Thứ Hai, 01/08/2016 18:24

Sôi động thị trường hoa, quả trang trí tết

Trong khi chuối tết được người bán vui mừng vì bán được giá thì hoa cành nhập từ Đà Lạt về và một số loại trái cây trang trí tết cũng hút khách. Những ngày cận tết các mặt hàng này trở nên nhộn nhịp, người mua khá hài lòng trong khi người bán cũng mong bán hết sớm để về chuẩn bị tết.

Độc đáo dừa vàng thư pháp chưng tếtĐiệp khúc máy ATM hết tiềnHàng tết dồi dào, sức mua tăng

Người dân chọn mua chuối được bày bán trên đường Phạm Văn Đồng

Thị trường hoa bó cành tết tập trung ở các chợ, nhiều và đẹp nhất nằm ở ngay sau chợ Đông Ba. Trong khi các loại trái cây thờ cúng, trang trí như chuối, dừa, dưa hấu… có mặt ở nhiều tuyến đường.

Chuối cúng bán chạy

Với người dân Huế, ngoài các loại trái cây đơm lên bàn thờ gia tiên không thể thiếu nải chuối. Vì thế mà chuối bao giờ cũng được người mua cất công chọn để tìm được nải hay buồng chuối ưng ý dù giá có đắt đỏ.

Khác với một vài năm về trước, chuối nhập tràn lan về Huế trong những ngày cận tết trong khi thời tiết mưa lạnh nên thương lái lẫn người bán rơi vào tình trạng ế ẩm. Năm nay, thời tiết nắng ráo và với kinh nghiệm mua bán của mình, những người buôn chuối đã có một mùa tết khá vui.

Một trong những tuyến bán chuối nhiều nhất nằm trên đường Phạm Văn Đồng. Chuối được bày từng gian nhộn nhịp khách ra vào hỏi giá và mua. Anh Hồ Văn Tài (TP. Huế) chủ một lô chuối trên tuyến đường này cho biết đến thời điểm 27 Tết, anh đã nhập xe chuối thứ hai từ Lao Bảo (Quảng Trị) vào.

Dưa hấu khắc hình - một loại trái cây quen thuộc những năm gần đây vào dịp tết

Kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay bán hết xe đầu anh mới đưa xe ra lấy tiếp. Mỗi chuyến như thế, xe anh nhập 200 buồng, mỗi buồng tùy theo có từ 5 – 8 nải với mức giá trung bình từ 250.000 – 400.000/buồng.

“Năm nay tui không nhập chuối từ miền trong ra nữa bởi nó mau chín, không hợp với thời tiết ngoài mình mà chủ yếu nhập chuối từ Lao Bảo. Với mức giá như thế người mua cũng dễ mua mà mình thì kiếm được chút lời cuối năm”, anh Tài cho hay.

Cách đó vài gian hàng, lô chuối của chị Nguyễn Thị Thu (Phú Vang) cũng chộn rộn cảnh trả giá giữa người mua lẫn người bán. Chị Thu kể rằng đã bỏ hơn 30 triệu để ra tận Lao Bảo buôn chuối vào Huế bán. Đến thời điểm này, gần như chuối của chị đã bán hết. Vì biết chuối đẹp, giá cả vừa phải nên nhiều người còn giới thiệu cho người khác đến mua.

Cầm trên tay buồng chuối 8 nải vừa mua với giá 400.000 đồng,  chị Nguyễn Thị Vân (Vĩ Dạ, TP. Huế) tỏ ra vui mừng khi tìm ra buồng chuối ưng ý. Chị kể, đã mua rất nhiều loại trái cây, nhưng chuối là thứ không thể thiếu trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên vào những thời khắc ý nghĩa như thế.

“Không biết từ khi nào, ngày tôi về làm dâu đã thấy trong nhà chồng đơm chuối trên bàn thờ vào những ngày cúng kị lớn nhỏ cũng như tết. Để rồi trở thành truyền thống, thói quen, Tết nào cũng không thể thiếu chuối” – chị Vân tâm tình.

