Thứ Bảy, 26/03/2016 12:30

Tấm lòng của cô giáo vùng cao

Hơn 21 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Hoàng Thị Đảng ở vùng cao A Lưới luôn hết lòng giúp đỡ học sinh nghèo vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường, trở thành tấm gương sáng trong phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người “gieo chữ” ở vùng caoTín hiệu vui từ phổ cập giáo dục ở miền núi

Cô Hoàng Thị Đảng như người mẹ thứ hai của nhiều học sinh tiểu học

Nhìn khuôn mặt cởi mở trước người lạ của em Nguyễn Thị G., học sinh lớp 5, Trường tiểu học (TH) A Ngo, khó ai tin được cách đây 3 năm, em là một học sinh bị tự kỷ nặng. Mồ côi ba từ nhỏ, mẹ là người dân tộc Tà Ôi, chỉ dựa vào nương rẫy để nuôi 2 con nhỏ và người bà đã nhiều năm mất khả năng tự chăm sóc nên G. suy dinh dưỡng và bị bệnh từ nhỏ, thấy cái gì cũng rất sợ hãi. Hàng ngày, mẹ phải cõng em đến trường. Không có cô chủ nhiệm là em không dám vào lớp, có hôm chui xuống gầm bàn đến khi cô đến dỗ dành mới chịu ra.

Để khắc phục bệnh tình của G., dù những hôm không có tiết đầu, cô Đảng cũng đến trường sớm để đón em vào lớp. Giờ ra chơi cô đến bên dỗ dành, nói chuyện rồi dần dần rủ thêm các bạn đến trò chuyện..., nhờ đó G. ngày càng mạnh dạn hơn. Hôm nào G. không đến trường, cô về nhà tìm mới biết bệnh của em phát nặng, khi thì thấy em đang ngủ ở chuồng heo, khi ở bụi chuối, khó khăn lắm cô mới dỗ dành và đưa em vào nhà tắm rửa, động viên. Những ngày sau đó, cô đến tận nhà chở G. đến trường… Tình cảm của cô Đảng như người mẹ thứ hai nên bây giờ G. đã dần sinh hoạt bình thường như bao nữ sinh vùng cao khác.

Năm 1983, khi đang là học sinh lớp 2, cô giáo Đảng từ quê cha Thanh Hóa đến với vùng cao A Lưới sống với chị gái, để rồi nơi đây trở thành quê hương thứ hai của cô.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Huế, cô trở về A Lưới giảng dạy và tiếp tục hòa mình với cuộc sống nơi đây. Những đơn vị cô Đảng công tác đều có nhiều học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em đến trường bụng không đủ no, áo quần không đủ ấm. Tuy lương giáo viên những ngày đầu mới vào nghề không đủ trang trải cuộc sống, nhưng cô vẫn trích một khoản nhất định để mua đồ dùng học tập cho học trò. Trong cặp của cô lúc nào cũng có kéo, lược, dụng cụ bấm móng tay, xà phòng… để chăm sóc học sinh vào giờ ra chơi. Với những học sinh không nghe lời, cô phối hợp với phụ huynh để nắm bắt tâm tư tình cảm, tìm hướng giúp đỡ và dành nhiều thời gian ngoài giờ kèm cặp những học sinh yếu kém, tiếp thu bài chậm. Có thời gian rảnh rỗi cô lại tìm thêm các nguồn hỗ trợ, ban đầu là bạn bè, người thân rồi đến các tổ chức, cá nhân... Cô Đảng chia sẻ: “Được giúp đỡ các em, tôi cũng được mở mang thêm kiến thức để làm tốt chuyên môn và trân quý gia đình”.

Giúp đỡ học sinh nghèo là hoạt động luôn được cô Hoàng Thị Đảng (đứng ngoài cùng bên trái) đặc biệt quan tâm

Thời gian công tác tại Trường TH A Ngo, với vai trò là thành viên Ban Chấp hành Công đoàn của trường, cô đã kêu gọi thành lập Quỹ khuyến học và tìm mọi nguồn hỗ trợ để có điều kiện phát quà cho học sinh nghèo. Những phần quà đôi khi chỉ là bao gạo, gói bột nêm, gói bánh hoặc vài bộ quần áo, sách vở cũ… trao cho học sinh vào dịp lễ, tết. Tuy giá trị vật chất không cao, nhưng đã góp phần động viên tinh thần nhiều học sinh và phụ huynh.

Năm học này, cô Đảng vừa được thuyên chuyển về làm Phó hiệu trưởng Trường TH Hồng Bắc. Để làm tốt chuyên môn, chu toàn việc nhà và giúp đỡ những học sinh khăn quả là không đơn giản, nhưng chính tình thương yêu, sự quan tâm đối với học sinh nghèo đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn. Cô tự hào: “Các con của tôi nay đã là sinh viên đại học nhưng vẫn giữ thói quen cũ, cứ nhận được phần thưởng là nhờ mẹ tặng lại học sinh nghèo”.

Hiện, cô Đảng là thành viên của nhóm từ thiện “Nồi cháo nhân tâm” do những cán bộ, công chức và người lao động có điều kiện kinh tế ổn định ở địa phương thực hiện. Mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật, nhóm nấu cháo mang đến Bệnh viện huyện A Lưới phát cho bệnh nhân nghèo.

Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới Trần Duy Nguyên nhận xét: “Nhờ tham gia nhiều hoạt động xã hội và gần gũi với học sinh, cô Hoàng Thị Đảng là giáo viên giao tiếp được nhiều ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số nhất của ngành giáo dục A Lưới. Cùng với tình thương yêu học sinh là thành tích vượt trội trong chuyên môn, cô đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của tỉnh và các giải thưởng cao quý khác, trở thành một điển hình trong phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành giáo dục huyện”.

Bài, ảnh: Bá Trí

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếng Anh cho học sinh vùng cao, vừa dạy vừa gỡ khó
Tiếng Anh cho học sinh vùng cao, vừa dạy vừa gỡ khó

Điểm thi môn tiếng Anh của Thừa Thiên Huế vẫn không cải thiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua. Một trong những nguyên nhân là do có nhiều điểm thấp đến từ học sinh dân tộc ít người ở các huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần có sự đổi thay trong dạy và học môn tiếng Anh.

Chuyện về cô giáo mầm non
Chuyện về cô giáo mầm non

Cái số thế nào, gần hai chục năm nay, nhà tôi được ở đối diện một trường mầm non. Tôi chứng kiến từ ngày trường đặt viên gạch đầu tiên trên miếng đất trống đến lúc trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Và điều thú vị là, có một số cô đã từng dạy con tôi, giờ lại tiếp tục là cô giáo của cháu ngoại tôi.

Những tấm lòng nghĩa hiệp trong thiên tai
Những tấm lòng nghĩa hiệp trong thiên tai

Về xã Quảng Phước (Quảng Điền) những ngày cuối tháng 10/2022, nước vẫn còn ngập trắng đồng. Chúng tôi nghe kể về những con người nghĩa hiệp sẵn sàng xả thân cứu người, cứu tài sản giữa dòng nước lũ.

Phát triển xà lách xoong ở vùng cao
Phát triển xà lách xoong ở vùng cao

Đến thôn Ra Đang, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, hỏi chàng dân quân trẻ Lê Quốc Hâng (19 tuổi) là không ai không biết. Bởi Hâng không những là một dân quân trẻ năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ mọi người mà còn chí thú làm ăn, phát triển kinh tế.