôi xuýt xoa và ước ao có một cái radio như vậy để nghe trong những lúc rảnh rỗi. Hôm qua về nhà cũ chợt nhớ nhà ông Tời hàng xóm của tôi có một chiếc radio hiệu Philips của Hà Lan. Chạy lên nhà hỏi ông cái radio hồi xưa còn không? Ông vui vẻ mở cái tủ gỗ lấy ra cái đài Philips còn da bọc màu nâu cũ và nói: “Ông chừ không nghe đài nữa, nhưng vẫn giữ cái đài ni làm kỷ niệm…”.

Xóm tôi hồi trước chỉ có nhà tôi và nhà ông Tời là có radio. Cái radio National nhà tôi nhỏ hơn, âm thanh cũng không bằng cái Philips của nhà ông Tời. Thực sự cái đài là một người bạn. Tôi ngủ với ba và được nghe đài từ nhỏ. Các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Bình Trị Thiên, Đài Quảng Nam - Đà Nẵng... Đó là những chương trình mà đến bây chừ tôi vẫn còn nhớ tên như: Câu chuyện cảnh giác, Sân khấu truyền thanh, Đọc chuyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam; Ca Huế, Văn nghệ Tổng hợp của Đài Bình Trị Thiên hay Mỗi tuần một chuyện của Đài Quảng Nam - Đà Nẵng. Có khi tôi nghe được hết cả chương trình, có khi chương trình đang hấp dẫn thì tôi đã ngủ thiếp từ khi nào…

Những tối thứ bảy, trời vừa chập tối, thắp ngọn đèn dầu lên;  mùa hạ thì ở trước sân, mùa mưa lạnh thì ở cái phản trong nhà mấy chú, mấy bác hàng xóm cùng ba tôi ngồi bên ấm chè xanh, mỗi người một chén nước chè vàng sóng sánh còn bốc hơi ấm vừa uống nước, hút thuốc vừa nói chuyện đời thường, thôn xóm và luôn rộn rã tiếng cười… Sau đó, ba tôi mở chiếc radio National nghe chương trình “Sân khấu truyền thanh” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi lúc đó còn nhỏ cũng được ngồi ké uống nước chè và nghe những vở kịch nói, cải lương: “Những cánh cửa đã mở”, “Đất mẹ” hay “Lá sầu riêng”… Cùng với những buổi chiếu bóng của Đoàn chiếu bóng lưu động số 22 mỗi năm đôi ba lần về làng tôi thì nghe đài là thú giải trí duy nhất của những người dân làng quê tôi những năm đó…

Nhưng cái radio của nhà tôi đã hỏng từ lâu. Nó hỏng vì anh em tôi tò mò vặn dò đài liên tục, thỉnh thoảng tháo ra để xem phụ kiện bên trong. Rồi có lúc bị hư, không nghe được, ba phải đạp xe xuống tận quán ông Phó ở chợ Mới - Điền Hải cách nhà tôi gần 10 cây số để sửa. Rồi có những lần hết pin, ba bắc một nồi nước sôi lên bếp bỏ mấy viên pin luộc sôi để dùng lại nghe tạm…

Cái đài Philips của nhà ông Tời thì nghe to hơn, ấm hơn. Hơn nữa, ông rất cẩn thận, chỉ được nghe đài chứ cấm ai sờ vào nó. Vì thế bây chừ nó vẫn còn gần như là mới. Khi cái đài của nhà tôi hỏng, vào những sáng chủ nhật, khi ông Tời ra đồng thì tôi vẫn lên nhà ông, nằm trên phản mở nghe mấy chương trình Văn nghệ chủ nhật hay Khắp nơi ca hát. Đó là đặc quyền của tôi, ngoài tôi ra ông Tời cấm bất cứ đứa con nít mô tự tiện mở đài.

Cuộc sống thay đổi đúng là vùn vụt. Từ chiếc radio qua chiếc cát-xét rồi ti vi đen trắng, ti vi màu, ti vi thông minh. Bây chừ về quê thấy mấy đứa nhỏ cầm điện thoại di động lướt màn hình vèo vèo. Hồi hôm, mấy đứa em trong xóm ngồi lại nhậu hát bolero và livestream rồi nói: thấy anh Tân đang coi tề, coi tề…

Phi Tân

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiều Đông
Chiều Đông

Chiều xuống nhanh. Mạ tôi sai: “Mấy đứa con nghỉ chơi ra đụn rơm lôi cho mạ đầy hai trác rơm hí!”.

Rau trái vườn xưa
Rau trái vườn xưa

Rau quế có thân màu tím, lá màu xanh đậm, mùi thơm cũng đậm, ngon và thơm nhất khi làm món bóp với rau muống luộc.

Lao xao đồng chiều
Lao xao đồng chiều

Ở ngã ba đầu xóm, mạ tôi và mấy o, mấy dì trong xóm đang dên lúa.

Bờ xanh cổ tích
Bờ xanh cổ tích

Khi hột lúa đã khô khén, vô bồ hay cất lên tra, nghĩa là mùa thu hoạch lúa đã xong xuôi.