Hoa bó, dưa hấu cũng đắt hàng

Sôi động không kém là thị trường hoa bó nhập từ Đà Lạt về với đủ chủng loại từ lay ơn, cúc, lyly… Mặt hàng này tập trung nhiều nhất ở các chợ như An Cựu, Bến Ngự… và nhiều nhất là ngay phía sau chợ Đông Ba.

Người mua vào đây chẳng khác đi vào rừng hoa và tha hồ chọn mua với các mức giá khác nhau. Theo khảo sát, giá ly ly có giá từ 150.000 – 200.000 (5 cành), cúc 50.000 – 70.000 đồng/bó, lay ơn 60.000 – 80.000 đồng/bó.

Theo nhiều người mua, giá tết như thế có thể chấp nhận được, dù tăng nhưng không đáng kể. “Hoa này chủ yếu cắm bình để trên bàn thờ, hoặc chưng phòng khách. Vì thế giá cũng hợp lý, nên mình tranh thủ chọn mua rất nhiều”, chị Nguyễn Thị Phương (Tây Lộc, TP. Huế) cho biết.

Người dân chọn mua hoa lyly nhập từ Đà Lạt về

Cùng với hoa bó, một loại trái cây đặc trưng trở nên phổ biến những năm gần đây đó là dưa hấu. Loại trái này được người mua để ý bởi có thể khắc được hình con giáp, câu chúc… Dọc theo các tuyến đường ra vào cửa ngõ TP. Huế, dưa hấu được bày bán tràn lan, người mua tha hồ lựa chọn. Dưa hấu chủ yếu được nhập từ Gia Lai về.

Nhiều người mua chọn rất kỹ, trái to tròn để có thể khắc chữ, và đơm lên bàn thờ sao cho đẹp. Vì thế, có thể thấy những gian hàng này bao giờ cũng đông vui nhộn nhịp.

Anh Nguyễn Công Hoàng bán dưa hấu trên đường Phạm Văn Đồng cho biết đã nhập gần 20 tấn dưa hấu về để bán phục vụ tết năm nay. Mỗi trái dưa nặng từ 5-10kg.

Dưa hấu được nhập từ Gia Lai về Huế bán tết

Theo anh Hoàng, giá nhập từ vườn 7.000 đồng, khi về đến đây bán 10.000 đồng/kg. Ngoài ra, để phục vụ người mua, anh còn cho thuê người khắc chữ, tranh lên dưa hấu với mức giá 10.000 đồng/trái với khoảng thời gian 10 phút.

“Do thời tiết thuận lợi nên năm nay việc bán buôn diễn ra khá thuận lợi. Khả năng sẽ bán hết lô hàng này trước giờ giao thừa”, anh Hoàng dự đoán.

Bài, ảnh: Phan Thành

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày mùng 3 Tết Bắc Bộ, Trung Bộ trời chuyển rét đậm
Thời tiết ngày mùng 3 Tết: Bắc Bộ, Trung Bộ trời chuyển rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm ngày 24/1, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Tết sẻ chia cùng bệnh nhi hiểm nghèo
Tết sẻ chia cùng bệnh nhi hiểm nghèo

Đối với trẻ ở lại điều trị, đón tết tại bệnh viện là một thiệt thòi lớn. Nhiều tấm lòng, nhiều cánh tay chìa ra giúp bệnh nhi vui vẻ, lạc quan tiếp sức cho các em trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.

Người Huế đón Tết ở trời Tây
Người Huế đón Tết ở trời Tây

Có gói bánh tét, có mâm cúng Giao thừa, có đi chùa, mừng tuổi… Tết Nguyên đán của du học sinh, kiều bào người Huế ở nhiều nước trên thế giới vẫn giữ nguyên truyền thống.

Thuyền về, tôm cá đầy khoang
Thuyền về, tôm cá đầy khoang

Sau lễ hạ vọng, ngư dân các vùng biển bãi ngang bắt đầu “xông biển” đầu năm. Những lá cờ Tổ quốc phấp phới cùng thuyền ngư dân bắt đầu thẳng tiến ra biển để “hái lộc” đầu năm.