Thứ Bảy, 30/11/2019 13:54

Rèn kỹ năng cho sinh viên, bắt đầu từ những điểm yếu

Sự cần cù và chịu khó là điểm mạnh của sinh viên (SV) Huế, nhưng theo các nhà tuyển dụng điểm yếu của SV là kỹ năng. Rèn kỹ năng cho người học đã được các trường đại học (ĐH) chú ý, nhưng phải bắt đầu từ những điểm yếu rất nhỏ.

Kỹ năng sống - điểm tựa vững chắc cho học sinhTái khởi động các sân chơi kỹ năng

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển tại ngày hội việc làm

Yếu cả kỹ năng tìm việc

Gặp nhiều nhà tuyển dụng tại các ngày hội việc làm, họ tiết lộ chưa hài lòng khi xem hồ sơ tìm việc của SV. Thay vì chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển vào vị trí công việc, SV lại làm đơn xin việc. Ngay lập tức, một số doanh nghiệp cảm thấy ứng viên không đủ tự tin và ít nhiều họ bị trừ điểm. Nguyễn Thị Thủy Tiên, một SV ở Huế vừa tốt nghiệp, thừa nhận: “Em cũng vừa bị doanh nghiệp chỉ ra lỗi từ chuyện này”.

Đại diện một doanh nghiệp giải thích, vấn đề trên thuộc về yếu tố kỹ năng của SV. Về bản chất, xin việc hay ứng tuyển là một, nhưng cách nhìn nhận từ doanh nghiệp nay đã khác trước. Ngày xưa, công ty tư nhân không có nhiều, cơ hội nghề nghiệp của người lao động rất ít. Mặc định trong suy nghĩ của nhiều người là đi xin việc, với tâm lý “cửa dưới”. Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp đa dạng bởi sự phát triển mạnh của kinh tế tư nhân. Điều này dẫn tới sự thay đổi quan niệm về xin việc - ứng tuyển vị trí công việc. Tuyển dụng đòi hỏi doanh nghiệp đưa ra yêu cầu và người lao động đáp ứng đủ điều kiện, không phải cơ chế xin-cho. Cũng vì vậy, một số nhà tuyển dụng rất “ngại” từ xin việc.

Trong một buổi nói chuyện với SV, ông Ngô Bảo Thái, Tổng Giám đốc OBC Việt Nam nhấn mạnh, 4 yếu tố quan trọng, tạo thành công trong cuộc sống và công việc, cũng là đòi hỏi mà doanh nghiệp cần SV chú ý là tư duy, kiến thức, kỹ năng và công cụ. Đặc biệt, yếu tố kỹ năng rất quan trọng. Còn theo ông Trương Thanh Hùng, đồng sáng lập - Giám đốc điều hành FiNNO Group, thông qua tiếp nhận đơn xin việc, thư ứng tuyển cũng như phỏng vấn SV, phát hiện ra nhiều lỗi, trong đó có những lỗi sơ đẳng trong khâu làm hồ sơ, gửi hồ sơ qua mạng. Nhiều SV chưa biết cách hay còn xem nhẹ khâu làm hồ sơ ứng tuyển, trong khi doanh nghiệp lại rất tinh ý, hồ sơ không đạt thì khó có cơ hội.

Việc nhiều vẫn thất nghiệp

Kỹ năng tìm việc chỉ là một trong rất nhiều điểm yếu kỹ năng mà SV cần khắc phục. Thực tế, không đáp ứng được kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ kém, không có kỹ năng mềm, khả năng thích ứng với luật chơi của thị trường lao động… là những lý do khiến một phần không nhỏ tân cử nhân thất nghiệp.

Không tính đến khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì rõ ràng, cơ hội việc làm cho SV ra trường vẫn rất lớn. Mới đây, trong ngày hội việc làm năm 2022 tại Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế (khai mạc ngày 21/5), doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 2.700 chỉ tiêu, vượt xa so với số SV ra trường đợt này là hơn 1.100 SV.

SV Huế được đánh giá rất cần cù, chịu khó, ham học hỏi, nhưng vẫn còn bị đánh giá yếu ở kỹ năng. Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, song song với việc đào tạo kiến thức, nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ cho SV nắm bắt các yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại công nghệ số và tự động hóa.

Theo các nhà tuyển dụng, có 4 nhóm kỹ năng chính, nhà trường và SV cần chú ý hiện nay. Thứ nhất là nhóm kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông như năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ. Tiếp theo là nhóm các kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề... Thứ ba là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm. Cuối cùng là kỹ năng sống (thích nghi) trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, trách nhiệm cá nhân và xã hội. SV phải rèn luyện các kỹ năng để đáp ứng được “luật chơi” của thị trường lao động, bởi dù nhu cầu lớn, nhưng doanh nghiệp không thể tuyển người yếu và thiếu kỹ năng, đồng nghĩa với thực trạng việc nhiều nhưng SV ra trường vẫn có thể thất nghiệp.

Rèn kỹ năng cho sinh viên bằng nhiều cách

Cải thiện điểm yếu kỹ năng cho SV trước hết cần vai trò chủ động từ phía người học, ngay cả trong nhận thức và hành động. SV phải tự rèn những kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ số, bứt phá ra khỏi giới hạn bản thân.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của đơn vị đào tạo. Theo đại diện ĐH Huế, hiện các trường đã và đang mở ra nhiều sân chơi kỹ năng cho SV thông qua các ngày hội, hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm. Song, vẫn phải “kiên trì” và tìm nhiều giải pháp để rèn kỹ năng hơn cho SV.

Các trường cần có những khảo sát, đánh giá sát thực tế về thực trạng, điểm mạnh, yếu về những kỹ năng của SV để từ đó có cách bồi dưỡng, rèn luyện. Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đoàn thanh niên - hội sinh viên trong việc tổ chức các sân chơi, môi trường rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, tránh hình thức và phong trào. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, đưa vào chương trình đào tạo các kỹ năng cần thiết để trang bị cho SV; phối hợp doanh nghiệp để hướng dẫn kỹ năng cho SV.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn
Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn

Tranh cổ động kỷ niệm ngày thành lập Đảng, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp hay tranh chân dung về các vị lãnh tụ... vốn là đề tài không dễ với những người còn non tuổi nghề như sinh viên. Bằng cảm nhận, niềm tin với Đảng, Bác Hồ và tri ân những người có công với đất nước, nhiều sinh viên khối ngành nghệ thuật đã đặt được trọn cảm xúc với những đề tài mỹ thuật lớn.

Sinh viên ra trường làm việc trái ngành Muôn vàn lý do
Sinh viên ra trường làm việc trái ngành: Muôn vàn lý do

Học một ngành, làm một ngành là thực tế không xa lạ với nhiều sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp. Thực trạng trên đặt ra câu hỏi: “Lãng phí 4-5 năm học đại học (ĐH), có phải do lỗi từ công tác hướng nghiệp?”.

Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT
Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT

Sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành giáo dục, trong đó nỗi lo ở bậc đại học (ĐH) là ảnh hưởng vấn đề “liêm chính học thuật”. Song, trước xu thế của thời đại, việc chủ động đón nhận và định hướng người học tiếp cận các giá trị tích cực mà ChatGPT là điều nên làm.