Thứ Bảy, 12/05/2018 05:45

Tấm gương dũng cảm của vị Tham mưu trưởng

Câu chuyện diễn ra đã lâu, nhưng mãi đến bây giờ tôi mới có đủ cơ sở xác quyết: Thiếu tá Võ Đại An, Tham mưu trưởng Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên là vị chỉ huy dũng cảm.

Chân dung ông Võ Đại An

Chiến đấu đến cùng

Kể về trường hợp hy sinh của ông, Đại tá Trần Việt Hà, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế cho biết, cuối năm 1969, sau khi kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến trường của K4 -Tiểu đoàn 4 ở bắc Truồi, trên đường trở về, Tham mưu trưởng Võ Đại An và một số đồng chí bị địch phát hiện. Mỹ cho máy bay HU-1A truy bắt. Thay vì tìm cách trốn thoát, Thiếu tá Võ Đại An đã dùng khẩu súng ngắn K59 bắn trả và anh dũng hy sinh.

Bà Hoàng Thị Chuyên, nguyên Phó Bí thư Chi bộ xã Dinh Lộc (nay là thị trấn Phú Lộc)- địa bàn nơi ông An hy sinh, cung cấp thêm chi tiết: Chiều đó, vào tháng 9/1969, tổ công tác của ông Võ Đại An cùng 2 tiểu đội trinh sát và truyền tin vừa ra khỏi khe Dớn (nơi có nhiều rau dớn hay còn gọi là khe Su) thì bị một đơn vị của Sư đoàn Airbonne Mỹ phát hiện. Sau khi hạ sát 3 trinh sát đi đầu, binh sĩ Mỹ gọi pháo bầy bắn cấp tập vào đội hình và sau đó điều máy bay rọ-gáo bao vây.

Thời ấy, vùng này chỉ có cỏ tranh và lau lách nên sau khi dễ dàng bắn hạ người cần vụ, Mỹ đã cố bắt sống ông An. Ông An đã dùng súng K59 bắn trả, thà hy sinh chứ nhất quyết không để bị bắt. Đợi Mỹ rút, du kích Dinh Lộc mới đưa thi hài ông An về chôn ở dốc Ly Hương- bên chân núi Bạch Mã.

Vị chỉ huy dũng cảm

Ông Võ Đại An sinh năm 1934, quê ở Nong nay thuộc xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Ông tham gia bộ đội từ thời chống Pháp.

Sau khi tập kết, đầu những năm 1960, ông theo đơn vị trở về chiến đấu ở Thừa Thiên. Trên cương vị Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 802 Phân khu Bắc Trị Thiên), từ tháng 2/1964 ông đã tham gia đánh địch ở Đình Môn nhằm bảo vệ các thôn của xã Hương Thọ (lúc này thuộc huyện Hương Thủy) vừa được giải phóng.

Đầu năm 1965, Đại đội 3 được giao nhiệm vụ đánh vào Chi khu quân sự quận Hương Thủy. Đây là trận đánh đầu tiên của chủ lực quân giải phóng tại đồng bằng Thừa Thiên. Biết thế nào địch cũng sẽ phản kích nên Đại đội trưởng Võ Đại An đã bàn với Huyện đội trưởng Hương Thủy Phùng Hữu Yên (Xuân) kế hoạch đối phó.

Đúng như dự đoán, sáng hôm sau, Đại úy Quận trưởng Hương Thủy Nguyễn Cáo trực tiếp chỉ huy Đại đội Địa phương quân tiến vào thôn Đồng Lực (ấp Tư) của xã Thủy Phương thì bị bộ đội cùng du kích chặn đánh. Quận trưởng Nguyễn Cáo bị bắt khiến đối phương hỗn loạn. Sau chiến công vang dội này, ông An được đề bạt giữ chức Tiểu đoàn trưởng 802 thuộc Tỉnh đội Thừa Thiên.

Tháng 2/1965, Tiểu đoàn trưởng Võ Đại An dẫn 1 đại đội hành quân về quê mẹ ở Nong.

Nhờ cài cắm cơ sở nội tuyến cũng như sự hỗ trợ đắc lực của đảng viên mật, sau khi cùng Phạm Thi trinh sát hướng xâm nhập, đúng như kế hoạch, trận đánh diễn ra nhanh gọn. Binh sĩ trú đồn Nong số bị tiêu diệt, số bị bắt và trước khi rút lui, Võ Đại An đã cho binh sĩ giật sập cầu Nong nhằm chia cắt tuyến Quốc lộ 1 nối Huế- Đà Nẵng. Đây là trận đánh hoàn hảo, quân ta bình an vô sự, cơ sở nội tuyến không bị lộ.

Sau trận đánh này, địch không dám xua quân lùng sục, tạo cơ hội để Nhân dân ta làm chủ phần lớn khu vực nông thôn.

Sau trận đánh đồn Nong, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Chi và Chính ủy Võ Phi Trắng (Vũ Thắng), tháng 5/1965, Tiểu đoàn 802 cùng 3 tiểu đoàn của Phân khu Bắc Trị Thiên đánh trại biệt kích Khe Tre-Nam Đông.

Sau một tháng chiến đấu, quân giải phóng đã diệt gọn 1 tiểu đoàn địch và bắn rơi 6 máy bay. Đây là trận đánh có quy mô lớn ở Trị Thiên, tích lũy kinh nghiệm để quân giải phóng đối đầu với chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của Mỹ.

Mùa thu năm 1967, Tỉnh ủy Thừa Thiên giải thể để hình thành các mặt trận trực thuộc Quân Khu ủy Trị Thiên. Mặt trận Phú Lộc do Trung đoàn 4 là lực lượng nòng cốt nên còn gọi là Đoàn 4.

Tiểu đoàn 802 trở thành một đơn vị của Trung đoàn 4 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Chi (tiếp đó là Trần Lưu Chữ) chỉ huy có nhiệm vụ đánh chia cắt giao thông Đà Nẵng - Huế lúc này do 1 tiểu đoàn Mỹ rải quân chốt giữ ở KM số 3 Bạch Mã, Truồi, Thừa Lưu, An Bằng, Phước Tượng…

Theo Đại tá Trần Việt Hà, đêm 19/8/1968, ta tổ chức đánh căn cứ Mỹ ở bắc đèo Phước Tượng. Trận này do Tiểu đoàn trưởng Võ Đại An chỉ huy và trực tiếp chiến đấu.

Sau chiến thắng ở trận đánh này, ông Võ Đại An được cử làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 4 còn ông Trần Việt Hà làm Tiểu đoàn trưởng 802.

Lăn lộn, dũng cảm, từ Đại đội trưởng, 4 năm sau (1964-1968), ông Võ Đại An được đề bạt Tham mưu trưởng Trung đoàn.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ
Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

Qua thực tế giáo dục con trẻ mới thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Dạy con bằng chính tấm gương của bố mẹ là một trong những phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp

Sáng 22/11, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23/11/1922 – 23/11/2022).

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sáng 14/9, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 và thông tin về những kết quả đạt được trong quá trình chỉ đạo, quán triệt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.