Chủ Nhật, 05/11/2017 06:15

Sẽ có nhiều phương án xét tuyển mới

Với sự thay đổi kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2020, Đại học (ĐH) Huế sẽ có nhiều phương thức xét tuyển mới.

Chuẩn bị điều kiện an toàn đón sinh viên đi học trở lạiĐại học Huế thông báo cho sinh viên đi học trở lại từ 4/5Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế: Không còn bỡ ngỡ

Thí sinh xem thông tin thi và xét tuyển (Ảnh minh họa)

Thay đổi phương thức xét tuyển

Nếu trước đây, ĐH Huế sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia là chính, cùng với xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp THPT và kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu với các phương thức thì năm nay, sự thay đổi phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khiến ĐH Huế cùng các cơ sở đào tạo có sự điều chỉnh về phương thức xét tuyển.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, dự kiến năm nay ĐH Huế sẽ có 4 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ, tuyển thẳng theo quy định của ĐH Huế); xét tuyển dựa vào kết quả học bạ; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 kết hợp với thi tuyển sinh các môn năng khiếu.

ĐH Huế và các trường đang đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh cho thí sinh (Ảnh minh họa)

Tuy đến nay vẫn phải chờ quy chế mới từ Bộ GD&ĐT, song theo đại diện bộ phận tuyển sinh ĐH Huế, hướng ưu tiên và mong muốn là tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả thi cao hơn. Lý do là qua kỳ thi, khả năng sàng lọc tốt hơn, đánh giá chất lượng đồng đều hơn. “Theo quy chế trước đây, tổng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển dựa vào học bạ là không quá 20%, nhưng sự thay đổi về phương án thi đòi hỏi sẽ có quy chế mới. Khả năng tỷ lệ xét học bạ có thể tăng lên, song không nên sử dụng quá nhiều chỉ tiêu phương thức này. Dù không vơ đũa cả nắm, nhưng xã hội vẫn còn nghi ngại về kết quả học tập cấp THPT liên quan đến cách đánh giá kết quả của từng trường, từng địa phương”, một cán bộ làm công tác tuyển sinh ĐH Huế chia sẻ.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, năm 2020, ĐH Huế dự kiến tuyển 14.250 chỉ tiêu vào 146 ngành đào tạo của 8 trường ĐH thành viên, 4 khoa thuộc ĐH Huế và phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị. Trong đó, ĐH Huế cũng có các ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù là ngành Kỹ thuật phần mềm (Trường ĐH Khoa học); Du lịch, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn (Khoa Du lịch). Thông tin về sự thay đổi các phương án xét tuyển và ngành nghề đã được các đơn vị định hướng, tư vấn đến thí sinh.

Không tổ chức thi THPT Quốc gia, ĐH Huế sẽ đưa ra nhiều phương thức xét tuyển mới (Ảnh minh họa)

Điểm mới đối với khối các ngành năng khiếu là năm nay, ngoài phương thức dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, hoặc dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 kết hợp với thi tuyển sinh các môn năng khiếu thì ĐH Huế dự kiến sẽ tổ chức nhiều đợt thi hơn. TS. Nguyễn Công Hào lý giải: “Từ thực tiễn có những em khi đăng ký xét tuyển chưa đăng ký thi năng khiếu, nhưng sau kỳ thi lại có nguyện vọng. Việc tổ chức nhiều đợt thi tạo thuận lợi cho thí sinh, không cần phải đợi đến năm sau mới tham gia thi năng khiếu. Tất nhiên, để tổ chức thi các đợt sau, số hồ sơ phải đảm bảo theo quy định của Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế”.

Nhiều trường chưa tổ chức kỳ thi riêng

Vừa qua, tại cuộc họp của Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế (cuối tháng 4/2020), đa phần các trường cho rằng, chưa tính đến việc tổ chức kỳ thi riêng hay đánh giá năng lực.

Lý do là để tổ chức kỳ thi riêng khá tốn kém cho đơn vị cũng người dự thi. Đối với đề thi, dù có thể đề nghị Cục quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT cung cấp đề thi từ ngân hàng đề, nhưng cũng cần có thời gian chuẩn bị nhất định mới tạo được hiệu quả. Đối với thi đánh giá năng lực, có thể kết hợp các ĐH lớn để tạo điều kiện cho thí sinh hơn, tránh trường hợp mỗi nơi tổ chức một kỳ thi riêng, chưa đúng với tinh thần đổi mới. “Chỉ tính riêng tại Huế, nếu mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng, sẽ phát sinh nhiều vấn đề, khó khăn, kể cả việc đón tiếp và hỗ trợ thí sinh”, đại diện một trường thuộc ĐH Huế chia sẻ.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học phân tích, nếu tổ chức thêm kỳ thi riêng, thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT tại địa phương sau đó phải đến Huế thi thêm một kỳ thi nữa, vô hình chung quay lại hình thức thi trước đây, gây khó cho cả đơn vị giáo dục lẫn thí sinh. Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phương án thi, xét tuyển phải thay đổi liên tục trong khi đó nếu tổ chức một kỳ thi gấp gáp, sẽ khó mang lại hiệu quả.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.